Evergrande là gì và quả "bom nợ" 300 tỷ USD sắp nổ khiến cả loạt ngân hàng, nhà đầu tư lao đao


Thứ 3, 21/09/2021 | 14:38


Cùng sự kiện

Tổng nợ phải trả của China Evergrande - tập đoàn bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới – đã lên đến 300 tỷ USD, đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Ngày 20/9, hầu hết các nhà đầu tư toàn cầu đều đổ dồn ánh mắt về phía Trung Quốc. Nguyên nhân là do tập đoàn địa ốc khổng lồ Evergrande đang trên bờ vực sụp đổ vì khủng hoảng thanh khoản với "bom nợ" 300 tỷ USD.  Và điều này có thể thể gây ra những ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Tin thế giới - Evergrande là gì và quả 'bom nợ' 300 tỷ USD sắp nổ khiến cả loạt ngân hàng, nhà đầu tư lao đao
Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản. Ảnh: Nikkei

Ngân hàng được cho là đã từ chối gia hạn các khoản vay mới cho những người mua dự án chưa hoàn thành của Evergrande, tập đoàn liên tục bị hạ điểm xếp hạng vì suy giảm thanh khoản.

Cho dù tái cơ cấu hay thanh lý toàn bộ, sự thất bại của Evergrande vẫn có nguy cơ gây ra tình trạng suy thoái tín dụng, làm giảm niềm tin vào các khoản đầu tư của Trung Quốc và gây ảnh hưởng toàn cầu.

Những bất ổn về tương lai của tập đoàn này đã tác động đến tâm lý của nhà đầu tư trên các sàn giao dịch, trong đó cổ phiếu của các công ty bất động sản và ngân hàng tại Hong Kong (Trung Quốc) đang chứng kiến sự bán ra ồ ạt.

Chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong đã giảm 3,3% xuống 24.099,14 điểm, với giá cổ phiếu của Evergrande đã có lúc giảm gần 19% trước khi đóng cửa với mức giảm 10%. Giá cổ phiếu của công ty bất động sản New World Development giảm 12,3%, còn cổ phiếu của Henderson Land mất 13,2%.

Evergrande là gì?

Evergrande là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, với khoảng 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố của Trung Quốc. Ngoài ra, Evergrande còn có 7 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm: xe điện, hàng tiêu dùng, dịch vụ y tế và thể thao…

Evergrande được tỷ phú Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) thành lập vào năm 1996 với cái tên ban đầu là Hengda Group tại thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc. 

Từ những ngày đầu, Hengda Group (nay là Evergrande) đã hoạt động kinh doanh trong các mảng chính là phát triển bất động sản, đầu tư bất động sản, quản lý bất động sản và các mảng khác. Những sản phẩm của Evergrande chủ yếu dành cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Trung Quốc.

Evergrande xuất hiện vào đúng giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc. Chính quá trình đô thị hoá được đẩy nhanh đã biến Evergrande trở thành trung tâm quyền lực của nền kinh tế được định hướng phát triển dựa vào bất động sản.  

Với những thành tựu ban đầu, đến tháng 10/2009, Evergrande huy động được 722 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong. 

Cùng với xu thế phát triển nóng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc như Evergrande và Dalian Wanda đã lựa chọn một bước đi đột phá là đa dạng hoá nguồn thu để tránh phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản. 

Thông qua các chi nhánh công ty con, tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn “lấn sân” sang các lĩnh vực sản xuất nước khoáng đóng chai, sản xuất ô tô xe điện, chăn nuôi, nông sản, thậm chisi mua lại câu lạc bộ bóng đá Quảng Châu Hằng Đại Đào Bảo và gặt hái được nhiều danh hiệu lớn. 

Năm 2017, làn sóng di cư đến các thành thị của Trung Quốc và nhu cầu nhà ở kéo theo đã biến Hứa Gia Hân thành người giàu nhất Trung Quốc với tài sản ước tính 42,5 tỷ USD.

Thông tin trên website của Evergrande cho biết công ty có 200.000 nhân viên và gián tiếp tạo hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm. Cổ phiếu và trái phiếu Evergrande đã được đưa vào nhiều chỉ số tại các thị trường ở châu Á.

Khoản nợ của Evergrande là gì?

Tin thế giới - Evergrande là gì và quả 'bom nợ' 300 tỷ USD sắp nổ khiến cả loạt ngân hàng, nhà đầu tư lao đao (Hình 2).
Diễn biến giá cổ phiếu Evergrande niêm yết tại Hồng Kông từ đầu năm đến nay.

Sau nhiều năm mở rộng nhanh chóng trong khi kinh tế Trung Quốc bùng nổ, Evergrande giờ bị “vùi” trong đống nợ khổng lồ lên tới 300 tỷ USD và chỉ có khoảng 15 tỷ USD tiền mặt. Ngân hàng Thụy Sĩ UBS ước tính rằng con số trách nhiệm pháp lý là gần 313 tỷ USD - tương đương 6,5% tổng nợ phải trả trong ngành bất động sản Trung Quốc.

Hôm 15/9, Evergrande cho biết doanh số bán bất động sản của công ty này có khả năng sẽ tiếp tục giảm mạnh trong tháng 9, sau nhiều tháng giảm liên tiếp, khiến tình hình dòng tiền của họ càng trở nên tồi tệ hơn.

Giá cổ phiếu của Evergrande đã giảm gần 80% trong năm nay, giao dịch trái phiếu của công ty liên tục bị các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc tạm dừng trong những tuần qua.

Tại sao các nhà đầu tư lại lo lắng?

Nếu Evergrande thất bại, đó sẽ là một dấu hiệu rắc rối lớn đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và có thể là dấu hiệu đầu tiên của làn sóng phá sản.

Cuộc khủng hoảng tiền mặt tại Evergrande trùng với sự suy thoái chung của thị trường bất động sản Trung Quốc, trầm trọng hơn do lãi suất thế chấp cao hơn và các quy định khắt khe hơn đối với người vay. Các nhà quản lý đã và đang siết chặt thị trường bất động sản, với các quy tắc được đưa ra vào năm 2020 để hạn chế việc vay nợ trong lĩnh vực bất động sản.

Nếu Evergrande không thể trả nợ, những người cho vay của công ty - bao gồm một số ngân hàng lớn nhất Trung Quốc - sẽ phải chịu áp lực. Điều đó có thể gây khó khăn cho các công ty cần vay tiền từ ngân hàng và thị trường trái phiếu trong việc tiếp cận vốn. 

Nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu sự hình thành của một cuộc khủng hoảng tài chính ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và có thể gây ra bất ổn trên phạm vi quốc tế.

Trong trường hợp xấu nhất,  Evergrande bị thanh lý toàn bộ. Nếu tập đoàn này không trả được nợ, điều đó có thể khiến các ngân hàng và các nhóm khác có mối quan hệ lớn với Evergrande phải phá sản hoặc buộc phải tự cơ cấu lại.

Phía nhà đầu tư nước ngoài lo lắng rằng nếu Evergrande sụp đổ, tất cả số tiền họ nắm giữ sẽ tan thành mây khói. 

Chen Zhiwu, giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong, cho biết nếu Evergrande sụp đổ thì có thể dẫn đến khủng hoảng tín dụng đối với toàn bộ nền kinh tế, khi các tổ chức tài chính lo sợ rủi ro nhiều hơn.

Trung Quốc sẽ làm gì?

Tin thế giới - Evergrande là gì và quả 'bom nợ' 300 tỷ USD sắp nổ khiến cả loạt ngân hàng, nhà đầu tư lao đao (Hình 3).
Một dự án bất động sản còn chưa hoàn thiện của Evergrande ở Lạc Dương, Trung Quốc, tháng 9/2021 - Ảnh: Reuters.

Tất cả các nhà đầu tư đều đang chờ đợi phản ứng của Trung Quốc. Có thể Bắc Kinh sẽ cứu trợ Evergrande dưới một số hình thức, nhưng cũng có thể cho phép tập đoàn này sụp đổ.

Ông Dan Wang, chuyên gia kinh tế tại Hang Seng Bank, nhận định: "Evergrande là một tập đoàn bất động sản quan trọng và nếu có chuyện gì xảy ra với họ, đó sẽ là một tín hiệu quan trọng. Tôi tin rằng chính phủ, thậm chí ngân hàng trung ương, sẽ có một số biện pháp để cứu trợ Evergrande".

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác cho rằng khả năng tập đoàn này tái cấu trúc sẽ cao hơn.

"Khả năng cao nhất là tập đoàn thực hiện tái cấu trúc, trong đó các công ty bất động sản khác sẽ tiếp quan các dự án chưa hoàn thành của Evergrande để đổi lấy một phần quỹ đất", ông Williams của Capital Economics cho biết.

Trong một động thái mới nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa bơm khoảng 90 tỷ Nhân dân tệ (hơn 14 tỷ USD) vào hệ thống tài chính nước này.

Đây là động thái bơm tiền lớn nhất của PBoC kể từ tháng 2 đến nay. Theo các chuyên gia, động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản tăng cao của các ngân hàng trong giai đoạn cuối quý III, cũng như của người dân trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh đầu tháng 10 tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, đây cũng được xem là tín hiệu hỗ trợ thị trường trong bối cảnh nền kinh tế nước này có dấu hiệu chững lại và các lo ngại gia tăng từ cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc Evergrande.

Mộc Miên (Theo Barrons, CNBC)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/evergrande-la-gi-va-qua-bom-no-300-ty-usd-sap-no-khien-ca-loat-ngan-hang-nha-dau-tu-lao-dao-a513870.html