Gãy giàn giáo công trình, 2 công nhân tử vong


Thứ 2, 10/07/2017 | 07:12


Cùng sự kiện

Trong quá trình thi công, cột gỗ bắc ngang giàn giáo của công trình bất ngờ bị gãy khiến hai công nhân tử vong.

Trong quá trình thi công, cột gỗ bắc ngang giàn giáo của công trình bất ngờ bị gãy khiến hai công nhân tử vong.

Báo Dân trí dẫn nguồn tin từ tỉnh Quảng Ninh sáng ngày 10/7 cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh đang phối hợp, tiến hành điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn TP Móng Cái khiến hai thợ xây tử vong.

Nạn nhân gồm anh Hoàng Văn T. và anh Đỗ Văn H. (cùng ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), là thợ cả và thợ phụ của một công trình xây dựng tại số nhà 39 đường Vườn Trầu, khu 3 phường Trần Phú, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.

Hiện trường xảy ra vụ việc. Ảnh: Báo Thanh niên

Theo báo Công an nhân dân, vào khoảng 17h30 ngày 8/7, anh T. và anh H. lên tầng bắc giàn giáo chuẩn bị cho việc trát mặt ngoài tường thì bất ngờ một cột gỗ ngang của giàn giáo bị gãy làm 2 người ngã xuống đất.

Ngay sau đó, 2 nạn nhân đã được người dân đưa tới Trung tâm y tế thành phố Móng Cái để cấp cứu. Theo chẩn đoán, 2 thợ xây bị gẫy xương sườn, nội tạng bị dập, mất máu nhiều, tuy nhiên, đến ngày 9/7 cả 2 đã tử vong.

Sau khi nhận được tin báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh (PC44) đã phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ninh tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.

Được biết, đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng thứ 2 liên quan đến vấn đề an toàn trong các công trình xây dựng xảy ra trên địa bàn tỉnh, báo Lao Động thông tin thêm. Trước đó, chiều 31/5, một vận thang tại một công trình xây dựng trên địa bàn thành phố bất ngờ rơi từ tầng cao công trình xuống khiến 7 người bị thương.

Điều 43. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động (Bộ luật Bảo hiểm xã hội năm 2014)

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Bộ luật Lao Động năm 2012)

1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gay-gian-giao-cong-trinh-2-cong-nhan-tu-vong-a195718.html