+Aa-
    Zalo

    [E] Bâng khuâng Trường Sa

    (ĐS&PL) - Những đảo chìm, đảo nổi, những vườn rau xanh mướt, những con người đôn hậu kiên cường đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc…là những hình ảnh vẫn còn đọng mãi trong trái tim tôi.

    Đoàn công tác số 7 do Chuẩn đô đốc Nguyễn Đình Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân- Bộ Quốc phòng, làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn công tác có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Dương Thanh Bình, cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh Đắk Lắk, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Sơn La… và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

    Vượt hàng trăm hải lý, điểm đến đầu tiên của đoàn công tác là đảo Song Tử Tây, tiếp đến là các đảo: Đá Nam, Cô Lin, Sinh Tồn, Đá Tây C, Trường Sa và cuối cùng là nhà dàn DK1.

    Nhiều món quà ý nghĩa, thiết thực đã được trao tận tay động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo.

    Với những ai chưa một lần đến với Trường Sa, trong tiềm thức có lẽ là hải đảo xa xôi, cằn cỗi và khắc nghiệt…Tuy nhiên điều khiến chúng tôi bất ngờ ấn tượng đầu tiên khi bước chân lên các đảo đó là màu xanh của cây lá, những dãy bàng vuông, cây bão táp, cây phong ba sừng sững dưới nắng, những vườn rau xanh mướt, thật ngạc nhiên khi lá mồng tơi còn to hơn cả trong đất liền, to bằng bàn tay của người lớn. Chính màu xanh cây lá ấy đã phần nào khẳng định sức sống mãnh liệt của vùng đất nơi đây.

    Ở những đảo có người dân sinh sống thì cơ sở hạ tầng được đồng bộ: chùa, đường sá, trường học, trạm y tế, khu nhà ở cho người dân lập nghiệp…Tất cả khắc họa nên một bức tranh sinh động không khác gì ở đất liền, tạo niềm tin cho những người dân đã tình nguyện đến với đảo an tâm ở lại gắn bó để cùng các chiến sĩ Hải Quân giữ gìn và bảo vệ chủ quyền đất nước.

    Nghe tin có đoàn công tác từ đất liền ghé thăm, thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc (sinh năm 1993, quê Khánh Hòa) đang dạy học tại đảo Song Tử Tây đã dậy từ rất sớm để chuẩn bị những viên đá nhỏ làm quà lưu niệm cho đoàn.

    “Tôi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Hà Nội khoa giáo dục tiểu học. Trước khi chọn ngành sư phạm thì bản thân đã tâm niệm muốn góp một phần giúp các em nhỏ tại miền núi xa xôi, biển đảo. Lần đó cũng có nhiều bạn trẻ đăng ký ra Trường Sa nhưng tôi may mắn được chọn. Hiện nay, Song Tử tây có 2 lớp theo mô hình lắp ghép. Thời gian đầu lúc mới ra đảo nhận nhiệm vụ thì cũng gặp những khó khăn do xa xôi, bố mẹ cũng lo lắng vì là con trai 1 trong gia đình. Nhưng về sau thấy tôi quyết tâm quá nên gia đình cũng động viên để yến tâm công tác. Lâu dần thấy gắn bó với nơi này và thấy chọn lựa gieo con chữ cho các em nơi hải đảo này là đúng đắn và ý nghĩa”- Thầy Bá Ngọc chia sẻ.

    Khoảnh khắc mà các chiến sĩ trẻ mong chờ nhất có lẽ là những tiết mục giao lưu văn nghệ với tiếng hò reo và những tràng pháo tay giòn giã. Sau khi lắng nghe những tiết mục của các nghệ sĩ từ đoàn công tác thì các chiến sĩ trẻ ở đảo cũng “đáp lễ” không hề thua kém. Với lính đảo, được đón các đoàn từ đất liền, được giao lưu văn nghệ là món quà tinh thần vô giá.

    Đây là lần thứ 3 nhạc sĩ An Hiếu được vinh dự đến Trường Sa, với anh cảm xúc, tình cảm dành cho Trường Sa vẫn luôn vẹn nguyên. Trong chuyến hải trình lần này, nhạc sĩ tiếp tục hoàn thiện 2 ca khúc: Trường Sa trong trái tim người lính và Xuân Trường Sa.

    “Trong ca khúc của tôi, người lính nói với nhau rằng mọi người ở đất liền hãy vững tin ở chúng tôi, dù ở hoàn cảnh nào, hình ảnh người lính vẫn như cây bàng vuông dù bão táp, phong ba họ vẫn kiên cường giữ lấy biển đảo Tổ quốc…”, Nhạc sĩ An Hiếu tâm sự.

    Nắng mưa có thể làm sạm màu da của các chiến sĩ, phai mờ màu quân phục xanh nhưng chẳng thể nào làm mai một ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quê hương đất nước.

    Hành trình với đủ cung bậc cảm xúc, vỡ òa niềm vui khi gặp gỡ, những lời ca tiếng hát cất lên giữa biển trời bao la cho tới những phút giây chia tay bịn rịn lưu luyến. Nhưng có lẽ xúc động nhất vẫn là khoảnh khắc làm lễ tưởng niệm cho các anh hùng liệt sĩ và giao lưu với nhà giàn.

    Như thường lệ, 5h sáng báo thức toàn tàu, chẳng ai bảo ai, mọi người đều chủ động thức dậy trước cả tiếng đồng hồ, chờ đợi giây phút lên sàn đỗ trực thăng làm lễ tượng niệm các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma, sự kiện lịch sử vừa tròn 35 năm.

    Ngược dòng thời gian, những ngày giữa tháng 3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.

    Đảo chìm Cô Lin như mũi của cây gậy sừng sững mọc lên giữa biển Đông, mặt đảo hình tam giác có cạnh oằn cong chắc bởi hứng chịu quá nhiều giông tố, vùng biển nơi 64 anh hùng liệt sĩ đã tạo nên vòng tròn bất tử huyền thoại. Hương trầm phảng phất, vòng hoa và hàng trăm con hạc giấy gửi đến anh linh các anh hùng liệt sĩ với lòng tự hào, tri ân vô hạn.

    Máu của các chiến sĩ đã hòa vào biển cả, hòa vào những con sóng đang cuồn cuộn giữa trùng khơi như nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phải luôn biết giữ gìn và bảo vệ những thành quả của cha ông đi trước, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, vùng biển của Tổ Quốc.

    Ngày công tác cuối cùng đoàn chúng tôi tiếp cận nhà giàn DK1/17, gió biển cấp 5, cấp 6, xuồng trung chuyển liên tục tung lên, dìm xuống bởi những con sóng lớn, đập ầm ầm vào trụ nhà giàn rồi lại bị kéo ra xa, chính vì để đảm bảo an toàn, số lượng đại biểu lên nhà giàn rất hạn chế.

    Xúc động nhất là khoảnh khắc giao lưu qua bộ đàm của hệ thống thông tin liên lạc kết nối giữa Cabin tàu và nhà giàn, những ca khúc được cất lên trong tiếng nấc nghẹn ngào, ai cũng rưng rưng nước mắt.

    Hành trình 7 ngày với hơn 1000 hải lý, để rồi nhận ra, Trường Sa chẳng ở đâu xa, ở ngay trong chính trái tim của những người con Đất Việt, của niềm tự hào luôn hiện hữu. Đi để thấy thêm yêu Tổ Quốc mình với niềm tin vững chắc về chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng.

    Tháng 6 năm nay, với tôi đặc biệt hơn bao giờ hết, niềm vui nhân đôi, hân hoan chào mừng kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tự hào trong hàng ngũ những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng” và giờ đây lại được vinh dự cài lên áo huy hiệu “chiến sĩ Trường Sa”.

    DOISONGPHAPLUAT.COM |

    <% include googleAnalystic %>
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/e-bang-khuang-truong-sa-a579754.html
    Trường Phạm - Chàng trai nhỏ bé tại Bình Phước với khát khao đưa “hạt điều Trường Sa” vươn tầm thế giới

    Trường Phạm - Chàng trai nhỏ bé tại Bình Phước với khát khao đưa “hạt điều Trường Sa” vươn tầm thế giới

    Trường Phạm - người sáng lập nên Công ty Hạt điều Trường Sa, một trong những thương hiệu mới, trong lĩnh vực chế biến và kinh doanh hạt điều uy tín tại Bình Phước, chia sẻ về hành trình khẳng định thương hiệu của mình và nguyên nhân ra đời cái tên hạt điều Trường Sa đầy ý nghĩa và nhân văn cùng những khát vọng bay xa.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Trường Phạm - Chàng trai nhỏ bé tại Bình Phước với khát khao đưa “hạt điều Trường Sa” vươn tầm thế giới

    Trường Phạm - Chàng trai nhỏ bé tại Bình Phước với khát khao đưa “hạt điều Trường Sa” vươn tầm thế giới

    Trường Phạm - người sáng lập nên Công ty Hạt điều Trường Sa, một trong những thương hiệu mới, trong lĩnh vực chế biến và kinh doanh hạt điều uy tín tại Bình Phước, chia sẻ về hành trình khẳng định thương hiệu của mình và nguyên nhân ra đời cái tên hạt điều Trường Sa đầy ý nghĩa và nhân văn cùng những khát vọng bay xa.