+Aa-
    Zalo

    Eli Cohen: Siêu gián điệp người Israel suýt trở thành Tổng thống Syria (Kỳ 1)

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đã 53 năm kể từ vụ tử hình của Eli Cohen, điệp viên người Israel sinh ra ở Ai Cập, người đã đào sâu vào bộ máy nhà nước, thậm chí suýt trở thành Tổng thống Syria.

    Đã 53 năm kể từ vụ tử hình của Eli Cohen, điệp viên người Israel sinh ra ở Ai Cập, người đã đào sâu vào bộ máy nhà nước, thậm chí suýt trở thành Tổng thống Syria.

    Hãng tin Sputnik của Nga đã trao đổi với em trai của ông Cohen cùng với các chuyên gia tình báo Israel và Syria để đưa ra một cách tiếp cận mới về câu chuyện cuộc đời đáng kinh ngạc của siêu điệp viên.

    Những năm đầu đời

    Ông Eli Cohen được sinh ra vào ngày 6/12/1924 trong một gia đình 8 người ở thành phố biển Địa Trung Hải Alexandria, Ai Cập. Ông học tiểu học tại một trường cộng đồng Do Thái địa phương và luôn coi mình là một người yêu nước Ai Cập - quốc gia nơi ông sinh ra.

    Gia đình của ông Cohen. Ảnh: Getty

    Sau khi tốt nghiệp, ông Cohen theo học tại Đại học Alexandria với chuyên ngành kỹ thuật điện. Trong thời gian ở đó, người đàn ông trẻ đã tổ chức các cuộc biểu tình chống lại sự chiếm đóng của người Anh ở Ai Cập.

    "Anh ấy trung thành với đất nước Ai Cập của mình", em trai ông Cohen là ông Albert Abraham Cohen nhớ lại. "Anh ấy cũng trung thành với người Do Thái và những ý tưởng của chủ nghĩa Zion, nhằm tạo ra một nhà nước Do Thái trong vùng đất của Israel". Dưới sự giám hộ của giáo sĩ Do Thái Alexandria, ông Cohen bắt đầu tham gia phong trào Zion, và khi Israel tuyên bố độc lập vào năm 1949, gia đình ông chuyển đến đất nước mới được thành lập.

    Ông Eli Cohen ở lại Ai Cập để hoàn thành nghiên cứu của mình, và được cho là đã tham gia vào dự án Lavon Affair - một âm mưu năm 1954 của tình báo quân sự Israel phác thảo nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu dân sự Ai Cập.

    Như cựu Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin sau đó xác nhận, ông Cohen quyết định ở lại Ai Cập, tự nguyện làm một nhà hoạt động ngầm tham gia vào việc hồi hương người của Do Thái trở về Israel.

    Năm 1954, gia đình của ông Cohen biết rằng ông đã bị chính quyền Ai Cập bắt giữ và bị buộc tội tham gia vào một hoạt động khủng bố. Trong khi các bị cáo khác bị cầm tù hoặc bị xử tử, ông Cohen đã thoát khỏi sự trừng phạt vì thiếu bằng chứng. Ngay sau cuộc khủng hoảng kênh đào Suez hồi tháng 10/1956, ông bị trục xuất sang Israel cùng với hàng ngàn người Do thái Ai Cập khác.

    Con đường trở thành một gián điệp

    Ông Cohen đến Israel vào ngày 8/2/1957. Năm ngày sau, ông được quân đội phỏng vấn và yêu cầu viết tiểu sử của mình. Ông mô tả cuộc sống của mình ở Ai Cập bằng 8 trang văn bản.

    Trong số những thông tin khác, ông Cohen đã đề cập rằng ông có thể nói thành thạo tiếng Ả rập, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý và tiếng Do Thái. Tiếng Ả rập của ông là tiếng địa phương được sử dụng ở Ai Cập, Syria và Lebanon. Ở cuối tiểu sử của mình, ông Cohen tuyên bố sẵn sàng đi đến đến bất kỳ quốc gia Ả rập nào để tiến hành hoạt động tình báo.

    "Anh ấy không tìm kiếm cuộc phiêu lưu", ông Albert nhấn mạnh. "Anh ấy đơn giản là một người yêu nước. Anh ấy hoàn toàn nhận thức được những gì đang chờ đợi ở phía trước và tình nguyện cứu dân tộc khỏi một vụ diệt chủng thứ 2. Tôi không nghĩ rằng anh ấy mơ ước được sống một cuộc sống của một người sùng bái phong trào Zion. Vào thời điểm đó, 2 khái niệm này không mâu thuẫn với nhau".

    Israel đã xem sự thống nhất năm 1958 của Ai Cập và Syria như một mối đe dọa nghiêm trọng. Cơ quan tình báo của quốc gia non trẻ này yêu cầu khẩn cấp một chuyên gia có thể hoạt động gián điệp và truyền tải thông tin về một cuộc tấn công tiềm năng.

    Phiêu lưu ở Argentina

    Ông Eli Cohen đến Argentina tạo dựng quan hệ trước khi tới Syria làm gián điệp. Ảnh: Getty

    Vào đầu năm 1961, ông Eli Cohen được gửi đến Argentina với tư cách là một doanh nhân giàu có của Syria và sống ở đó 8 tháng. Sputnik đã liên hệ với ông Natalio Steiner - đồng giám đốc của tờ báo người Do Thái ở Argentina Comunidades.

    Nhận được một cương vị mới và các tài liệu đi kèm, ông Cohen đã sử dụng danh tính “Kamel Amin Thaabet” và có một câu chuyện cho rằng ông là người Syria thừa hưởng hoạt động kinh doanh dệt may với người Do Thái ở Argentina.

    Rời Israel vào năm 1961, ông Cohen đến Zurich (Thụy Sĩ) rồi từ đó ông tới Chile và cuối cùng là Argentina. Vài ngày sau, ông gặp người liên lạc của mình ở Buenos Aires, được cấp một hộ chiếu giả và lời khuyên nên học tiếng Tây Ban Nha càng nhanh càng tốt. Ba tháng sau, ông Cohen đã nói ngôn ngữ một cách trôi chảy và có được một lượng kiến ​​thức sâu sắc về thủ đô của Argentina, theo ông Steiner.

    Nhiệm vụ của ông Cohen là thâm nhập vào cộng đồng người Ả rập ở Buenos Aires. Với mục tiêu này, ông đã trở thành một vị khách thường xuyên tại các trung tâm chức năng khác nhau được tổ chức bởi cộng đồng. Để thu hút sự chú ý, ông Cohen đã tạo được danh tiếng cho mình như một người mặc quần áo đắt tiền và chi tiền mặt ủng hộ một cách hào phóng.

    Theo ông Steiner, những nỗ lực của ông Eli Cohen đã thành công vang dội, cho phép ông tiến gần đến giới tinh hoa của người di cư Syria, và thông qua họ, liên hệ với những nhân vật quyền lực ở Syria.

    "Tự giới thiệu mình là một thương gia lớn ... ông ấy có thể lần lượt gặp những nhân vật quan trọng từ các vòng chính trị và quân sự ở Syria. Kết quả là ông ấy được mời tham dự các sự kiện khác nhau với sự tham gia của các nhân vật nổi bật từ cộng đồng Ả rập”, nhà báo Steiner cho hay.

    Trong bài viết của ông về điệp viên Cohen, ông Steiner lưu ý rằng thành công của sứ mệnh tình báo dựa trên "sự lôi cuốn và hào phóng", cùng với một mạng lưới liên lạc rộng lớn, bao gồm cả người đứng đầu Mundo Arabe - một tờ báo được đọc rộng rãi và được tôn trọng ở Cộng đồng Ả rập tại khu vực Mỹ Latin. Người quen sau này đã tạo cơ hội cho ông Cohen tiếp cận Đại sứ quán Syria tại Buenos Aires, và ở đây ông đã gặp Tướng Amin Hafiz – người sau đó trở thành Tổng thống của Cộng hòa Syria.

    Tại một trong những cuộc thảo luận với Tổng biên tập tờ Mundo Arabe, ông Cohen đã thú nhận rằng ông muốn trở về Syria để hỗ trợ sự phát triển của đất nước.

    (Còn nữa)

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Sputnik)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/eli-cohen-sieu-gian-diep-nguoi-israel-suyt-tro-thanh-tong-thong-syria-ky-1-a230568.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan