NHẬT DUY

Những tháng cuối năm 2022, hàng nghìn lao động ở các tỉnh phía Nam đối mặt với tình trạng giảm thu nhập, giờ làm hay thậm chí mất việc. PV Đời sống & Pháp luật có cuộc phỏng vấn Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh để có thêm thông tin, cũng như những quyết sách của Quốc hội để ổn định, giải quyết tình trạng này trong năm 2023.

PV: Những tháng cuối năm 2022 tình trạng nhiều lao động ở các tỉnh phía Nam bị giảm thu nhập, tạm ngừng việc, giảm giờ làm… Là cơ quan của Quốc hội phụ trách giám sát lĩnh vực lao động, xin Bà cho biết thực trạng và nguyên nhân của vấn đề này?

Bà Nguyễn Thúy Anh: 9 tháng đầu năm, thị trường lao động Việt nam tăng trưởng tích cực, tuy nhiên sang đến quý IV năm 2022 có xu hướng chậm lại. Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến 10/12/2022 có 1.242 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm giờ làm của 482.120 lao động (giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 433.908 người, tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương là 6.570 người, chấm dứt hợp đồng lao động với 41.642 người).

Riêng tỉnh Bình Dương có hơn 28.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và có trên 240.000 lao động phải giảm giờ làm, 140.000 người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; Đồng Nai có 187 doanh nghiệp tiến hành giảm giờ làm do có khó khăn về đơn hàng, 62.000 lao động bị ảnh hưởng; TP.HCM có 108.000 lao động bị giảm giờ làm, 6.000 lao động bị mất việc.

Có thể thấy, giai đoạn cuối năm 2022, kinh tế thế giới sụt giảm, xung đột Nga- Ukraine kéo dài, lạm phát ở nhiều nước tăng cao... là những nguyên nhân khiến đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm. Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ nhưng có độ mở lớn nên mọi biến động trên thế giới trực tiếp tác động đến nền kinh tế trong nước cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng trên.

Tôi cho rằng, con số về lao động bị ảnh hưởng việc làm chắc chắn sẽ còn có những biến động vì thực tế hiện nay cả doanh nghiệp và người lao động vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là Tết Nguyên đán 2023 đã cận kề. hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động còn hạn chế. Theo các chuyên gia dự báo, phải bước vào quý III/2023, việc giảm lao động, cũng như biến động về lao động sẽ được cải thiện. Vào thời điểm này, lượng đơn hàng sẽ có thể được hồi phục hoặc là những doanh nghiệp đang thiếu lao động sẽ tiếp tục phải đẩy mạnh tuyển dụng để ổn định sản xuất. Hy vọng 6 tháng cuối năm 2023 tình hình sẽ khả quan hơn.

PV: Thưa Bà, với những lao động bị giảm thu nhập, bị ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng hoặc tạm ngừng việc, cần có giải pháp gì để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, tìm được việc làm mới?

Bà Nguyễn Thúy Anh: Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1170/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường và giao nhiệm vụ cụ thể tới các Bộ, ngành, địa phương là giải pháp kịp thời nhằm ổn định, cũng như chăm lo đời sống người lao động.

Về các chính sách lâu dài, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp sau: Triển khai quyết liệt hơn nữa Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó tập trung vào các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động và doanh nghiệp; Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, công đoàn…; Đẩy mạnh việc giám sát thực hiện có hiệu quả Bộ luật Lao động 2019 nhằm bảo đảm người lao động và doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin giúp người lao động dễ dàng tiếp cận thông tin tuyển dụng từ nguồn tuyển dụng uy tín; Xây dựng chính sách đào tạo giúp người lao động có thêm kỹ năng để thích ứng hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.

PV: Thực trạng tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu lao động Việt Nam cũng là yếu tố khiến người lao động dễ bị tổn thương, Bà có nhận định gì về những hạn chế trong nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay?

Bà Nguyễn Thúy Anh: Theo quan điểm cá nhân, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, nhưng chất lượng ở mức thấp trong bậc thang quốc tế.

Về mặt tổng thể, Việt Nam chưa tạo ra được lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao; quy mô, cơ cấu nguồn nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật chưa phù hợp. Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 24,1% năm 2021 và 26,2% năm 2022, đồng thời có sự chênh lệch tương đối lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa lao động nam và lao động nữ. Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trong 10 năm 2011-2020 đạt 6%. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5%; giai đoạn 2016-2020 đạt 6,4% (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5%). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước có mức năng suất lao động thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong bảng xếp hạng HDI (chỉ số phát triển con người) thế giới, thứ hạng của Việt Nam cải thiện không nhiều. Điều này cho thấy, chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung, đào tạo nhân lực nói riêng, chưa đóng vai trò chủ đạo.

Hiện tượng “chảy máu chất xám” cũng khiến thị trường thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng lao động, bố trí việc làm cho đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao chưa hợp lý. Có tình trạng lao động chưa được tạo điều kiện, cơ hội để phát triển và thăng tiến trong nghề nghiệp. Đây chính là thất thoát nguồn nhân lực, lao động giỏi trong nước ra nước ngoài làm việc.

PV: Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nhằm cải thiện năng suất - chất lượng, cũng như thu nhập của lao động, đặc biệt là lực lượng lao động phổ thông, theo Bà cần phải có giải pháp gì? Ủy ban Xã hội đặt ra những mục tiêu nào để tăng cường vai trò của mình nhằm bảo vệ người lao động?

Bà Nguyễn Thúy Anh: Theo tôi, trong giai đoạn tới đây cần thực hiện một số giải pháp: Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực thông qua nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, định hướng giáo dục theo nhu cầu nhằm tạo ra sự cân bằng trong đào tạo và thị trường. Nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, tiền công phù hợp.

Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động thông minh; nâng cao năng lực dự báo. Có chính sách chuyên biệt trong việc đãi ngộ, nuôi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao….

Trước những dự báo năm 2023, Ủy ban Xã hội đặt ra những mục tiêu quan trọng nhằm tăng cường vai trò trong công tác bảo vệ, chăm lo cho người lao động. Cụ thể, chú trọng hoàn thiện các thể chế về bảo hiểm xã hội, hoàn thiện hàng lang pháp lý cho Công đoàn Việt Nam, ưu tiên hoàn thiện quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm..

Nâng cao ý thức của người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc tuân thủ quy định pháp luật lao động. Giám sát việc triển khai Bộ luật Lao động 2019, Luật Việc làm, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng như giám sát triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030 nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ.

Thúc đẩy việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người lao động (kết nối thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của tái cấu trúc kinh tế, hội nhập và ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới.

- Xin trân trọng cảm ơn Bà!

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ rất cấp thiết. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải hiểu biết thấu đáo về đặc điểm dân cư, ưu điểm và nhược điểm của lực lượng lao động để đưa ra những chính sách hợp lý nhằm phát huy nguồn nhân lực.

DOISONGPHAPLUAT.COM |