Nhóm PV

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội trong thời gian qua có những thay đổi mạnh mẽ, mang đậm “hơi thở đời sống” trên nghị trường. Thông qua những câu hỏi sắc bén, phản biện sắc sảo nhìn thẳng vào thực tế, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế giúp cho người dân có thêm thông tin, nắm bắt được những quyết sách trọng đại của đất nước.

Trao đổi với PV ĐS&PL, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016) cho rằng, chất vấn là một trong những hình thức giám sát rất quan trọng của cơ quan dân cử, đặc biệt là Quốc hội. Hoạt động chất vấn thời gian qua của Quốc hội có nhiều sự thay đổi theo hướng tích cực. “Các phiên chất vấn rất dân chủ, mang tính xây dựng. Tần suất chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã tăng, số lượng đại biểu đăng ký chất vấn nhiều hơn trước. Tôi cho rằng đây là một tín hiệu tốt”, PGS.TS Bùi Thị An cho hay.

Là một người thường xuyên theo dõi các phiên họp Quốc hội, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp - Chuyên ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng nhận thấy những kỳ họp Quốc hội trong thời gian gần đây đã tạo ra những bước đột phá và đổi mới mạnh mẽ. Hoạt động chất vấn thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội và trả lời trách nhiệm của các thành viên Chính phủ giúp người dân có cái nhìn toàn cảnh về các vấn đề của xã hội. Không khí của nghị trường trong kỳ họp mang dấu ấn của sự đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Những thành công của các kỳ họp gần đây tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, và với nhân dân. Những quyết sách kịp thời được thông qua mỗi kỳ họp là cơ sở, động lực để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội trọng tâm của đất nước, đồng thời thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

PGS.TS Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật

PGS.TS Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bản thân ông rất quan tâm về những nội dung thảo luận liên quan đến lĩnh vực giáo dục trên nghị trường Quốc hội. Những tranh luận tại nghị trường của các đại biểu liên quan đến vấn đề giáo dục tại các phiên họp Quốc Hội thời gian gần đây luôn sôi nổi, thẳng thắn với tinh thần phản biện rất cao. Việc đưa ra các tranh luận và ý kiến khác nhau trong các phiên họp Quốc hội là một phần quan trọng trong quá trình thảo luận và rất cần thiết để đưa ra quyết định đối với các vấn đề liên quan đến giáo dục.

Nói thêm về hoạt động của Quốc hội, PGS.TS Doãn Hồng Nhung thấy rằng, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận sôi nổi, đã làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn; đồng thời thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng của người chất vấn với các báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành và các nội dung chất vấn. Việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, người dân cả nước.

Cùng có nhận xét về hoạt động Quốc hội, TS. Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) nhận thấy, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong các phiên họp của Quốc Hội ở Việt Nam những năm qua là rất tích cực, dân chủ, tiến bộ, có chiều sâu và ngày càng đi vào chất lượng.

“Các đại biểu quốc hội đi thẳng vào vấn đề, làm sáng tỏ những thắc mắc của cử tri, đưa ra những giải pháp, phương hướng để tháo gỡ các khó khăn đối với các lĩnh vực, các vấn đề mà mình phụ trách. Nội dung câu hỏi của các đại biểu Quốc hội rất đúng, rất trúng đối với các vấn đề mà cử tri và người dân đang quan tâm”, ông Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường

Theo PGS.TS Bùi Thị An đánh giá, các đại biểu Quốc hội khi phát biểu đã đặt mình vào vị trí của người dân. Ý kiến của Đại biểu ngày càng khách quan hơn, thoát ra khỏi mối quan hệ mang tính tình cảm cá nhân. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đã làm rất tốt vai trò điều hành, dẫn dắt các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kịp thời đưa ra nhắc nhở nhằm làm rõ vấn đề, đảm bảo câu hỏi chất vấn được trả lời đầy đủ và đi vào trọng tâm.

Không chỉ hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng có sự thay đổi mạnh mẽ, PGS.TS Doãn Hồng Nhung thấy rằng, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong các ngành, lĩnh vực, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đưa ra dự báo những thuận lợi, nguy cơ, thách thức, nhất là những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, áp lực lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, sự bất ổn của thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản ở khu vực và quốc tế.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung

PGS.TS Doãn Hồng Nhung mong muốn, các kỳ họp phải được chuẩn bị đầy đủ và cẩn thận đến từng chi tiết. Về công tác lập pháp và ban hành nghị quyết, lãnh đạo đoàn đã phân công cho các đại biểu Quốc hội tập trung nghiên cứu sâu từng dự án luật và các dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến lần đầu. Các đại biểu chủ động, tích cực tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ và hội trường, gửi văn bản góp ý trên tất cả các dự án luật và nghị quyết.

“Việc chuẩn bị từ sớm, từ xa của Chính phủ cũng như của các cơ quan Quốc hội để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò của mình sẽ tiếp tục được phát huy tốt trong thời gian tới, để chúng ta có những quyết sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, với những dự án trọng điểm cũng như công tác lập pháp đối với những luật triển khai trong thời gian tới sẽ hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống, giúp đất nước phát triển và đời sống nhân dân ngày một nâng lên”, PGS.TS Doãn Hồng Nhung nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, để đại biểu Quốc hội có thể phản ánh nguyện vọng và ý kiến chính đáng của người dân, cần phải có sự gắn kết chặt chẽ và hoạt động có hiệu quả với cộng đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tâm thế và cách thức các đại biểu Quốc hội thực hiện các hoạt động trên, đó là đặt trách nhiệm của mình đối với việc nắm bắt, truyền tải mong muốn, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội, đảm bảo giải quyết kịp thời, hợp lý những vấn đề của xã hội gắn liền với quyền lợi, cuộc sống của cử tri; đồng thời phải lan tỏa và giải thích chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để cử tri thấu hiểu và chia sẻ.

(Trong bài sử dụng các hình ảnh của Quốc hội Media)

DOISONGPHAPLUAT.COM |