+Aa-
    Zalo

    Gặp người chỉ huy trung đội khai màn trận đánh đồi Độc Lập

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ mãi mãi khắc ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam và tất cả nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

    (ĐSPL) - Sáu mươi năm trôi qua, kể từ ngày Tướng Đờ - Cát đầu hàng Quân đội nhân dân Việt Nam, những nhân chứng trong trận đánh lịch sử dần dần mất đi theo thời gian. Nhưng những ký ức về trận đánh lịch sử đối với người lính già - Thiếu tướng Trần Khoái vẫn mới như ngày hôm qua...
    Trận đánh đồi Độc Lập và ánh mắt của một sỹ quan Pháp
    Tôi đến nhà số 4F, phố Trần Hưng Đạo, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng để tìm gặp người lính già, Thiếu tướng Trần Khoái, người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Rót nước mời tôi, ông nở nụ cười sảng khoái, đưa cánh tay bị thương lên vuốt lại mái tóc trắng như sương trên khuôn mặt phúc hậu đã phủ màu thời gian.
    Ông thổ lộ: "Năm nay kỷ niệm 60 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi và "nhà tôi" được mời đi thăm lại chiến trường xưa. Vẫn biết là rất vui, nhưng buồn cũng nhiều, bởi chiến tranh bao giờ cũng tàn khốc và nhiều mất mát". Trong không khí giữa vui và buồn lẫn lộn, tôi tranh thủ đề nghị ông kể lại cho nghe trận đánh đồi Độc Lập.
    Gặp  người chỉ huy trung đội khai màn trận đánh đồi Độc Lập
    Người chỉ huy trung đội khai màn trận đánh đồi Độc Lập.
    Những ký ức năm xưa bỗng ùa về khiến nét mặt người lính già trở nên nghiêm nghị. Sau vài phút im lặng ông kể: "Trận đánh đồi Độc Lập là trận đánh lịch sử và cũng là trận đánh có nhiều mất mát nhất. (Rồi ông lý giải nói như vậy không có nghĩa là so sánh). Đồi Độc Lập có độ cao trên dưới 100m, xung quanh có nhiều hàng rào dây kẽm gai bao bọc (bốn lớp hàng rào), bên trong xây nhiều lô cốt và chiến hào ngang dọc như bàn cờ. Cứ điểm Điện Biên Phủ được mệnh danh là bất khả xâm phạm. Người Pháp đã từng tuyên bố "Việt Cộng động vào sẽ không có đường ra".
    Lúc đó sư đoàn 312 của ông vinh dự được Bác Hồ và Quân ủy Trung ương trao cho lá cờ quyết chiến, quyết thắng. Đây là một trong những sư đoàn chủ lực mạnh, là lực lượng xung kích trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với nhiệm vụ nổ tiếng súng đầu tiên mở màn cho cuộc chiến Điện Biên Phủ.
    Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn 312 có nhiệm vụ tiêu diệt tiểu đoàn lính Lê Dương và chiến đấu trên đồi Độc Lập. "19h ngày 13 tháng 3 năm 1954, đơn vị của tôi được lệnh xuất kích, 24h cùng ngày các đơn vị trên các hướng đã chiếm lĩnh trận địa sẵn sàng chờ lệnh nổ súng, 0h ngày 14/3, các mũi tiến công được lệnh nổ súng. Tôi cùng một số anh em trong Đại đội 501 thuộc Trung đoàn 165 có nhiệm vụ mở đột phá khẩu mở đường cho lực lượng tiểu đoàn tiến vào đồn tiêu diệt địch", ông Khoái hồi tưởng lại.
    Ông giảng giải, "mở đột phá khẩu" tức là các chiến sỹ phải trực tiếp ôm bộc phá, nhiệm vụ này đòi hỏi sự dũng cảm và dám hy sinh vì khi có tiếng súng nổ địch sẽ bắn trả về hướng có tiếng súng.
    "Trung đội 1 do tôi chỉ huy là trung đội đánh bộc phá có nhiệm vụ đặt bộc phá, đánh phá hàng rào mũi ngói (có hai loại hàng rào, mũi ngói và bùng nhùng), đánh lô cốt đầu cầu mở hàng rào thứ nhất cho lực lượng bộ binh phía sau tiến vào đồn tiêu diệt địch. Sau khi phát hỏa, các lực lượng của địch bên trong bắn ra xối xả, các loại pháo tầm cỡ lớn nhỏ đều đổ dồn vào mục tiêu, những làn mưa đạn pháo không ngớt. Các chiến sỹ của ta lội qua làn đạn của kẻ thù, phá nhiều lớp hàng rào tiến sâu vào hầm địch, phối hợp với mũi tấn công thứ hai, nhằm chia cắt sân bay Điện Biên. Nhiều chiến sỹ của ta hy sinh, tiếng hô át tiếng bom: "Các đồng chí xông lên, nhằm thẳng quân thù mà bắn, các đồng chí hãy trả thù cho chúng tôi".
    Nói đến đây tôi thấy trên đôi mắt của ông đã nhoè lệ. ông Khoái nhớ lại:  "Sau khi tiến vào đánh chiếm đồn địch, quân ta bắt được hai tên lính gốc Phi và một Thiếu uý sỹ quan người pháp. Khi chúng tôi tiến vào, họ vứt súng giơ tay vái lạy và xin tha tội chết. Tôi nhớ mãi ánh mắt xanh của viên sỹ quan Pháp, ánh mắt lo lắng, khiếp sợ tột độ mà tôi khó có thể diễn tả hết được tâm trạng của họ. Với thân hình cao lớn, người lính mắt xanh run sợ trong trước vóc dáng nhỏ bé của bộ đội Việt Nam. Chúng tôi ra hiệu cho họ biết là chúng tôi sẽ không bắn, cũng không đánh, chỉ ra lệnh yêu cầu họ cởi giày và treo giày lên cổ. Hiểu được tín hiệu, họ mừng rỡ vô cùng và ra hiệu hãy trói họ lại, tôi lại ra hiệu không cần...".
    Ông lý giải: "Bắt họ cởi giày ra là họ chịu chết không chạy được, không trốn được. Sau khi tất cả đã tuân thủ chúng tôi trao lại cho những người phía sau và tiếp tục chiến đấu".
    Người này ngã xuống người khác xông lên
    Thiếu tướng Trần Khoái kể tiếp: "Trung đội 1 mở xong hàng rào thứ hai. Lúc đó tôi bị thương vào đùi chân trái. Sau khi băng bó, tôi tiếp tục chỉ huy đơn vị mở tiếp hàng rào thứ ba và bị thương ở tay trái. Trong lửa đạn ác liệt,  rất nhiều chiến sỹ bị thương, không còn bông băng, anh em phải xé quần áo trên người để băng bó vết thương.
    Mặc dù trên người ai cũng đầy vết thương nhưng chúng tôi vẫn kiên cường chiến đấu, người này ngã xuống người khác lại xông lên. Lực lượng của trung đội 1 lúc này còn lại 9 đồng chí, trong đó có 4 đồng chí bị thương sáp nhập vào các trung đội của đại đội tiếp tục chiến đấu. Đến 5h40 ngày 14/4 các đơn vị của trung đoàn ở các hướng đã làm chủ trận địa, tiêu diệt và bắt sống tiểu đoàn Lê Dương của địch. Sau khi kết thúc trận đánh, tôi đi điều trị tại viện Quân y sau đó xin ở lại trạm xá đơn vị, sau 10 ngày điều trị, tôi trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu, cho đến ngày toàn thắng, chấm dứt cuộc chiến tranh của thực dân Pháp ở Việt Nam. Trải qua những thời khắc gian nan nhưng hào hùng của cuộc chiến tranh giữ nước, chúng tôi vừa tự hào vừa vinh dự vì Sư đoàn 312 là sư đoàn nổ tiếng súng mở màn cho chiến dịch, đồng thời cũng là sư đoàn nổ tiếng súng kết thúc Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, bắt sống toàn bộ chỉ huy tham mưu của thực dân Pháp ở cứ điểm Điện Biên Phủ.
    Sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc
    Thiếu tướng Trần Khoái, sinh năm 1932, quê ở Thanh Miện, Hải Dương. Mười bảy tuổi ông tham gia bộ đội, trải qua 5 chiến dịch lớn của đất nước, đó là Chiến dịch Biên giới 1950, Chiến dịch Hòa Bình 1951, Chiến dịch Tây Bắc 1952, Chiến dịch Thượng Lào 1953, Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, với hơn bốn mươi trận đánh lớn nhỏ.
    Xuất phát từ lòng yêu nước của người dân sống dưới chế độ bị áp bức, bị bóc lột nên ông Trần Khoái cũng như đồng đội của mình đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
    Những cử chỉ làm lay động hàng triệu trái tim
    Vừa chứng kiến cảnh đồng đội bị hy sinh, bị thương, mặc dù rất đau đớn và căm phẫn quân địch, vậy mà khi bắt sống được kẻ thù, ông và đồng đội đã ra hiệu cho họ hiểu rằng, họ sẽ không bị đánh, không bị giết, trái lại, còn dành phần nước uống của mình cho ba tù binh đó.
    Cử chỉ cao đẹp đó của anh bộ đội Cụ Hồ có lẽ sẽ mãi mãi là hình ảnh  đẹp đẽ, cao thượng về tình người trong cuộc chiến tranh khốc liệt.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gap-nguoi-chi-huy-trung-doi-khai-man-tran-danh-doi-doc-lap-a30267.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan