+Aa-
    Zalo

    Gặp truyền nhân cuối cùng cầm tinh con Dê của làng gốm Mỹ Thiện

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - 30 năm trôi qua, nữ nghệ nhân tài hoa tuổi Mùi vẫn lặng lẽ vắt từng nắm đất sét, nhào nặn, tạo nên những chiếc bình, chum...

    (ĐSPL) - Dẫu cho bánh xe thời gian phủ lớp bụi mờ lên quá khứ vàng son một thời của làng gốm Mỹ Thiện, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, 30 năm trôi qua, nữ nghệ nhân tài hoa tuổi Mùi vẫn lặng lẽ vắt từng nắm đất sét, nhào nặn, tạo nên những chiếc bình, chum...

    Đặc biệt là khôi phục màu men cổ, thương hiệu một thời của gốm Mỹ Thiện, đốt lên ngọn lửa lò đã tắt hơn 10 năm nay của làng gốm trên 200 tuổi.

    Cái "duyên" với nghề gốm

    Nữ nghệ nhân tài hoa đó chính là chị Phạm Thị Thu Cúc (SN Đinh Mùi - 1967, trú tại khu vực 2, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Qua nhiều con hẻm ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ ở cuối một ngõ hẹp ở thị trấn Châu Ổ của chị. Hôm ấy là ngày xuất lò, anh Đặng Văn Trịnh, chồng chị và những người thợ tất bật chuyển hàng ra cho khách, còn chị Cúc thì mải mê tạo hình với các chum, lọ, ghè... để kịp nung lò gốm mới. Cầm một bình gốm mới ra lò lóng lánh màu đen, anh Trịnh khoe: "Cứ mỗi tháng gia đình xuất một lò, nhưng vẫn không kịp cho khách từ Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Trị... đến lấy hàng, nhiều khách hàng đặt trước hàng tháng nhưng vẫn không có đủ theo yêu cầu".

    Nghệ nhân Phạm Thị Thu Cúc-truyền nhân cuối cùng của làng gốm.

    Là con gái duy nhất trong gia đình, nên ba mẹ muốn chị Cúc đi học để có công việc ổn định thay vì theo nghề gốm của gia đình. Nhưng vì thích khám phá, năm học cấp 2, trưa nào chị Cúc cũng lén ngồi vào bàn xoay của các bà, các chị để tạo hình gốm. Ban đầu, phát hiện "cái con bé láu táu phá phách", các bà mắng mỏ. Sau này, ai cũng đành chịu cái con bé sáng dạ. Sau ba tháng "phá phách", con bé đã tạo hình gốm nhuần nhuyễn. "Nói thiệt, nếu hồi đó tui hổng tò mò thì bây giờ làng gốm này đã hết người biết tạo hình gốm rồi", chị Cúc cười nói.

    Năm chị 18 tuổi, chị tham gia thi nghề tạo hình gốm do địa phương tổ chức. Năm đó, chị đã vượt qua hàng chục nghệ nhân để giành giải nhất. 19 tuổi, chị Cúc kết hôn với anh Trịnh. May mắn là gia đình anh Trịnh cũng theo nghiệp gốm nên chị tiếp tục theo đuổi đam mê. "Tôi có duyên với nghề gốm. Nếu tôi không về làm dâu nhà một gia đình làm gốm, thì tôi đã làm cô giáo rồi", chị Cúc chia sẻ.

    Giữ cho nghề không bị mai một

    Ông Phạm Hậu (83 tuổi), một người kỳ cựu của làng gốm Mỹ Thiện cho biết, ngày trước làng gốm rất sầm uất, nhộn nhịp. Cả làng sống với nghề, nên mỗi năm chỉ làm nghề 6 tháng mùa nắng, nhưng cuộc sống người dân rất sung túc. Sông Trà Bồng ngày đó nước lớn chứ không cạn như bây giờ, hằng ngày luôn có hàng chục chiếc ghe đậu sẵn dọc sông đợi chở hàng. Đến năm 1982, làng gốm Mỹ Thiện thành lập hợp tác xã gốm, hoạt động rất thịnh vượng. Dân làng "vắt chân trên cổ" làm cũng không kịp cho khách đặt mua. Vậy mà được 10 năm, hợp tác xã này giải thể. Nguyên liệu không có, đồ nhựa lên ngôi, thay thế đồ gốm, do vậy, người dân trong làng dần dần bỏ nghề.

    Giống như bao nhiêu gia đình trong làng lò gốm của gia đình chị Cúc cũng tắt lò. Chị Cúc và chồng chuyển qua nghề khác để mưu sinh. Nhưng với lòng đam mê, tâm huyết với gốm, chị Cúc không muốn nghề gốm của làng mai một, chị bàn với chồng tiếp tục duy trì công việc làm gốm để giữ nghề. Dù cuộc sống gia đình lúc đó còn nhiều khó khăn, nhưng anh Trịnh vẫn ủng hộ vợ hết lòng. Nhớ lại khó khăn lúc quay lại với nghề gốm, chị Cúc kể: "Nguyên liệu chính là khó khăn lớn nhất. Tôi và chồng phải ngược xuôi mới mua đủ nguyên liệu. Nếu trước kia củi chỉ cần lên rừng tìm là có thì bây giờ bỏ tiền ra mua với giá cao cũng khó".

    Tiền bạc trong nhà đổ hết vào những mẻ gốm, nhưng gốm làm ra không ai mua. Chị Cúc phải lặn lội đến các tỉnh Đà Nẵng, Gia Lai, Bình Định... để chào hàng. Không phụ công của chị, khi biết đây là gốm của làng Mỹ Thiện thì đơn đặt hàng tìm đến nườm nượp. Bên cạnh các sản phẩm chum, vại... chị Cúc còn tạo thêm các sản phẩm gốm trưng bày để phù hợp với thị trường. "Mỗi thời đại mỗi khác, lúc trước mình làm các sản phẩm để dùng trong nhà. Bây giờ mình làm sản phẩm bán để trưng bày nhưng nó vẫn giữ được đặc trưng của gốm Mỹ Thiện", chị Cúc chia sẻ.

    Dù vất vả nhưng chị vẫn tiếp tục đam mê gắn bó với nghề gốm sứ không biết mệt mỏi, ngay cả những lúc gặp khó khăn, tưởng chừng phải từ bỏ nghề. Chị Cúc nhớ lại, cơn bão số 9 năm 2009 đã quật nát lò nung gốm khiến chị gần như trắng tay. Không chịu thua, vợ chồng chị chạy vạy, vay mượn vốn để xây dựng lại lò nung. Năm 2010, lò gốm đã dần dần ổn định, chị lại cùng chồng tìm cách khôi phục lại màu men cổ, thương hiệu một thời của gốm Mỹ Thiện. Để tạo được nước men cổ, vợ chồng chị lặn lội đến các ngọn núi ở Bình Sơn để thu nhặt các loại đá, sau đó về ngâm, xay ra để tạo men cho sản phẩm. "Tạo được men cổ là việc rất khó, lúc phối màu nó là màu khác nhưng khi nung ra nó lại mang một màu khác hẳn. Sau nhiều lần thất bại, tôi biết được nhiệt độ chính là nguyên nhân làm men đổi màu", chị Cúc cho biết.

    Sau một thời gian dài bị lãng quên, những hồi ức vang bóng một thời của người thợ làm gốm Mỹ Thiện lại được đánh thức bằng bàn tay tài hoa của chị Cúc. Ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến lò gốm của chị, chị Cúc được mời đi truyền nghề khắp nơi như Đà Lạt, Đà Nẵng, Hà Nội... Cuộc triển lãm bộ sưu tập gốm Mỹ Thiện - Châu Ổ được tổ chức tại bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, chính là cái mốc đánh dấu sự trở lại của làng gốm Mỹ Thiện.

    Nỗi niềm nghệ nhân

    Qua nhiều thăng trầm, sản phẩm gốm Mỹ Thiện vẫn hiện diện và được thị trường chấp nhận nhưng bên cạnh niềm vui giữ được nghề, chị Cúc vẫn đau đáu nỗi niềm: "Nhiều người gọi tui là nghệ nhân, là người thợ gốm cuối cùng của làng Mỹ Thiện. Tuy nhiên, khi nghe như vậy, tui buồn quá! Chẳng lẽ sau tui, không còn ai ở đây tiếp tục làm nghề gốm nữa hay sao?".

    Chị tâm sự: "Gốm Mỹ Thiện giờ đã qua cơn bĩ cực, nhưng chưa thể hồi sinh. Điều tôi trăn trở là những bậc cao niên của làng nghề theo thời gian, giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Còn lớp trẻ bây giờ không còn mấy ai mặn mà với cái nghiệp của tổ tiên nên không có hậu nhân để truyền nghề, sợ sau này cái nghiệp của ông cha không gìn giữ được. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu chính là đất sét lại khó mua, chỉ mong chính quyền cấp giấy phép cho chúng tôi được mua đất để bảo tồn nghề truyền thống của cha ông".

    Cũng theo chị Cúc, gốm Mỹ Thiện không phải vì kém chất lượng mà không có chỗ đứng trên thị trường, nguyên nhân chính là do khâu quảng bá sản phẩm cũng như việc mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ, đào tạo truyền nghề. Sản phẩm từ gốm tuy không tiện dụng bằng những vật dụng sản xuất từ nhựa nhưng lại đẹp, bền chắc, không độc hại với người tiêu dùng.

    Những hồi ức vang bóng một thời của làng gốm Mỹ Thiện bây giờ được lưu giữ bởi người phụ nữ hết lòng vì nghề. Giờ đây, ngày ngày người thợ gốm này vẫn âm thầm làm và sống với nghề, giữ lửa cho làng, đợi một ngày nào đó ngọn lửa nghề gốm Mỹ Thiện sẽ bùng lên.

    Đang xây dựng kế hoạch phục hồi làng nghề gốm Mỹ Thiện

    TS. Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi cho biết: "Mỹ Thiện là một trong những làng nghề gốm nổi tiếng ở miền Trung, được khai lập từ cuối thế kỷ thứ 18. Nhưng làng nghề gốm này hiện chỉ còn mình nghệ nhân Phạm Thị Thu Cúc còn giữ nghề. Đây là "nguồn vốn" đáng trân trọng, cần tiếp tục phát huy. Bảo tàng chúng tôi đã kiến nghị cấp trên nên có giải pháp phục hồi làng nghề này ở một mức độ nhất định nào đó, bởi vì, đây là một nghề truyền thống của địa phương".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gap-truyen-nhan-cuoi-cung-cam-tinh-con-de-cua-lang-gom-my-thien-a84129.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
     Gốm tâm linh - thú chơi mới “lên ngôi”

    Gốm tâm linh - thú chơi mới “lên ngôi”

    (ĐS&PL) - Sưu tập gốm cổ và lựa chọn cho gia đình những bộ đồ gốm sứ từ ngàn xưa đã trở thành nét văn hoá tao nhã không thể thiếu trong đời sống văn hoá người Việt.