+Aa-
    Zalo

    Gặp Chủ tịch xã thuyết phục dân hiến đất làm đường nơi ốc đảo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhắc đến anh Tình, Chủ tịch UBND xã Việt Hải, huyện Cát Bà, TP.Hải Phòng, hầu hết các ban ngành, đoàn thể, những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, công tác

    (ĐSPL) - Nhắc đến anh Tình, Chủ tịch UBND xã Việt Hải, huyện Cát Bà, TP.Hải Phòng, hầu hết các ban ngành, đoàn thể, những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, công tác phong trào đều biết.

    Anh Hoàng Văn Cầu, phụ trách du lịch của vườn Quốc gia Cát Bà chia sẻ: “Du lịch Cát Bà nói riêng, du lịch Hải Phòng nói chung luôn phải cảm ơn một vị Chủ tịch xã như anh Tình. Không có anh Tình, khách du lịch sẽ không đến với Việt Hải và Việt Hải mãi là một xã đảo nghèo nhất của TP.Hải Phòng”.

    Anh Nguyễn Hữu Tình đang đón tiếp vị khách người Anh.

    Chân dung anh bộ đội “đa-zi-năng”

    Chính ủy Đào Văn Thức (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.Hải Phòng) tâm sự: “Trong các nhiệm vụ của các đồn biên phòng thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.Hải Phòng thì nhiệm vụ đối với xã vùng xa Việt Hải là một nhiệm vụ khó khăn nhất. Làm tốt công tác ở đó, thay đổi bộ mặt của xã cả về chính trị, xã hội và kinh tế là điều cả Bộ chỉ huy cũng như đồn biên phòng Cát Bà trăn trở.

    Năm 2010, khi tìm cán bộ tăng cường cho xã để thay đổi Việt Hải, chúng tôi nghĩ ngay đến anh Nguyễn Hữu Tình. Nếu chọn cán bộ sỹ quan trẻ quá thì không phù hợp vì không hiểu người dân, không đi sâu vào quần chúng để làm công việc vác tù và hàng tổng được. Anh Tình đã ra đảo từ năm 1988, lại lấy vợ, sinh sống ở đây lâu rồi. Anh này đi đánh lưới cũng được, vào rừng lấy mật ong được, đi cày cuốc cũng được. Trông anh ấy lại rất chất phác, thật thà...”.

    Cơ duyên anh Tình lên làm Chủ tịch UBND xã Việt Hải là như vậy. Anh Tình phân trần: “Ban đầu mình được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy xã. Mình đang là quân nhân, tự nhiên chuyển sang dân sự, rồi tự nhiên phải tổ chức họp Đảng cho anh em, phải tự đạo diễn tất cả mọi thứ ở một xã khó khăn nhất của huyện Cát Hải. Mình là người địa phương khác đến trong khi từ mấy chục năm nay bộ máy chính quyền xã vẫn vận hành theo cơ chế quan hệ họ hàng, tình làng nghĩa xóm. Nói được tiếng nói của người dân và thay đổi nhận thức của họ là cả một thách thức với người lính biên phòng như mình”.

    Điều quan trọng nhất vào thời điểm anh Tình về làm cán bộ xã Việt Hải là làm sao kéo được điện lưới quốc gia về Việt Hải vì xã này biệt lập. Theo địa giới hành chính thì Việt Hải được gọi là xã với diện tích 86,25km2, còn theo chỉ giới địa lý thì nó là một thung lũng nằm trong vùng lõi của vườn Quốc gia Cát Bà - khu dự trữ sinh quyển thế giới. Rẻo đất này nằm lọt thỏm giữa biển khơi, bao bọc bởi núi cao và rừng già của vườn quốc gia nên trở thành một ốc đảo tách biệt với phần còn lại của Cát Bà. Chính vì vậy, Việt Hải còn được người ta gọi là “đảo của đảo”. Sống giữa một “ốc đảo” tách biệt, Việt Hải chỉ có 60 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu quần cư nơi đây vẫn tự cấp, tự túc lương thực - thực phẩm và nguồn thu nhập chính của họ dựa vào “săn bắt, hái lượm” những sản vật từ rừng. Đầu tư điện về đây là một điều khó khăn vô cùng vì chi phí theo tính toán phải hết 17 tỉ đồng để đầu tư cho 60 hộ dân.

    Sau khi đầu tư lưới điện, anh Tình còn phải lo hệ thống nước sạch cho bà con. Số tiền đầu tư là hơn 2 tỉ đồng. Đầu tư điện nước xong, phát sinh việc làm thế nào để đưa nước sạch vào đến từng hộ dân vì kinh tế của bà con rất nghèo. Anh Tình báo cáo đồn Biên phòng Cát Bà xin ủng hộ hơn 100 triệu đồng để mắc đường nước vào từng hộ. Tính đến thời điểm này, Việt Hải không còn là xã vùng sâu vùng xa khó khăn nhất của Hải Phòng nữa.

    Số lượng khách du lịch đến Việt Hải ngày một đông.

    Ông Chủ tịch xã năng động

    Gặp anh Nguyễn Hữu Tình, SN 1968 (quê ở xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), hiện đang công tác ở đồn Biên phòng Cát Bà, thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.Hải Phòng vào ngày cuối năm nên anh rất bận. Anh Tình phân trần: “Thực ra mình rút hoạt động quản lý địa phương từ ngày 1/11/2014 rồi nhưng UBND huyện Cát Hải vẫn giữ mình lại xã Việt Hải để tham mưu cho lớp cán bộ kế cận. Bao giờ xong nhiệm vụ đó mình mới được về đồn Biên phòng Cát Bà công tác tiếp”.

    Khách du lịch nào đến xã Việt Hải cũng muốn gặp vị Chủ tịch xã vui tính. Trông anh mộc mạc trong bộ quân phục. Anh bảo: “Cả đơn vị mình, không ai phù hợp với chức Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch HĐND xã như mình nhờ ngoại hình nông dân như vậy đấy!”. Vừa tiếp chuyện khách Việt Nam, anh lại vừa “bận” trò chuyện với khách du lịch nước ngoài. Anh dùng ngôn ngữ tay, biểu cảm khuôn mặt và chút vốn tiếng Anh bồi để trò chuyện với khách du lịch như trò chuyện với người dân. Anh dẫn những bạn trẻ người nước ngoài đi xem từng củ cải, từng quả ớt thóc, từng con gà,... ở Việt Hải. Chẳng biết giữa anh và họ hiểu nhau như thế nào nhưng thái độ rất thân tình.

    Có thể nói, Việt Hải là một điểm du lịch đặc biệt nhất của Việt Nam. Đến Việt Hải, không ai bị “chặt chém”. Giá xe ôm hoặc thuê xe đạp đi quanh xã đồng đều như nhau: Khách Việt Nam 40.000 đồng; khách nước ngoài 50.000 đồng cho cả lượt đi và lượt về. Khách có thể ở lại bao lâu tùy thích. Khách đến nhà dân sinh hoạt với người dân như người thân trong gia đình. Ở Việt Hải, khách du lịch không phải tiêu tiền nhiều. Họ thoải mái đi bộ trên con đường rộng 5m, phẳng lì, hai bên là những rặng dâm bụt và những luống rau, những cây hoa hồng,... Đường sạch bóng, không một chiếc túi nilon nào vứt dọc đường vì bà con dân ở đây dọn dẹp rất sạch sẽ.

    Ông Nguyễn Văn Nghiệp, một lão nông ở Việt Hải, vốn là người gốc Hà Nội chia sẻ: “Có được đường đẹp, cảnh quan đẹp, môi trường sạch sẽ như thế này là nhờ Chủ tịch Tình đấy! Ngày xưa, đường ở đây hẹp chỉ, khoảng 2m, hai bên đường tường của các hộ gia đình bao quanh khiến đường càng hẹp. Năm 2010, anh Tình về làm cán bộ xã ở đây, anh ấy đưa ra chủ trương xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp cho địa phương. Mới đầu chúng tôi phản đối gay gắt vì ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình, nhưng sau anh Tình phân tích, chúng tôi thấy phải nên nghe theo. Thực tế, đến bây giờ chúng tôi thấy anh ấy nói đúng. Người dân Việt Hải đón được nhiều khách du lịch hơn, cuộc sống cũng khá giả hơn”.

    Anh Tình cười, nụ cười hiền đậm chất nông dân: “Câu chuyện để có tuyến đường đi cho khách du lịch 5m đẹp như bây giờ là mình phải dùng tâm thế người thân của từng người dân, vận động bà con phá hết tường rào nhà mình để cho đường thoáng và bà con ủng hộ mỗi nhà 2m đất chiều ngang để làm đường không đơn giản. Trước đây, bà con để tường rào, trồng cây xung quanh nhà. Mình vận động họ phá tường rào, chặt những cây ăn quả lâu năm để trồng những loại rau, hàng dâm bụt dọc đường đi. Đường này UBND huyện Cát Hải chủ trương làm rộng 3m. Nhưng mình tính toán giao thông đi lại của khách du lịch, muốn đường đẹp hơn nên đề nghị huyện cho làm đường 5m. Mình phải vận động nhân dân hiến đất. Có những nhà lập luận: “Cây mít nhà tôi trồng mấy chục năm, ông bảo tôi chặt đi để hiến đất làm đường thì phải có đền bù chứ!”. Có những nhà xây tường bao hết 50 – 70 triệu đồng, tiền vật liệu ở đây đắt gấp 5 lần ở đất liền nhưng họ vẫn đập tường bao để đảm bảo cảnh quan chung”.

    Đội xe ôm hoạt động ở Việt Hải theo trật tự cũng là do công của anh Tình. Đội khai thác du lịch của Ban quản lý vườn Quốc gia Cát Bà cho biết: Trước đây, xe ôm và các hộ gia đình tranh giành khách du lịch dẫn đến việc cãi nhau trước mặt khách. Giờ họ không được làm thế vì anh Tình đã đặt ra những quy định chung để các hộ xếp “lốt” (vị trí - PV) phục vụ khách. Giá dịch vụ ở Cát Hải được coi là rẻ nhất ở các khu du lịch. Anh Tình chia sẻ: “Số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Hải ngày càng đông. Và trên Google, tên Việt Hải được tìm kiếm tương đương với tên Cát Bà. Đó là điều khiến tôi rất vui”.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gap-chu-tich-xa-thuyet-phuc-dan-hien-dat-lam-duong-noi-oc-dao-a84029.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan

    "Ốc đảo" Thanh Sơn khát khao điện để đổi đời

    Chỉ cách thành phố Phủ Lý chừng hơn chục km nhưng thôn Thanh Sơn (xã Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) biệt lập như một ốc đảo. Kể từ khi lên lập nghiệp ở vùng đất này, người dân nơi đây vẫn sống không ánh sáng điện, không trạm y tế, không nước sạch, không trường học...