+Aa-
    Zalo

    Gặp nghệ sỹ đi bấm lỗ tai rong, sưu tầm, lưu giữ di sản nhân loại

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, NSƯT Hồng Lựu cùng đồng nghiệp đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều.

    (ĐSPL) - Gần 30 năm tuổi nghề và hàng trăm vai diễn, NSND Hồng Lựu – PGĐ Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả trong và ngoài nước. Không chỉ là một diễn viên xuất sắc trên sân khấu, NSND Hồng Lựu còn là một đạo diễn có tâm, có tài, một người nghệ sỹ hết lòng với thế hệ đàn em.

    Để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại kỳ họp thứ 9 của ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức tại thành phố Paris, Pháp, NSƯT Hồng Lựu cùng đồng nghiệp đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Từ những cống hiến xuất sắc đó, NSND Hồng Lựu được mệnh danh là "người thắp sáng hồn dân ca xứ Nghệ".

    NSƯT Hồng Lựu, người thổi hồn vào dân ca xứ Nghệ.

    Đam mê dân ca ví, giặm

    NSƯT Hồng Lựu (SN 1967) tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát dân ca nên từ nhỏ Hồng Lựu đã đam mê và tỏ rõ khả năng ca hát của mình. Từ năm lên 4, NSƯT Hồng Lựu đã đứng biểu diễn trên sân khấu. Lần đó, đoàn văn công của Tổng cục Hậu cần về diễn cho đơn vị K55 đóng quân tại làng, các cô trong đoàn văn công khi đó xin ở nhờ tại nhà Hồng Lựu, thấy cô hát hay và đam mê ca hát nên đã cắt vải may cho cô một cái váy để lên sân khấu hát... Kể từ lần lên biểu diễn trên sân khấu được mọi người vỗ tay khen ngợi, Hồng Lựu luôn mong được đứng trên sân khấu nhiều hơn.

    Tốt nghiệp THPT, Hồng Lựu tham gia thi tuyển vào lớp diễn viên, khoa Sân khấu của trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Chỉ được học đến trung cấp nhưng Hồng Lựu đã chứng tỏ được tài năng bằng một năng khiếu trời cho cùng với sự trau dồi bằng con đường tự học với nghề nghiệp. Năm 1995, Hồng Lựu đạt huy chương vàng tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc với vai diễn Ngọc Anh trong “Viên ngọc dạ minh châu”. Năm 1996, chị đạt huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc với vai Huyền trong "Vết chân tròn trong bão tố", đạt danh hiệu "nghệ sỹ xuất sắc" do tạp chí sân khấu bình chọn.

    Đã thành công ở nghiệp diễn, Hồng Lựu còn thử sức mình ở lĩnh vực chuyển thể kịch bản: Từ các kịch bản chèo sang kịch bản sân khấu kịch hát dân ca và thu được thành quả đáng khích lệ.

    Đến năm 1997, Hồng Lựu về công tác tại đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh (nay là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ) và bắt đầu bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Đến năm 1998, chị đạt huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu mùa Thu tại Sài Gòn trong vai Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ trong "Danh nhân lớn lên từ câu hò ví giặm" và được báo Tiền Phong tặng danh hiệu "Tài năng trẻ". Năm 2000, chị đạt huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, vai Nguyễn Thị Minh Khai trong "Sáng mãi niềm tin" và vinh dự được phong tặng danh hiệu "Nghệ sỹ ưu tú”.

    Nửa đời tìm cách lưu giữ di sản nhân loại

    Đối với NSƯT Hồng Lựu, dân ca ví, giặm như là “duyên nợ” mà chị nguyện gắn bó suốt cả cuộc đời. Có những lúc chị muốn từ bỏ dân ca nhưng chính những làn điệu dân ca đã níu chị lại. Khó khăn nhất là thời kỳ Hồng Lựu theo chồng – nghệ sỹ An Ninh về đoàn văn công Hà Tĩnh. Chị đã làm đủ nghề như bán cháo, thêu may để trang trải cuộc sống, thậm chí là đi bấm lỗ tai rong. Có những ngày vừa đi bán hàng về, chẳng nghỉ ngơi gì chị đã lại lao lên sàn để hát và diễn thế nhưng số tiền ít ỏi đó cũng không đủ nuôi sống gia đình.

    “Mặc dù áp lực kinh tế gia đình đè nặng lên đôi vai nhưng không thể dập tắt được niềm đam mê của mình. Chính những gánh hàng mưu sinh ở các làng quê, giúp tôi lượm lặt được những khúc hát dân ca đời thường. Nó giúp tôi am hiểu hơn cuộc sống từng vùng miền, giúp tôi diễn đạt hơn trong các vai diễn”, Hồng Lựu chia sẻ.

    NSƯT Hồng Lựu kể về quá trình mình cùng đồng nghiệp sưu tầm tập hợp và gây dựng các câu lạc bộ dân ca, lấy đó làm hồ sơ di sản.

    Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng chính những đam mê, những mục đích và công việc đang cùng anh em trong Trung tâm làm dang dở khiến chị không thể bỏ cuộc. “22 năm về trước, tôi có một ước mong tất cả người dân xứ Nghệ đều hát được dân ca và ví, giặm. Tôi muốn nó trở thành di sản văn hóa phi vật thể được cả thế giới công nhận. Nhưng những đồng nghiệp cứ bảo tôi đó là mong ước viển vông. Họ bảo với tôi rằng, Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sở dĩ được UNESCO công nhận bởi nó có lịch sử và hồ sơ lưu truyền, còn dân ca ví, giặm xứ Nghệ thì không. Nhưng tôi khẳng định hồ sơ của dân ca ví, giặm nằm ở trong dân, trong các cuốn sách, trong những ngôn ngữ đời thường... Nghĩ là làm, sau nhiều năm sưu tầm và phát huy, tôi đã đạt được mục đích” NSƯT Hồng Lựu cho biết.

    Buổi tập hát dân ca ở Trung tâm bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ.

    Theo NSƯT Hồng Lựu, dân ca ví, giặm là tiếng nói thực sự của người dân xứ Nghệ. Nó không phải hát để cho hay, mà để tôi rèn cho con cháu về quê hương đất nước, tình mẹ cha, về cách đối nhân xử thế... Cho nên bài hát dân ca Nghệ Tĩnh không có bài hát dài, không có bài hát đơn mà nó là cuộc đối thoại hay và độc đáo. Nó không thể đi xa như các dân ca vùng miền khác nhưng đó là cái giá trị độc đáo riêng. Nó sống được ở tất cả mọi lĩnh vực: Hội, hè, ru con, các nghề thủ công. Nó là phương ngữ riêng của người xứ Nghệ.

    Để gìn giữ di sản văn hóa quý báu của quê hương, ngay từ năm 1993, Hồng Lựu đã nghĩ đến việc truyền dạy dân ca trong trường học. NSND Hồng Lựu đã sưu tầm, tìm các làn điệu dễ hát, phù hợp với lứa tuổi học sinh để dạy cho các em. Không chỉ trường học mà nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập được các câu lạc bộ hát dân ca và dân ca xứ Nghệ đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, trong các tiệc cưới hỏi, lễ tết...

    Khi được Chính phủ đồng ý chủ trương làm hồ sơ dân ca ví, giặm Nghệ An để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, NSND Hồng Lựu lại miệt mài cùng đồng nghiệp rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm, điền giã tới các miền xa xôi, hẻo lánh ở Nghệ An để sưu tầm, tập hợp và gây dựng các câu lạc bộ dân ca, lấy đó làm tư liệu để xây dựng hồ sơ di sản.

    Những cống hiến của NSND Hồng Lựu đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, phong tặng nhiều phần thưởng cao quý như huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Chị cũng là nghệ sỹ đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân ở Nghệ An. Và mới đây, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp Quốc UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vinh dự trên được công bố trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 của ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra từ ngày 24 đến 28/11 tại trụ sở UNESCO tại Paris, Pháp. Thông tin trên khiến nghệ sỹ Hồng Lựu, đồng nghiệp và bà con xứ Nghệ vô cùng tự hào. 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gap-nghe-sy-di-bam-lo-tai-rong-suu-tam-luu-giu-di-san-nhan-loai-a77180.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan