+Aa-
    Zalo

    EU quyết ngăn chặn hành động trừng phạt của Mỹ đối với Iran

    • DSPL
    ĐS&PL Từ ngày 7/8, Liên minh châu Âu (EU) sẽ ngăn chặn hành động trừng phạt của Mỹ đối với Iran, nhằm bảo vệ các công ty châu Âu.

    Từ ngày 7/8, Liên minh châu Âu (EU) sẽ ngăn chặn hành động trừng phạt của Mỹ đối với Iran, nhằm bảo vệ các công ty châu Âu.

    Cờ liên minh châu Âu (EU) - Ảnh: Getty

    "Sáng ngày 7/8, kế hoạch ngăn chặn của EU sẽ bắt đầu có hiệu lực, điều này nhằm bảo vệ các công ty châu Âu đang kinh doanh ở Iran thoát khỏi tác động do biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt chống Iran", đại diện Uỷ ban châu Âu - Mina Andreeva cho hay.

    Ủy ban châu Âu tuyên bố rằng bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ, các công ty châu Âu sẽ tiếp tục kinh doanh hợp pháp tại Iran dưới sự bảo hộ của Brussels.

    “Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan đến hạt nhân là một phần thiết yếu của thỏa thuận JCPOA, nhằm tác động tích cực không chỉ đối với quan hệ thương mại và kinh tế với Iran mà quan trọng nhất là cuộc sống của người Iran. Chúng tôi xác định sẽ bảo vệ các công ty châu Âu đang hoạt động ở Iran theo luật pháp của EU và nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, thông cáo từ Ủy ban châu Âu (EC) cho hay.

    Vào tháng 5, EU đã tuyên bố rằng họ sẽ áp dụng Quy chế Ngăn chặn bắt đầu từ tháng 8. Đạo luật này được công bố vào năm 1996, có nội dung yêu cầu các công ty EU không được tuân thủ các hình thức trừng phạt của Mỹ. Nó cho phép các công ty có thể được bồi thường thiệt hại gây ra bởi các lệnh cấm vận như vậy, đồng thời vô hiệu hóa các phán quyết liên quan đến lệnh cấm vận của tòa án tối cao nước ngoài đối với các công ty này.

    Tuy nhiên, Quy chế Ngăn chặn của EU chưa bao giờ được áp dụng và sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể có hiệu lực. Đạo luật này cần phải được cập nhật để bao gồm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, sau đó nó cần có sự đồng thuận của tất cả 28 nước thành viên mới có thể được thực thi.

    Vấn đề lớn nhất đó là các công ty Châu Âu nhiều khả năng vẫn sẽ tuân theo lệnh trừng phạt của Mỹ và rời khỏi Iran mặc cho sự bảo vệ của EU. Các công ty này phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính quốc tế mà Mỹ là nước đang dẫn đầu. Hiện đã có một vài doanh nghiệp Châu Âu ngừng hợp tác với Iran để tránh trở thành mục tiêu của các hình thức trừng phạt của Washington và đánh mất thị trường Mỹ.

    Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. - Ảnh: AP

    Trước đó, trong ngày 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington sẽ “thực hiện nghiêm ngặt" các lệnh trừng phạt áp đặt trở lại đối với Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015.

    Vòng đầu tiên của lệnh trừng phạt mà Mỹ thiết lập trở lại đối với Iran sẽ bắt đầu được áp dụng trong ngày 7/8, và các hình thức cấm vận nghiêm khắc nhất sẽ được thực hiện trong vòng 90 ngày tới. Động thái này diễn ra sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ cùng nhiều nước khác đã cùng ký kết với Iran vào năm 2015.

    Động thái này của Washington đến sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran từ hồi tháng 5 bất chấp sự phản đối của các nước cùng tham gia thỏa thuận này.

    Thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn có tên gọi khác là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc các lệnh cấm vận kinh tế được dỡ bỏ đã được Iran, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu ký kết năm 2015. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này đã khiến họ vấp phải sự chỉ trích từ EU và các nước đã ký vào thỏa thuận.

    NGUYỄN QUỲNH (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/eu-quyet-ngan-chan-hanh-dong-trung-phat-cua-my-doi-voi-iran-a239158.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan