Nhóm PV

Với mỗi đại biểu Quốc hội, để thực hiện trọn vẹn vai trò đại biểu dân cử thì cần phải đứng trong lòng dân, gần dân, lắng nghe ý kiến cử tri kiến nghị, coi việc người dân phản ánh là nhiệm vụ tiên quyết của mình và giải quyết vấn đề đó với tinh thần trách nhiệm cao. Đại biểu chỉ dự họp mà không phát biểu, sợ “va chạm” tức là không làm được việc, không trọn lời hứa với cử tri, với đất nước.

Quốc hội khóa XV bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều khó khăn và thách thức mới. Đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế khu vực và thế giới, trong đó có Việt Nam, đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội với đất nước và cử tri.

Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội, đồng hành cùng Chính phủ, linh hoạt, kịp thời có các quyết sách để tháo gỡ vướng mắc về thể chế, vượt qua khó khăn, trong thời gian qua, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã có nhiều ý kiến, phát biểu tâm huyết vừa phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri về khát vọng phát triển, vừa đặt ra những vấn đề để Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ cùng nhìn nhận đánh giá để tìm ra được lời giải đáp thỏa đáng, từ đó định hình được các chủ trương, chính sách phát triển của đất nước.

Đại biểu Quốc hội khóa XV Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) dù mới tham gia Quốc hội nhưng được cử tri cả nước biết đến với nhiều phát biểu, tranh luận thẳng thắn trên nghị trường, được dư luận quan tâm.

Khi phát biểu về tình trạng đội ngũ công chức ngại va chạm, đại biểu Tạ Thị Yên đã thẳng thắn nêu ý kiến “không đồng tình với suy nghĩ thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử”. Từ chủ trương chính sách của Đảng, Quốc hội thể chế hóa, Chính phủ điều hành quyết liệt nhưng cấp cơ sở thì e ngại, sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm... sẽ khó thúc đẩy xã hội phát triển.

Đại biểu Tạ Thị Yên

Trong phiên thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội tháng 6/2022, Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên có nêu, vừa qua có một số biểu hiện lệch lạc trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm thiết bị y tế... do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, không minh bạch thông tin, thao túng thị trường. “Vấn đề là khi các cá nhân này rơi vào vòng lao lý lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý chuyên ngành các lĩnh vực đó. Cử tri rất thắc mắc các cá nhân đó bằng cách nào mà qua mặt được các cơ quan quản lý Nhà nước một cách dễ dàng như vậy. Trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường”, bà Tạ Thị Yên phát biểu.

Còn tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào tháng 10/2022, bà Tạ Thị Yên cho rằng, vấn đề xăng dầu "thiếu thật" hay "thiếu giả" cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài. Bởi thiếu hay không thiếu không chỉ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế xã hội mà còn là cơ sở để các cơ quan quản lý có các chính sách phù hợp.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Huân – đại biểu Quốc hội khóa XV (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương), Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam – đã có nhiều ý kiến thẳng thắn, khách quan trên nghị trường.

Tại Kỳ họp thứ 4, trong buổi thảo luận ngày 8/11/2022 về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng Việt Nam cần phải xây dựng một bộ quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền và cả khối doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác. Thứ hai, phải tăng lương đủ hấp dẫn cho cán bộ, công chức. Thứ ba, phải kiên trì nâng cao nhận thức.

“Công cuộc chống tham nhũng không phải là một bộ phận này hay một bộ phận kia, nhóm cộng đồng này, nhóm dân cư kia mà phải là toàn xã hội, toàn lực lượng. Chỉ khi nào toàn xã hội cùng có chung một nhận thức thì lúc đấy công tác tham nhũng mới được thuyên giảm. Nếu chúng ta làm thường xuyên như rửa mặt hàng ngày, như Bác Hồ nói, thì có thể hy vọng sau 1 - 2 thế hệ nữa thì chỉ số nhận biết tham nhũng của Việt Nam có thể ở mức trên trung bình của thế giới”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhìn nhận.

Còn đại biểu Quốc hội Khóa XIV Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) gây ấn tượng với cử tri cả nước với hình ảnh một đại biểu thẳng thắn, tích cực tham gia phát biểu, thảo luận, phản biện các dự án luật; tham gia thảo luận, phát biểu về tình hình kinh tế-xã hội, chất vấn các thành viên Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tháng 10/2020, ông Phạm Văn Hòa tích cực phản biện với hai dự án luật là Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trong đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, ông Phạm Văn Hòa phản bác con số được đưa ra trong tờ trình cho rằng nếu dự luật ban hành sẽ giảm được 500.000 người so với thực tế lúc bấy giờ. Với số liệu này, ông Hòa nhận định “là không thực tế”.

Còn rất nhiều ý kiến, phát biểu thẳng thắn, khách quan của các đại biểu Quốc hội liên tục đưa ra tại những phiên họp trên nghị trường. Qua những ý kiến cụ thể của 3 vị đại biểu Quốc hội nêu trên, phần nào cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động Quốc hội trong thời gian gần đây. Những đại biểu không ngần ngại, chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng các vấn đề của đời sống-xã hội để phát biểu trên nghị trường, nhìn nhận những tích cực, hạn chế của các chính sách, để làm căn cứ đưa ra những quyết định có lợi nhất cho người dân, đất nước.

Nói về những ý kiến phát biểu, chất vấn của mình trên nghị trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết, mỗi cá nhân khi trở thành đại biểu Quốc hội ai cũng có nguyện vọng được cống hiến hết mình cho sự phát triển bền vững của đất nước. Bằng tất cả hiểu biết và tâm trí của mình, các đại biểu Quốc hội luôn lắng nghe tiếng nói của cử tri, giải thích cho cử tri sau đó chắt lọc những ý kiến thích đáng, phù hợp để kiến nghị với Đảng và Chính phủ. Đại biểu thì không suy nghĩ nhiều cho bản thân mình mà luôn lắng nghe, tìm tòi, học hỏi để kiến nghị đúng và trúng những vấn đề mà cử tri quan tâm, góp phần xây dựng chính sách chung phát triển đất nước.

“Các đại biểu Quốc hội cũng cần kiên định với chương trình hành động của mình, cập nhật kiến thức, kỹ năng để nâng tầm đại biểu Quốc hội, đặc biệt phải nắm vững nguyên tắc và cách thức vận hành của hệ thống chính trị nước nhà. Đại biểu Quốc hội là cầu nối của cử tri với Đảng và Nhà nước và ngược lại nên cần phải hiểu rõ ý Đảng, lòng dân”, đại biểu Nguyễn Quang Huân bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân

Chia sẻ thêm với PV, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, trách nhiệm của người đại biểu là phải làm sao phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với nghị trường. Những vấn đề người dân mong mỏi, bức xúc cần những người đại biểu chuyển, kiến nghị với Quốc hội.

Bà Tạ Thị Yên nhấn mạnh: “Dân đang đặt niềm tin, đặt cơ hội cho tôi để nói tiếng nói chung về những vấn đề cấp bách của xã hội. Những vấn đề đó là những vấn đề mà cử tri quan tâm hằng ngày và trách nhiệm của tôi là phản ánh những gì thực tế nhất, mang hơi thở của cuộc sống vào hội trường với tinh thần chia sẻ, đóng góp và mang tính chất xây dựng, có lý, có tình. Tôi không nghĩ những phát biểu đó sẽ tạo dấu ấn hay ấn tượng gì, mà đơn giản đó chỉ là phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, những bất cập từ thực tiễn cuộc sống, là những vấn đề mà nghị trường và cử tri đang quan tâm”.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, diễn đàn Quốc hội có vai trò vô cùng quan trọng đối với cử tri cả nước, vì đây là nơi sinh ra những quyết sách quyết định đến cuộc sống của người dân cũng như vận mệnh Tổ quốc. Đó là nơi thể hiện vai trò, trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri, do đó đại biểu dân cử phải luôn trung thực, thẳng thắn, không ngại phản biện, chất vấn đúng trọng tâm.

Cùng ý kiến với 2 đại biểu Quốc hội trên, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, khi được dân tín nhiệm, được trao gửi, lắng nghe, ghi nhận ý kiến người dân thì phải chuyển tải đến nghị trường, làm đúng chức trách, phát biểu thẳng thắn, khách quan không vì lợi ích cá nhân mà phải là lợi ích của người dân, xã hội.

Ông Phạm Văn Hòa, việc đưa ra ý kiến hay phản biện để cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Quốc hội càng nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn, đa chiều hơn để hoàn chỉnh tốt hơn. Tất cả vì mục đích cao nhất là đảm bảo các dự án luật sau khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống, phù hợp với đời sống, sinh hoạt của người dân, tránh khả năng luật khi đi vào cuộc sống không thực hiện được hoặc khó thực hiện, không phù hợp với lòng dân. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

“Trước khi tham gia ứng cử, các đại biểu Quốc hội có trình bày chương trình hành động với người dân. Khi chúng ta được dân tin tưởng bầu rồi thì phải căn cứ vào các chương trình hành động đó để đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân. Mình đã hứa với dân những gì, thì mình phải thực hiện đúng những lời mình hứa đó. Chứ không phải trước đó, mình cứ nói hay, nói tốt để dân tín nhiệm rồi quên lời hứa họ. Là đại biều Quốc hội phải luôn đặt trách nhiệm, tâm huyết của người đại biểu nhân dân lên hàng đầu”, đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Văn Hòa bày tỏ.

(Còn nữa)

(Trong bài sử dụng các hình ảnh của Quốc hội Media)

DOISONGPHAPLUAT.COM |