+Aa-
    Zalo

    Đường về tay Vạn Cường của loạt doanh nghiệp gốc nhà nước

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Là cổ đông chiến lược, đấu giá cổ phần với sự chênh lệch không đáng kể, Vạn Cường của ông Nguyễn Thủy Nguyên trở thành cổ đông lớn chi phối loạt doanh nghiệp quốc doanh.

    Là cổ đông chiến lược, được bật đèn xanh từ Bộ GTVT hay đấu giá cổ phần với sự chênh lệch không đáng kể, Vạn Cường của ông Nguyễn Thủy Nguyên trở thành cổ đông lớn chi phối loạt doanh nghiệp vốn thuộc quốc doanh.

    Công ty TNHH liên hợp xây dựng Vạn Cường (Công ty Vạn Cường) được thành lập từ năm 1992 do ông Nguyễn Thủy Nguyên làm chủ. Công ty này trước đây được biết đến là nhà thầu phụ cho một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông và vận tải (Bộ GTVT).

    Tính đến năm 2014, Vạn Cường của ông Nguyễn Thủy Nguyên chỉ có vốn điều lệ gần 7 tỷ đồng. Song công ty này đã manh nha mở rộng quy mô phát triển bằng việc tham gia IPO các doanh nghiệp nhà nước, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.

    Điển hình bằng việc Vạn Cường chi ra 140 tỷ đồng mua lại 14 triệu cổ phần (tương ứng 45% vốn) tại Tổng Công ty vận tải thủy (Vivaso) năm 2014. Thời điểm đó, nhiều người đặt hoài nghi về dòng tiền mà Vạn Cường chi ra để mua cổ phần Vivaso.

    Đến năm 2016, khi Bộ GTVT thực hiện thoái toàn bộ vốn tại Vivaso bằng việc bán đấu giá 7.349.131 cổ phần, với giá khởi điểm theo 1 cổ phần là 10.119 đồng tương ứng giá khởi điểm theo lô 74,37 tỷ đồng.

    Có 3 nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia đấu giá đều là các nhà đầu tư cá nhân. Danh sách công bố là bà Phạm Thị Linh, ông Nguyễn Thủy Nguyên và bà Dương Thị Huyền Quyên.

    Kết quả, một cá nhân trúng thầu với giá trúng cả lô 74,37 tỷ đồng, tương ứng mức chênh so với giá khởi điểm vỏn vẹn 4 triệu đồng. Nhà đầu tư ra mức giá thấp nhất 74,366 tỷ đồng, xấp xỉ bằng giá khởi điểm.

    Điểm đáng chú ý, trong 3 cá nhân đăng ký đấu giá thì có hai người có địa chỉ đăng ký thường trú cùng nhau, đó là ông Nguyễn Thủy Nguyên (SN 1958) và bà Dương Thị Huyền Quyên (SN 1980).

    Ngoài Vivaso, ông Nguyên và bà Quyên còn cùng nhau tham gia mua cổ phần tại Công ty cổ phần thiết kế công nghiệp hóa chất (Mã CK: CEC). Tính đến tháng 3/2019, nhóm Công ty Vạn Cường, ông Nguyễn Thủy Nguyên và bà Dương Thị Huyền Quyên đang sở hữu 51,33% cổ phần tại CEC. Với số lượng cổ phần này chưa thể chi phối tuyệt đối CEC xong cũng đủ để quyết định mọi vấn đề tại đây. Và hiện nay, ông Nguyễn Thủy Nguyên đang nắm chức Chủ tịch HĐQT của CEC.

    Thông tin về bà Dương Thị Huyền Quyên khá ít, bà Quyên không đại diện cho doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV thì nữ doanh nhân SN 1980 từng đăng ký tham gia đấu giá 3.647.433 cổ phần (tương ứng 52,43% vốn điều lệ) của Công ty cổ phần du lịch Kim Liên hồi tháng 12/2015. Như đã biết, ThaiGroup của bầu Thụy sau đó đã trúng giá lô cổ phần trên với giá hơn 1.000 tỷ đồng.

    Còn tại Công ty cổ phần dịch vụ vận tải Sài Gòn (Mã CK: STS ) trước đây thuộc Bộ GTVT. Năm 2005 STS cổ phần hóa thành công, sau đó SCIC 58,02% vốn điều lệ (tương ứng 1.429.226 cổ phần). Tháng 3/2015, SCIC đã rao bán toàn bộ hối lượng cổ phần trên. Kết quả không được công bố, song theo dữ liệu từ sàn giao dịch UpCom thì SCIC sau đó chỉ nắm 2,55% vốn điều lệ.

    Đến năm 2016, ông Nguyễn Thủy Nguyên được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT STS. Và hiện nay, ông Nguyên và con trai là Nguyễn Nguyên Hoàng nắm 2 trong 3 vị trí tại HĐQT. Còn em trai ông Nguyên là Nguyễn Hồng Nguyên giữ chức Tổng giám đốc tại Công ty cổ phần dịch vụ vận tải Sài Gòn.

    Tại Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương, doanh nghiệp này được cổ phần hóa từ Công ty TNHH MTV Cảng Khuyến Lương từ tháng 9/2013. Tại thời điểm cổ phần hóa, tài sản của công ty được thống kê nguyên giá là hơn 40,6 tỷ đồng và sau khi trừ khấu hao chỉ còn 19,7 tỷ đồng.

    Sau cổ phần hóa, Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương có 2 nhà đầu tư có vốn điều lệ lớn: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có số cổ phần sở hữu chiếm 49%; Công ty Vạn Cường sở hữu 40%. Các cổ đông còn lại chiếm 11% vốn điều lệ công ty.

    Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thủy Nguyên từng cho rằng, cổ phần “vận tải thủy nghèo, cổ phần bán không ai mua”, thế nhưng, ông Nguyên lại là người tích cực thu gom cổ phần tại các doanh nghiệp vận tải thủy.

    THỦY TIÊN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duong-ve-tay-van-cuong-cua-loat-doanh-nghiep-goc-nha-nuoc-a317853.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan