+Aa-
    Zalo

    FBI đã xin lệnh khám xét dinh thự cựu Tổng thống Donald Trump như thế nào?

    • DSPL
    ĐS&PL Thông tin FBI đột kích và khám xét dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

    Việc FBI bất ngờ đột kích vào dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump ở thành phố Palm Beach, bang Florida (Mỹ) ngày 8/8 (giờ địa phương) đã gây ra nhiều tranh cãi. Trong đó, cả ông Trump cùng các đồng minh của ông chỉ trích vụ việc này là một sự chính trị hoá lực lượng thực thi pháp luật.

    Tuy nhiên, trước khi tiến hành cuộc đột kích này, lực lượng FBI đã phải trải qua một quy trình kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng các tiêu chí cần thiết để nhận được lệnh khám xét từ thẩm phán. 

    Được biết, cuộc khám xét là một phần cuộc điều tra xem liệu cựu Tổng thống Trump có vi phạm luật khi chuyển các tài liệu mật từ Nhà Trắng tới dinh thự riêng Mar-a-Lago hay không. 

    Bộ Tư pháp đã mở cuộc điều tra làm rõ vấn đề này sau khi Uỷ ban Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia nói rằng họ đã thu hồi 15 thùng tài liệu được phân loại của Nhà Trắng từ bất động sản Mar-a-Lago hồi đầu năm nay. 

    Lệnh khám xét có tác dụng gì?

    Đặc vụ FBI không thể cứ đến và khám xét các tài sản riêng như biệt thự Mar-a-Lago. Để thực hiện nhiệm vụ này, các nhà điều tra trước hết cần xin lệnh khám xét, trong đó họ phải thuyết phục được thẩm phán rằng họ đang đối mặt với một vụ việc có yếu tố vi tội phạm.

    Các cơ quan liên bang muốn xin lệnh khám xét sẽ phải cung cấp bằng chứng và các thông tin cơ bản về lý do họ cần khám xét một tài sản nào đó trong một bản tuyên thệ. Bản tuyên thệ này sẽ được một thẩm phán liên bang hoặc cấp hạt xem xét. 

    dinh thu cuu tong thong trump
    Biệt thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP 

    Thẩm phán có thể hỏi thêm thông tin và thẩm vấn người đại diện xin lệnh khám xét theo lời tuyên thệ. Thẩm phán sẽ chỉ ký vào lệnh khám xét khi xác định có bằng chứng về tội phạm liên bang tại địa điểm mà nhà chức trách muốn khám xét.

    Ông Dennis Lormel, cựu đặc vụ FBI có kinh nghiệm làm viễ 28 năm, cho biết do tính nhạy cảm của cuộc điều tra liên quan đến một cựu tổng thống, nên cả Bộ Tư pháp và thẩm phán đều phải cân nhắc rất kỹ.

    Quá trình đăng ký lệnh khám xét diễn ra hoàn toàn bí mật không làm rò rỉ thông tin về người có tài sản bị khám xét. Mọi hồ sơ tòa án liên quan đến đơn xin trát sẽ được niêm phong.

    Những hồ sơ đó thường được niêm phong cho đến khi một vụ án hình sự được đưa ra, và thậm chí sau đó, các nhà chức trách vẫn có thể giữ kín, không công khai thông tin về bản tuyên thệ. Người có tài sản đang bị khám xét được quyền xem trát nhưng không được xem bản khai.

    Nếu một tài sản bị khám xét mà không có lệnh hợp lệ, bất kỳ bằng chứng nào thu giữ được đều có thể bị loại bỏ, có nghĩa là không thể sử dụng các bằng chứng này trước tòa.

    fbi kham xet dinh thu ong trump1
    Cảnh sát được trông thấy bên ngoài biệt thự của ông Trump. Ảnh: AP 

    Ông Brian O'Hare, chủ tịch Hiệp hội Đặc vụ FBI, nói rằng tất cả các lệnh khám xét "phải đáp ứng các quy tắc thủ tục chi tiết và rõ ràng và là sản phẩm của sự hợp tác, tham vấn với các luật sư liên quan của Bộ Tư pháp". 

    Trong trường hợp của cựu Tổng thống Trump, quá trình thi hành lệnh cũng bao gồm việc thông báo cho Cơ quan Mật vụ thông tin chi tiết bởi họ cung cấp sự đảm bảo an ninh cho cựu tổng thống và nhà của ông. Một người quen thuộc với cuộc khám xét nói với AP rằng FBI đã liên hệ với Sở Mật vụ ngay trước khi tống đạt lệnh.

    Các nhân viên mật vụ đã liên hệ với Bộ Tư pháp và đã xác thực lệnh trước khi tạo điều kiện cho các đặc vụ tiếp cận tài sản.

    Đạo luật nào đã được áp dụng?

    Không rõ các quan chức luật pháp đã đề cập với vi phạm gì. Nhiều luật liên bang liên quan việc xử lý các hồ sơ được phân loại, bao gồm các đạo luật quy định việc huỷ bỏ các hồ sơ này hoặc lưu giữ chúng ở vị trí trái phép là một tội ác.

    Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, được ban hành vào năm 1978 sau vụ bê bối Watergate, đã yêu cầu phải bảo quản các tài liệu của Nhà Trắng như tài sản của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, chưa từng có trường hợp một cựu tổng tổng thống bị trừng phạt vì vi phạm Đạo luật Hồ sơ Tổng thống và thực tế chưa có cơ chế thực thi nào để thực thi luật.

    Một luật liên bang khác thì quy địn bất kỳ ai đang quản lý hồ sơ của chính phủ "cố ý và bất hợp pháp che giấu, cắt xén, xóa hoặc tiêu hủy" các tài liệu đều bị coi là tội phạm. Nếu  bị kết án, người đó sẽ bị phạt tiền hoặc nhận mức án tối đa ba năm trong nhà tù, hoặc chịu cả 2 hình thức xử phạt này. 

    Những người bị kết án cũng "sẽ bị tước bỏ chức vụ của mình và không đủ tư cách nắm giữ bất kỳ chức vụ nào khác tại Mỹ". Nhưng các chuyên gia pháp lý đã nói rằng điều đó sẽ không áp dụng với trường hợp văn phòng tổng thống.

    Minh Hạnh (Theo AP)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/fbi-da-xin-lenh-kham-xet-nha-cuu-tong-thong-donald-trump-nhu-the-nao-a547391.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan