+Aa-
    Zalo

    Gạo giả Trung Quốc gây chết người: Phân tích của chuyên gia

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Gạo giả làm từ nhựa không thể có. Lý do là bởi chi phí và công nghệ làm ra nó quá đắt...

    (ĐSPL) - "Gạo giả làm từ nhựa không thể có. Lý do là bởi chi phí và công nghệ làm ra nó quá đắt. Hạt nhựa PE là loại nguyên liệu nhựa tái sinh được sử dụng phổ biến nhất thế giới hiện cũng có giá bán từ 45.000 - 50.000 đồng/kg hạt", PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết.

    Cân hạt nhựa bằng 3 cân gạo

    Tin tức lan tràn trên mạng xã hội Malaysia về gạo giả làm từ nhựa độc hại khiến giới chức nhiều nước Đông Nam Á phải vào cuộc làm rõ thực hư. Đến nay mới chỉ có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Malaysia – ông Ismail Sabri Yaakob lên tiếng khẳng định đó là tin thất thiệt và Bộ này sẽ phối hợp cảnh sát điều tra nguồn tin đồn gây hoang mang này từ đâu.

    Tan Chien Hung, Tổng Giám đốc công ty phân phối gạo TKC - nhà bán lẻ lương thực hàng đầu của Malaysia cho biết, vào ngày 15/5, các trang mạng xã hội như WhatsApp và Facebook ở Singapore và Malaysia tràn ngập thông tin về gạo giả, có xuất xứ từ Trung Quốc.

    Tin đồn được mạng xã hội mô tả loại gạo này được cho là làm từ khoai tây, khoai lang trộn với nhựa tổng hợp rồi đúc thành hạt, khi nấu chín vẫn rất cứng.

    Ông khẳng định mọi tin đồn đó là sai sự thật, và chắc chắn có một sự cạnh tranh không lành mạnh sau những tin đồn thất thiệt đó.

    Ông đã lập tức báo cáo sự việc cho cảnh sát Malaysia và Ủy ban Truyền thông đa phương tiện của Chính phủ (MCMC), thúc giục các nhà chức trách phải có hành động nghiêm trị những người đã phao tin đồn bịa đặt lan truyền trên mạng về sản phẩm của mình.

     Để đúc từ hạt nhựa ra thành hạt "giống như hạt gạo" thì chắc chắn phải cao hơn mức 50.000 đồng/kg.

    Ông Tan khẳng định chắc chắn rằng công ty của ông không nhập khẩu gạo từ Trung Quốc. "Sản phẩm của chúng tôi là 100% gạo nguyên chất từ các nhà cung cấp địa phương và chúng tôi không sử dụng bất kỳ loại chất nào để thay thế gạo", ông phát biểu.

    Công ty của ông cũng đã làm việc với ngành Y tế và cho đến nay, ông Tan cho biết các quan chức y tế đã có kết quả và khẳng định rằng không có chất lạ nào trong sản phẩm gạo TKC của ông.

    Tin tức về gạo giả, nói loại gạo làm từ nhựa được phát hiện bán ra tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt là ở thành phố Thái Nguyên (thuộc tỉnh Thiểm Tây phía bắc của Trung Quốc), đã lan truyền chóng mặt trên các mạng xã hội ở một số nước Đông Nam Á trong tuần qua.

    Gạo giả, thường được làm từ khoai tây và khoai lang với nhựa tổng hợp, được đúc thành hình dạng của gạo thực tế, được cho là đang xâm nhập vào các nước làm nông nghiệp lớn như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

    Các tin tức mới nhất trên truyền thông là gạo giả đã được bán ở Malaysia và thậm chí cả Singapore. Phản ứng về tin đồn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Malaysia – ông Ismail Sabri Yaakob cho biết, Bộ này không nhận được bất kỳ thông báo nào của Bộ Y tế về gạo giả và sẽ phối hợp cảnh sát điều tra nguồn tin đồn gây hoang mang này từ đâu.

    Trao đổi với PV VTC News, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng có 2 vấn đề báo chí cần nói rõ để dư luận khỏi hoang mang về vấn đề gạo nhựa giả trong suốt tuần qua.

    Thứ nhất là gạo nhái thương hiệu là có thật. Hiện trong khu vực ASEAN thì Thái Lan có nhiều gạo ngon và thương hiệu mạnh, nên vài năm trước từng có một số loại gạo hạt dài, đóng bao bì nhãn mác gạo thơm Thái Lan để bán vào siêu thị Việt Nam với giá cao hòng trục lợi. Nhưng đó là câu chuyện khác về hàng nhái.

    Thứ hai là gạo làm từ nhựa thì không thể có. Lý do là bởi chi phí và công nghệ làm ra nó quá đắt. Hạt nhựa PE là loại nguyên liệu nhựa tái sinh được sử dụng phổ biến nhất thế giới hiện cũng có giá bán từ 45.000 - 50.000 đồng/kg hạt.

    Phân tích thêm, ông Thịnh cho hay: "Về trọng lượng riêng, hạt nhựa PE nguyên liệu còn nhẹ hơn hạt gạo, nên đúc được 1 tấn gạo có lẽ phải dùng đến hơn tấn nhựa. Chưa kể chi phí máy đúc và nhân công để đúc từ hạt nhựa ra thành hạt "giống như hạt gạo" thì chắc chắn phải cao hơn mức 50.000 đồng/kg".

    TS. Nguyễn Duy Thịnh "Trong khi gạo ngon nhất hiện nay cũng chỉ cỡ 30.000 đồng/kg, không thể có bọn xấu nào thừa tiền để làm hàng tấn, thậm chí phải hàng chục hàng trăm tấn "gạo hạt nhựa" rồi đem bán ra thị trường được. Lợi ích kinh tế không có thì không ai dại gì đi làm chuyện đó", PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

     Nếu người dân mà phát hiện được hoặc nghi ngờ loại gạo nào là giả, hãy cung cấp địa chỉ cụ thể, mẫu gạo để cơ quan chức năng tiến hành xác minh, trước mắt người dân không nên lo lắng.

    Miếng ăn hàng ngày khó làm giả

    Về phía cơ quan quản lý chuyên ngành, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN & PTNT) cũng lên tiếng trên tờ báo Diễn đàn đầu tư, khẳng định thông tin trên chỉ là tin đồn.

    Theo lời ông Tiệp, cách đây một vài năm, cũng có thông tin xuất hiện gạo giả làm bằng nhựa tại nước ta. Lần đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh và khẳng định đó là gạo thật. Lần này, cũng xuất hiện thông tin gạo làm bằng khoai tây, khoai lang và nhựa tổng hợp, tuy nhiên theo xác minh là không có.

    Ông Tiệp nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, rất khó có thể sản xuất được loại gạo “nhựa” như vậy. Theo lẽ thông thường, nếu sản xuất gạo giả từ khoai tây, khoai lang và nhựa tổng hợp thì liệu giá thành có rẻ hơn gạo thật không? Làm gì thì làm người ta cũng phải tính đến lợi ích kinh tế. Thế nên, tôi cho rằng sẽ không có khả năng sản xuất loại gạo như vậy”.

    Trước những lo lắng và hoang mang của dư luận, vị Cục trưởng cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản khẳng định, nếu người dân mà phát hiện được hoặc nghi ngờ loại gạo nào là giả, hãy cung cấp địa chỉ cụ thể, mẫu gạo để cơ quan chức năng tiến hành xác minh, trước mắt người dân không nên lo lắng.

    Trong khi đó, một chuyên gia đến từ viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết, ông chưa nghe thông tin về loại gạo trên. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của vị này, gạo nilon đắt gấp mấy lần gạo thật, thời buổi kinh tế thi trường lấy lợi nhuận đặt lên hàng đầu chẳng có lý do nào họ làm giả để bán.

    Ngọc Anh(Tổng hợp)

    [mecloud] LOp6nUxiWF[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gao-gia-trung-quoc-gay-chet-nguoi-phan-tich-cua-chuyen-gia-a95669.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.