+Aa-
    Zalo

    Đường về nẻo thiện của trùm “đao búa” một thời đất Yên Thế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Cường nổi danh khắp các học đường trong khu vực với biệt danh Cường “liều”, được nhiều “đàn anh” trong giang hồ nể trọng và truyền tai nhau: “Đến Vua cũng thua thằng Cường “liều”!”.

    (ĐSPL) - “Tôi rất biết ơn những người thân của tôi, đặc biệt là bố tôi và Thắm. Nếu bố tôi không cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời, có lẽ tôi sẽ chẳng có ngày hôm nay. Nếu Thắm không tin yêu tôi, thì có lẽ tôi đã sa ngã thêm một lần nữa”, Cường “liều” chia sẻ.
    Những trận chiến khốc liệt
    Ở cái thời còn cắp sách tới trường, Hoàng Mạnh Cường (SN 1980, ngụ thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) đã nổi danh khắp các học đường trong khu vực với biệt danh Cường “liều”, Cường “ngổ ngáo”. Cũng chỉ vì muốn “phiêu”, muốn “nổi loạn” mà cậu ta rơi vào con đường nghiện ngập, đao búa tưởng chừng không còn lối thoát.
    Hoàng Mạnh Cường sinh năm 1980, là con út trong một gia đình có 3 anh em, cha mẹ đều là công nhân viên chức Nhà nước. Do được gia đình nuông chiều từ bé, nên Cường sinh ra hư đốn, và có tư tưởng không học hành đến nơi đến chốn. Năm 1996, đang học lớp 10 tại trường THPT Yên Thế, Cường thường hay đi theo đám bạn xấu để ăn chơi sa đọa, sau đó rơi vào con đường nghiện ma túy lúc nào không hay. Thứ khói thuốc chết người ấy nhanh chóng làm cho tình cảm cha - con, anh - em trong gia đình Cường bị chia cắt.
    Dù rất buồn, nhưng cha của Cường vẫn muốn con trai mình tiếp tục đến trường bởi ông tin rằng tình thương và sự tha thứ của người thân sẽ giúp Cường tu tỉnh. Ai ngờ, đang học trường trung cấp Y tế Bắc Giang thì Cường đùng đùng bỏ học, tiếp tục tụ tập “đàn em” lún sâu vào con đường giang hồ với những trận “huyết chiến” khắp vùng Yên Thế. Những người thân trong gia đình hết mực khuyên răn, nhưng Cường không nghe mà còn tỏ rõ thói bất cần đời, thiếu tôn trọng với những người thân.
    Địa bàn quanh vùng khi ấy có những tên “đàn anh” có tiếng như Bảy “sẹo”, Ba “đen” cũng phải “nhìn trước ngó sau” khi giáp mặt với Cường “liều”. Một trận chiến mà có lẽ cho đến tận bây giờ Cường vẫn chưa thể quên, đó là khi tên Bảy “sẹo” kéo “đàn em” cầm gậy gộc từ tận Bố Hải (một huyện của Bắc Giang cũ - PV) lên để xử Cường “liều” với cớ là đánh “đàn em” của hắn. Bảy “sẹo” chưa kịp xưng danh xong, Cường đã lao đến đánh một đòn “nốc ao” vào mỏ ác. Tên trùm Bảy “sẹo” đổ gục như cây chuối non, khiến hơn 10 tên “đàn em” của hắn bỏ chạy tán loạn.
    Đường về nẻo thiện của trùm “đao búa” một thời đất Yên Thế

    Ảnh minh họa. 

    Từ đấy, uy danh của Cường “liều” càng được nhiều “đàn anh” trong giang hồ nể trọng, họ truyền tai nhau rằng: “Đến Vua cũng thua thằng Cường “liều”!”. Nhiều đại ca sừng sỏ ở tận Tuyên Quang, Lạng Sơn cũng đích thân tìm đến nhằm thu phục Cường về trướng của mình để thúc đẩy chuyện làm ăn, đào vàng, buôn thuốc phiện, nhưng Cường không chịu vì bản tính của anh không chịu luồn cúi trước bất kỳ một người nào cả.
    Đang trong thời kỳ nghiện nặng thì những người bạn thân chơi cùng Cường thời ấy như Quang “trọi”, Thìn “lé”, Tú “lác”... lần lượt rời xa anh. Người thì bị thần kinh do không chịu được cú sốc tan cửa nát nhà, vợ con ly tán tha phương; kẻ thì bị sốc thuốc mà chết đột tử; kẻ thì phát hiện ra mình nhiễm HIV rồi suy nghĩ đến mức phải tự vẫn; có những “chiến hữu” lang bạt giang hồ chẳng biết đã sống chết ở chốn nào. Thời gian này, cha mẹ Cường cũng suy sụp tinh thần rất nhiều, hai người anh trai khuyên bảo rất nhiều lần mà anh không nghe nên chán, coi Cường như người thừa trong nhà. Mỗi khi lên cơn thèm thuốc là Cường lại về nhà xin tiền mẹ. Xin không được thì Cường khuân trộm đồ đem bán, đổi lấy vài “bi”...
    Bố Cường cũng đã sử dụng hết các “sách lược” ngọt nhạt để khuyên con trai mình cai thuốc, nhiều đêm ông thức trắng để theo dõi Cường đấu vật với từng cơn thèm thuốc. Mỗi lần tỉnh táo nhìn bố mẹ mình ngày càng đau yếu vì mình, trong khi hai anh trai học hành giỏi giang, có công ăn việc làm ổn định, Cường lại thấy chạnh lòng, ân hận. Cường vật vã nhiều lần cai rồi lại nghiện, có lần gần bỏ được thuốc rồi thì thằng bạn đem thuốc đến rủ đi hút. Cường cũng muốn thay đổi mình lắm, nhưng vì thứ thuốc trắng chết người ấy cứ làm đầu óc u mê, ủy mị, mỗi khi lên cơn vật thuốc thì chẳng nghĩ được gì nữa.
    Làm lại cuộc đời sau chuỗi ngày đen tối
    Vào giữa năm 2002, cha mẹ Cường gửi anh về một nhà người bà con ở quận Tây Hồ (Hà Nội) với mục đích để anh tránh xa những người bạn nghiện ngập. Trước khi đi, một người bạn gái tên Nguyễn Thị Thắm (SN 1981, bạn thân học cùng lớp) đã mang một món quà là một đôi giày da tặng với lời lẽ yêu thương: “Anh cố gắng lên, đừng làm bố mẹ anh phiền lòng nữa nhé! Các cụ sống có được bao lâu nữa đâu. Mỗi lần anh đeo đôi giày này thì hãy nhớ đến em. Dù anh có đi đâu, thì em vẫn chờ, vẫn đợi”.
    Sự quan tâm và đôi giày Thắm tặng như một liều thuốc “tiên” dành cho Cường. Trong thâm tâm, cậu ta nghĩ, sau khi ở Hà Nội về nhất định sẽ cưới Thắm cho bằng được. Thế rồi như một cơ duyên định mệnh bởi trong khoảng thời gian ở Hà Nội, Cường được một người bạn cùng phố tận tình hướng dẫn nghề đóng giày. Vốn nóng tính giờ phải bắt tay với công việc tỉ mỉ, ngồi một chỗ nên nhiều lần Cường sinh ra chán chường, nhưng mỗi lần nhìn vào đôi giày dưới chân và những lời thân thương của Thắm thì Cường lại cố gắng kiên trì, nhẫn nại, cộng với đôi tay khéo léo trời phú, nên chỉ sau một thời gian ngắn học nghề, cậu đã làm được những đôi giày chẳng thua kém thợ chuyên nghiệp.
    Đầu năm 2003, Cường định về quê để mở tiệm đóng giày. Nghe tin con trai muốn một tiệm đóng giày tại thị trấn, bố Cường vừa mừng, vừa lo, nhưng thấy con trai có phần chí thú làm ăn, nên ông cũng liều một phen đầu tư cho con. Biết cha vẫn tin tưởng và thương mình nhiều lắm, Cường càng hạ quyết tâm sẽ kinh doanh cho thật tốt.
    Đường về nẻo thiện của trùm “đao búa” một thời đất Yên Thế

    Trùm “đao búa” một thời đất Yên Thế trở thành ông chủ tiệm giày.

    Ngay sau đó, Cường gặp Thắm và ngỏ lời cầu hôn. Hôm đó, Cường cũng biết Thắm có tâm nguyện được chia sẻ đắng cay trong cuộc sống với anh từ rất lâu rồi. Điều đó đã làm cho anh xúc động nhiều lắm và càng có thêm quyết tâm để tránh xa “vũng bùn” ma túy. Trong thời gian này, những người bạn cũ liên tục tìm đến rủ rê, lôi kéo, thậm chí là xin tiền mua thuốc, Cường lạnh lùng nói “không” với tất cả.
    Thời gian đầu làm ăn khó khăn, Cường phải đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm kinh doanh. Sau đó anh quyết định kinh doanh cả dép nam nữ vào mùa hè, còn mùa đông bán giày với đủ mẫu mã. Vì chất lượng giày tốt, giá cả lại hợp túi tiền với người nhà quê, nên công việc của hai vợ chồng càng ngày càng phát đạt. Anh cũng lên phương án mở thêm một tiệm giày ở thị trấn Cầu Gồ với số vốn khoảng 500-600 triệu đồng.
    Hạnh phúc càng được nhân lên khi Thắm sinh cho Cường một cô con gái xinh xắn. Mái ấm gia đình nhỏ ấy càng tiếp thêm cho Cường nghị lực để anh làm ăn trên con đường trở về nẻo thiện. Cường chia sẻ: “Tôi rất biết ơn những người thân của tôi, đặc biệt là bố tôi và Thắm. Nếu bố tôi không cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời, có lẽ tôi sẽ chẳng có ngày hôm nay. Nếu Thắm không tin yêu tôi, thì có lẽ tôi đã sa ngã thêm một lần nữa”.
    Chia tay ông chủ tiệm giày trẻ tuổi, khách biết rằng cái chính để Cường thoát ra khỏi vòng tay của “ả phù dung” vẫn là ý chí quyết tâm của bản thân anh. Cũng từ quyết tâm ấy Cường mới vượt qua được sự mê hoặc của ma túy để tìm lại chính bản ngã của mình. Nhưng để có thêm ý chí và quyết tâm làm lại cuộc đời như ngày hôm nay thì sự đóng góp của những người thân trong gia đình Cường và của chị Thắm không nhỏ chút nào. 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duong-ve-neo-thien-cua-trum-dao-bua-mot-thoi-dat-yen-the-a56097.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan