+Aa-
    Zalo

    Gần 3 tháng “chạy đua với tử thần” cứu bé trai 8 tuổi sốc sốt xuất huyết nặng

    ĐS&PL Bệnh nhi 8 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng sốc sốt xuất huyết độ nặng nhất, tái sốc, sốc ngày sớm trên cơ địa dư cân béo phì.

    Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 25/7, PGS.TS Phạm Văn Quang – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thông tin sau gần 3 tháng chạy đua với tử thần, đơn vị này đã cứu sống bệnh nhi T.N.K.A (8 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) bị sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan.

    Trước đó, bệnh nhi sốt cao liên tục 4 ngày, từ 39 – 40 độ C, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng về sau lại sốt lại. Sáng ngày thứ 4, bệnh nhi bớt sốt nhưng than mệt, nhức đầu nhiều nên được đưa đến Bệnh viện huyện Hóc Môn trong tình trạng tụt huyết áp kèm cô đặc máu nặng với Hct 51%.

    Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi sốc xuất huyết nặng. Bệnh nhi được truyền dịch chống sốc và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục hồi sức vào ngày 25/4. PGS.TS Phạm Văn Quang cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết độ nặng nhất, tái sốc, sốc ngày sớm trên cơ địa dư cân béo phì. Được biết, bệnh nhi nặng 53kg trong khi cân nặng hiệu chỉnh ở lứa tuổi này chỉ là 26 kg.

    gan 3 thang chay dua voi tu than cuu be trai 8 tuoi soc xuat huyet nang1
    Bệnh nhi "vượt qua cửa tử" và được xuất viện sau gần 3 tháng điều trị liên tục. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, tích cực truyền dịch chống sốc và chuyển vào khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị. Tại đây, bệnh nhi diễn tiến nặng với sốc kéo dài, suy hô hấp kèm tổn thương gan, thận, chức năng đông máu và tăng áp lực ổ bụng nặng.

    Để cứu sống bệnh nhi, các bác sĩ đã đặt nội khí quản giúp thở, truyền dịch, máu, chế phẩm máu liên tục và sử dụng thuốc vận mạch để ổn định huyết động học, tình trạng xuất huyết. Ngoài ra để giải áp tình trạng tăng áp lực ổ bụng nặng, các bác sĩ tiến hành dẫn lưu ổ bụng để cải thiện hô hấp và tưới máu các cơ quan trong ổ bụng.

    Tuy nhiên, tổn thương các cơ quan vẫn tiếp diễn, nhất là suy gan thận nặng đe dọa tính mạng, bệnh nhi được lọc máu liên tục trong 1 tháng mới có thể hồi phục chức năng gan thận. Sau đó phải mất gần 2 tháng mới có thể cai được máy thở cho bệnh nhi. Việc cai máy thở gặp rất nhiều khó khăn do bệnh nhi sau khi tỉnh táo, cảm thấy sợ hãi, không thở được nếu không có máy thở.

    Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và người nhà thường xuyên động viên bệnh nhi cố gắng tập thở cho tốt. Ngày bệnh nhi cai được máy thở cũng là ngày mọi người vỡ òa niềm vui sướng. Sau gần 3 tháng điều trị liên tục, bệnh nhi đã “vượt qua cửa tử”, khỏe mạnh xuất viện vào ngày 22/7.

    Báo Tiền Phong dẫn lời PGS.TS Phạm Văn Quang co hay dịch sốt xuất huyết đang tăng cao và có nhiều trường hợp nặng. Một số bệnh nhi không chỉ nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch mà còn có tổn thương đa cơ quan, có thể dẫn đến tử vong.

    Do đó, mọi người cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh sốt xuất huyết bằng biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng tránh muỗi bằng kem chống muỗi, nhang muỗi, ngủ mùng thường xuyên.

    Nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt cao từ 2-3 ngày trở lên, bố mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế thăm khám để được xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị sớm trong trường hợp mắc sốt xuất huyết, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gan-3-thang-chay-dua-voi-tu-than-cuu-be-trai-8-tuoi-soc-sot-xuat-huyet-nang-a545699.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan