Đường sắt đứng trước nguy cơ dừng chạy tàu: Lỗi tại cơ chế hay quản lý yếu kém?


Thứ 6, 28/02/2020 | 23:36


Cùng sự kiện

Ngành đường sắt có nguy cơ phải dừng chạy tàu do không có tiền trả lương cho hơn 11.000 nhân viên của ngành.

Từng được coi là “xương sống” của hệ thống giao thông Việt Nam, thế nhưng hiện nay, đường sắt đang ngày một “lu mờ” trước các phương thức vận tải khác, thậm chí ngành đường sắt có nguy cơ phải dừng chạy tàu do không có tiền trả lương cho hơn 11.000 nhân viên của ngành. Từ thực tế trên, nhiều người đã đặt ra câu hỏi vì sao sau rất nhiều nỗ lực của cả các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp, ngành đường sắt lại có chiều hướng đi vào bế tắc như vậy?

Vì sao đường sắt có nguy cơ dừng chạy tàu?

 Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) ra đời ở miền Nam từ năm 1881, với hơn 100 năm hình thành và phát triển, giao thông vận tải đường sắt với ưu thế nổi bật là vận chuyển đường dài, khối lượng lớn,... đã trở thành một loại hình giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông của đất nước..., có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng. Thế nhưng hiện nay, đường sắt đang ngày một “lu mờ” trước các phương thức vận tải khác, thậm chí ngành đường sắt có nguy cơ phải dừng chạy tàu do không có tiền trả lương cho hơn 11.000 nhân viên của ngành.

Từ thực tế trên, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, vì sao sau rất nhiều nỗ lực của cả các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp, ngành đường sắt lại có chiều hướng đi vào bế tắc như vậy?

Để có góc nhìn khách quan PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN để tìm hiểu đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bế tắc của ngành đường sắt hiện nay.

Đường sắt đứng trước nguy cơ dừng chạy tàu. Ảnh minh họa

Theo ông Vũ Anh Minh, khó khăn lớn nhất là các quy định của pháp luật liên quan hiện chưa đồng bộ, dẫn đến việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không được giao vốn bảo trì để hoạt động như thường lệ. Theo đó, vào tháng 11/2018, Tổng công ty ĐSVN được chuyển giao quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (QLVNNTDN).

Do không còn là đơn vị trực thuộc bộ GTVT nên việc giao vốn bảo trì cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã không còn phù hợp với khoản 1 Điều 49 luật Ngân sách Nhà nước, với quy định là phải giao dự toán chi ngân sách Nhà nước cho đơn vị trực thuộc bộ GTVT. Mặc dù về nội dung này, Nghị quyết số 87 của Quốc hội đã có nội dung “tiếp tục cơ chế giao vốn dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho bộ GTVT”. Tuy nhiên, bộ GTVT vẫn lo ngại không đủ cơ sở pháp lý. Do vậy bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất giao để bộ này giao dự toán ngân sách cho Tổng công ty.

Bên cạnh đó, bộ GTVT cũng đã giao cục ĐSVN nghiên cứu phương án cục ĐSVN đặt hàng trực tiếp cho các công ty hạ tầng. Tuy nhiên, trên thực tế, cục ĐSVN không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ này, bởi không có đủ nhân sự để tổ chức quản lý, triển khai, thực hiện dự toán và quản lý chất lượng công trình.

Một nguyên nhân khác là do hiện tại không có quy định pháp luật nào phù hợp để cục ĐSVN ký hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty ĐSVN, do Tổng công ty ĐSVN chỉ có chức năng tổ chức quản lý tài sản và quản lý công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt lại xung đột với luật Đường sắt và luật Quản lý tài sản công.

“Việc không được giao vốn bảo trì kịp thời khiến 20 công ty bảo trì không được cấp kinh phí, các đơn vị này không có tiền để mua vật tư, chi trả lương công nhân. Tình trạng này không thể kéo dài được, đến hết quý I mà không giao vốn chúng tôi sẽ buộc phải phải báo cáo Chính phủ dừng tàu vì không đảm bảo an toàn chạy tàu”, ông Minh thông tin.

Làm gì để “giải bài toán” cho ngành đường sắt?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Vũ Anh Minh cho rằng: “Trước mắt, Tổng công ty ĐSVN kiến nghị Chính phủ giao dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 kịp thời để Tổng công ty ĐSVN tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì liên tục kết cấu hạ tầng, đảm bảo điều hành đường sắt thông suốt, an toàn. Bộ GTVT, bộ Tài chính sẽ thực hiện chức năng quyết toán, giám sát, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn đảm bảo đúng các định của pháp luật hiện hành.

Về lâu dài, tôi cho rằng, khi thay đổi đại diện chủ sở hữu, hệ thống pháp luật phải được điều chỉnh, thiết kế đồng bộ để đảm bảo hạ tầng vẫn phải gắn với doanh nghiệp. Nếu chuyển tổng công ty ĐSVN về bộ GTVT thì phải sửa danh mục trong Nghị định 131, nếu vẫn trực thuộc Ủy ban QLVNNTDN thì phải sửa hệ thống các quy định pháp luật liên quan. Do đó, phương án tổng công ty ĐSVN điều chuyển về bộ GTVT sẽ thuận lợi hơn, vì chỉ phải sửa đổi các danh mục của các doanh nghiệp trước đó chuyển về. Nếu trực thuộc Ủy ban QLVNNTDN phải chỉnh sửa hàng loạt các hệ thống văn bản pháp luật đã được ban hành trong đó bao gồm việc chuyển giao kết cấu hạ tầng. Việc chỉnh sửa hệ thống văn bản pháp luật mất nhiều thời gian và phức tạp hơn nhiều. Dù chọn phương án nào thì chúng tôi cũng mong các cơ quan quản lý nhà nước khẩn trương để doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động”.

Cũng liên quan đến nội dung này, trao đổi nhanh với PV báo ĐS&PL, đại diện cục ĐSVN cho biết, đây là thời điểm đầy khó khăn, thử thách đối với ngành đường sắt. Tổng công ty ĐSVN đang gặp vướng mắc liên quan đến cơ chế, hiện cục ĐSVN đang chờ chỉ đạo của Chính phủ để gỡ vướng mắc cho ngành đường sắt.

Về việc hỗ trợ giải quyết tiền lương cho hơn 11.000 nhân viên của ngành đường sắt, cục ĐSVN đã tạo điều kiện để các đơn vị vay vốn để trả lương cho nhân viên trong thời điểm khó khăn này.

Cầm cự đến bao giờ?

Theo ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty CP đường sắt Hà Hải, tháng Một hàng năm, công ty cổ phần đường sắt Hà Hải thường ký hợp đồng đặt hàng với tổng công ty ĐSVN để quản lý, duy tu hạ tầng đường sắt và làm thủ tục ứng vốn ngân sách. Tuy nhiên, năm nay hợp đồng chưa được ký, đồng nghĩa Công ty không có tiền trả lương cho 950 lao động làm nhiệm vụ duy tu, tuần đường, gác chắn cho đoạn đường sắt qua thành phố Hà Nội và tuyến Hà Nội - Hải Phòng.

“Mỗi tháng, công ty CP đường sắt Hà Hải phải chi 12 - 15 tỷ đồng trả lương lao động và bảo hiểm xã hội. Từ tháng Một, đơn vị đã thế chấp tài sản, vay ngân hàng để có tiền trả lương cho công nhân. Chúng tôi chỉ cầm cự được 2 tháng đầu năm, tháng Ba không thể vay thêm được, hiện giờ chưa biết xoay xở thế nào", ông Vượng nói.


Nguyễn  Lâm
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 33 ngày 26/2/2020 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duong-sat-dung-truoc-nguy-co-dung-chay-tau-loi-tai-co-che-hay-quan-ly-yeu-kem-a313457.html