+Aa-
    Zalo

    [E] Bông hồng thép trên cung đường Trường Sơn

    ĐS&PL Ở tuổi 75, dù dấu vết thời gian in hằn lên khuôn mặt của bà Bùi Thị Vân nhưng khi nhắc về những ký ức trên cung đường Trường Sơn năm ấy, đôi mắt của cựu thanh niên xung phong vẫn ánh lên rực rỡ...

    Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, cô gái Bùi Thị Vân năm ấy mới 13 tuổi, cùng với bao lớp trẻ ở độ tuổi đôi mươi quyết định lên đường tham gia Đội thanh niên xung phong.

    Hết 3 năm nghĩa vụ, biết binh trạm tuyển con gái để lập đội nữ lái xe, bà Bùi Thị Vân khi ấy mới 16 tuổi đã khai tăng lên 18 tuổi xung phong tham gia vào bồ đội lái xe Trường Sơn.

    Năm 1968, sau khóa đào tạo lái xe trong 45 ngày đêm và được cấp bằng lái, bà Vân cùng các chị em của đoàn 559 đã tạo nên một đội nữ lái xe gồm 40 người, đều ở độ tổi 18 đôi mươi.

    Bà Vân và các chị em nhận được nhiệm vụ giao hàng hoá, lương thực và thực phẩm đến các binh trạm dọc đường Trường Sơn – Quảng Bình; khi cần thiết phải vượt cửa khẩu giao hàng cho phía trong, chở thương binh và cán bộ từ Nam ra Bắc để chữa bệnh, học tập.

    Khi nhắc về Trung đội nữ lái xe Trường Sơn năm nào, Thiếu tướng – Anh Hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Bá Tòng, nguyên Phó Tư Lệnh chính trị Binh đoàn 12 nhận định trong cuốn Nữ Lái Xe Trường Sơn (Nhà xuất bản Thế Giới 2012): “Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với một đơn vị nữ lái xe. Đặc biệt là các cửa khẩu, địch tổ chức đánh phá ác liệt. Trong đó khu vực Cổng Trời đường 12, khu vực Trạ Anh đường 20 quyết thắng là trọng điểm của trọng điểm. Suốt ngày đêm không ngớt tiếng gầm rít của máy bay, tiếng nổ chát chúa của các loại bom, đạn, rốc két máy bay địch trút xuống, số lần đánh phá ngăn chặn của dịch tăng gấp 3, gấp 4 lần trước đây”.

    Lái xe với nam giới còn đầy rẫy những khó khăn vất vả. Đối với các chị em phụ nữ, nhiệm vụ này còn khó khăn khắc nghiệt hơn gấp bội lần. Mỗi chuyến đi đều nằm trong ranh giới sinh tử, nhưng bà Vân và các chị em trong đơn vị lái xe vẫn kiên cường dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

    “Để tránh tổn thất, ban chỉ huy yêu cầu trung đội lái xe nữ chúng tôi chuyển sang chạy xe ban đêm. Đề phòng đối phương phát hiện, chúng tôi lên rừng chặt lá cây để ngụy trang, chạy trong bóng đêm dày đặc. Cùng với đó mỗi chiếc xe chỉ được đốt một ngọn đèn nhỏ tù mù gắn ở phía trước gầm xe. Những chiếc đèn gầm, đèn rùa được bọc lại bằng giẻ để có thể chiếu được vài ba mét. Tôi vừa điều khiển xe vừa phải dò đường tránh bom, né đạn, tránh vực, vượt ngầm... bằng cảm tính”, bà Bùi Thị Vân, nguyên là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 bồi hồi nhớ lại.

    Ở đội nữ lái xe ngày ấy, bà Vân được giữ chức vụ Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1. Đồng thời, bà còn được đồng đội ưu ái gọi với cái tên dí dỏm là Vân “hoa lá” bởi lúc nào cũng cài lá và hoa rừng trong cabin.

    “Từ ngày tham gia bộ đội lái xe, ngày nào cũng đối mặt với bom, với cung đường đá gồ ghề, khúc khủy quanh co...Tôi chỉ sợ bản thân mình không hoàn thành nhiệm vụ, sợ xe hỏng giữa đường không đủ sức để sửa chứ cái chết tôi không sợ. Nửa đêm chúng tôi lấy dép làm gối, trải túi ni lông đắp lên người tranh thủ ngủ. Trong cabin hôm nào trời đẹp, trăng sáng thì nghêu ngao hát cùng các đồng chí trên xe để động viên lẫn nhau.

    Có vài đồng chí còn hỏi, tại sao tôi hát hay như vậy không tham gia văn công mà tham gia lái xe vất vả. Tôi thấy nhiệm vụ nào cũng như nhau, miễn là được cống hiến cho tổ quốc là không hề vất vả”, bà Vân vui vẻ nhớ lại.

    Hồn nhiên, đáng yêu là thế nhưng lúc đối mặt sinh tử, Tiểu đội trưởng Bùi Thị Vân lại rất bình tĩnh chỉ huy, vận chuyển thương binh vượt qua ngã ba Đồng Lộc, kiên quyết không bỏ xe, không bỏ đồng đội.

    “Có lần tôi tôi đang lái xe thì địch bay tới dội bom liên tục ở trước mặt. Tôi lùi xe về phía sau thì địch lại ném bom phía sau. Không nghĩ nhiều, tôi lái xe rẽ trái hướng về phía lô cốt trong rừng, bụi và đất bay mù mịt khắp nơi. Tôi và một đồng nghiệp nữa cõng từng đồng chí bị thương từ trên xe xuống chạy trốn. Không có thời gian để nghĩ, cũng không có thì giờ đếm được số người, chỉ biết cõng người này đến người kia trốn vào nơi an toàn. Lúc máy bay địch rời đi, tôi đếm lại số lượng đồng chí trên xe mà tim tôi như thắt lại. Thật may mắn khi không có thiệt hại về người”, bà Vân kể lại.

    Một mình một xe hoặc hai người một xe, không có nam giới hỗ trợ, các cô phải vừa lái xe vừa kiêm luôn thợ điện, thợ máy. Mỗi khi qua ngầm nhiều đá hộc, xe cứ nhảy chồm chồm, gãy cả nhíp, nổ lốp, các cô lại tự lắp nhíp, bơm lốp phồng rộp cả bàn tay... Hiểm nguy, gian nan là thế nhưng Đại đội Nữ lái xe Trường Sơn đã thể hiện được bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ khi vượt qua tất cả mà không hề nao nũng hay chùn bước.

    Cuối năm 1970, sau lần dùng sức vóc nhỏ bé của mình cõng và đưa thương binh Nguyễn Trần Đừng (quê Thanh Trì, Hà Nội) về nơi an dưỡng, tài xế Bùi Thị Vân liên tục nhận được thư anh với lời yêu thương tha thiết “Chỉ gặp một lần trên chuyến xe mà về cứ nhớ thương, tương tư …” nhưng được ký với cái tên rất lạ.

    “Tôi không thể nào nhớ được bao nhiêu thương binh mình đã chở về hậu cứ. Sau đó, mỗi khi xe của tôi về hậu cử là anh thương binh Đừng lại chạy ra hỏi bóng hỏi gió tôi có nhận được lá thư nào của những người lính không. Một lần, tôi đùa: “Nếu anh có gặp những người lính ấy thì xin cho em gửi lời thưa rằng cùng là lính, nếu thương mà không dám gặp mặt thì thôi vì em sắp đi lấy chồng mất rồi”. Nghe vậy, anh Đừng vô cùng bối rối và thú nhận ngay mình là “thủ phạm” gửi những lá thư đầy yêu thương đó”, bà Vân bồi hồi nhớ lại.

    Sau lời tỏ tình ấy, anh bộ đội tên Đừng nhiều lần nhờ bạn đạp xe chở đến gặp cô gái mình thương khi có cơ hội. Đặc biệt, có lần bạn bận nhiệm vụ, anh Đừng bất chấp cái chân đau đang còn phải chống nạng một mình đạp xe tới đơn vị thăm cô. Cảm động trước tấm chân tình ấy nên cô thanh niên xung phong đã nhận lời xây dựng gia đình với anh năm 1974.

    Cuối năm 1975, nhiệm vụ hoàn thành, thật may mắn 40 chị em lái xe trong tiểu đội của bà Bùi Thị Vân không có ai hy sinh. Người về đơn vị, người chuyển ngành, người về địa phương gắn bó với đồng ruộng. Bà Bùi Thị Vân cùng chồng là Nguyễn Trần Đừng xuất ngũ về địa phương, tham gia vào hợp tác xã, hăng say lao động sản xuất phục vụ quê hương từ năm 1975 đến nay.

    Cô gái 16 tuổi khai tăng tuổi đi bộ đội năm ấy giờ đây đã bước sang tuổi 75, đồng thời là mẹ của 5 người con cùng 11 cháu. Hiện bà đang sinh sống cùng cậu con út ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội).

    Sau này bà Vân tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bằng lái xe cùng bộ dụng cụ sửa xe đã gắn bó với bà gần một thập kỷ hoa lửa.

    DOISONGPHAPLUAT.COM |

    <% include googleAnalystic %>
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/e-bong-hong-thep-tren-cung-duong-truong-son-a568035.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan