+Aa-
    Zalo

    Giả bố mẹ, anh em để bán nội tạng và bài toán nan giải

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu không có các chính sách, cơ chế phát triển, tuyên truyền và thay đổi nhận thức của người dân thì bài toán về khan hiếm nguồn nội tạng vẫn tiếp diễn?

    (ĐSPL) - Mặc dù trung tâm điều phối quốc gia về cấy ghép mô tạng được thành lập và có chức năng tổ chức thực hiện việc điều phối về hiến, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người giữa các ngân hàng mô và các cơ sở y tế trong phạm vi cả nước nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu không có các chính sách, cơ chế phát triển, tuyên truyền và thay đổi nhận thức của người dân thì bài toán về khan hiếm nguồn nội tạng vẫn tiếp diễn?

    >> Thế lực ngầm nào thao túng “thị trường đen” bán thận?

    >> Giật mình chiêu làm tiền của cò nội tạng "ký sinh" bệnh viện

    >> Thâm nhập bóc mẽ chiêu trò buôn bán nội tạng người

    Bước cản mang tên: Thủ tục rườm rà

    Không thể phủ nhận những thành tựu đạt được của nền y học Việt Nam thời gian vừa qua, đặc biệt là trong lĩnh vực cấy, ghép mô tạng. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có khoảng 13 bệnh viện, cơ sở y tế được phép và có đủ các điều kiện ghép mô, bộ phận cơ thể người. Kể từ khi ca ghép thận thành công đầu tiên tại bệnh viện 103 vào năm 1992 đến nay đã có hơn 800 người được ghép thận từ người cho sống và 46 người được ghép thận từ người chết não, 41 người được ghép gan, 8 ca ghép tim từ người chết não.

    Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với con số 6.000 người đang chờ được ghép thận, hơn 1.500 người được chỉ định ghép gan và hàng trăm người đang mong ngóng cơ hội sớm được ghép tim để duy trì cuộc sống hiện tại.

    Giả bố mẹ, anh em để bán nội tạng và bài toán nan giải...
    Giả bố mẹ, anh em để bán nội tạng và bài toán nan giải...

    Nhìn nhận về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng bộ Y tế khẳng định, hiện nay khả năng kỹ thuật của đội ngũ bác sỹ tốt, nhu cầu cần ghép nhiều, nhưng số lượng những ca ghép tạng vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân về việc hiến tạng vẫn còn nhiều rào cản. Phong trào tự nguyện hiến xác sau khi chết được rất nhiều người hưởng ứng, tuy nhiên việc hiến tạng để ghép tạng hầu như chưa có trường hợp nào. Bên cạnh đó, việc hiến tạng từ người cho chết não vẫn còn rất ít, trong khi Việt Nam có rất nhiều nguồn cung tiềm năng. Để khắc phục hiện tượng trên, thời gian tới Bộ sẽ thúc đẩy để sớm thành lập Hội vận động hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người để công tác vận động được tốt hơn.

    Tương tự, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết, mỗi năm tại bệnh viện có khoảng 1.000 người chết não, nhưng số người hiến bộ phận cơ thể người rất ít. Những năm qua, nhờ vào sự vận động tuyên truyền của các y bác sỹ, nhưng trong vòng 4 năm gần đây mới có 14 người hiến tạng cho y học. Trong khi đó, số bệnh nhân đăng ký chờ ghép tạng ngày một nhiều thêm. Hiện nay, tại bệnh viện Việt Đức, số người nằm chờ ghép tạng đã lên tới hàng trăm người nhưng không có nguồn để ghép, đây vừa là khó khăn cần khắc phục đồng thời vừa là điều kiện tạo đà cho nền y học nước nhà phát triển.

    Đối với các cơ chế, chính sách vĩ mô là vậy nhưng không thể phủ nhận ngay tại các cơ sở y tế, bệnh viện công tác hướng dẫn, tư vấn về nhu cầu cấy, ghép mô tạng diễn ra chưa thật tốt, thoả đáng. Anh Nguyễn Hữu Thành (trú tại huyện Ứng Hoà, Hà Nội) phản ánh: “Cách đây hơn 1 tháng, tôi tìm đến khoa Thận - Lọc máu (bệnh viện Việt Đức) để tìm hiểu thông tin, đăng ký ghép thận cho người thân. Khi gặp nhân viên y tế ở khoa này, họ hỏi tên tuổi, địa chỉ bệnh nhân rồi hướng dẫn ra khu C2 (cách khoa Thận - Lọc máu chừng 100 -  200m) nộp 30.000 đồng tiền tư vấn.

    Chưa kịp vui mừng, khi quay lại gặp nhân viên y tế ở đây, tôi bị “sốc” khi được hỏi ai là người cho, người nhận, có bố mẹ, anh chị em ruột đi theo không? Nếu có thì quay lại khu nộp tiền vừa nãy nộp 200.000 đồng tư vấn, giải đáp về cấy, ghép thận. Nếu không có thì lấy số điện thoại, khi nào đến alo trước cho đỡ mất công đi lại. “Điều kỳ lạ ở chỗ, tôi đã phải nộp 30.000 đồng tiền tư vấn rồi sao họ lại bảo đi nộp thêm 200.000 đồng nữa mới được tư vấn, cách thức lựa chọn, ghép thận ra sao? Và tại sao lại có khoản thu này?”.

    Anh Trần Minh Hiền (có người nhà đi ghép thận ở Trung Quốc) cho hay: “Trước đây tôi cũng đến bệnh viện Việt Đức để đăng ký ghép thận cho người nhà của mình. Trải qua hàng loạt các thủ tục tư vấn, đăng ký tên tuổi, địa chỉ, làm hết các xét nghiệm ở viện Huyết học truyền máu Trung ương, bệnh viện Bạch Mai nhưng đợi mãi không được ghép. Sau này, qua mối quen biết, tôi đã đưa người nhà sang Trung Quốc ghép thận, mặc dù chi phí đắt hơn rất nhiều nhưng được cái, mọi thủ tục giấy tờ không lằng nhằng”.

    Cần có chính sách hỗ trợ người ghép tạng

    Trước thông tin cò ghép nội tạng ngang nhiên hoạt động, chèo kéo bệnh nhân khu vực bệnh viện Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện khẳng định: “Bệnh viện chỉ làm công tác chuyên môn và chịu trách nhiệm về những vấn đề liên quan xảy ra ở trong phạm vi của bệnh viện. Những vụ việc, tình trạng “cò mồi” lai dẫn, chặt chém người bệnh, chúng tôi có biết nhưng không thể làm mà phải nhờ các cơ quan chức năng, các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc để bảo vệ người dân.

    Từ trước đến nay, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền, thậm chí là kết hợp với lực lượng công an phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để đẩy mạnh cảnh báo những trường hợp nghi vấn, những đối tượng hoạt động phạm pháp, chuyên đứng ra lừa đảo, nhận đầu mối khám chữa bệnh để người dân biết, nâng cao cảnh giác và phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra”.

    Riêng về công tác chuyên môn, bệnh viện làm chuẩn, chặt chẽ đúng luật, đúng các quy định của Nhà nước. Do nhu cầu hiện nay về nguồn tạng tương đối lớn; thận có gần chục nghìn trường hợp; gan, tim cũng lên tới hơn nghìn người có nhu cầu nhưng mỗi năm bệnh viện cũng chỉ thực hiện được khoảng hơn 30 ca ghép thận; gan và tim thì cực kỳ hiếm.

    Đến nay mới có 20 ca được ghép gan thành công (trong đó 17 trường hợp người cho chết, còn 3 người cho sống nhưng nguồn nội tạng này đều do người nhà cho nhau). Cũng theo PGS.TS Quyết, bên cạnh những thành công y học hiện đại nhưng trong thời gian qua một số thông tin không chính xác khiến người dân, bệnh viện bức xúc, do vậy văn bản luật và các văn bản dưới luật ra đời, quy định chặt chẽ về lĩnh vực cấy ghép mô tạng, cơ thể người là rất thoả đáng.

    Theo quy định, ai có nhu cầu nhận cấy, ghép hoặc cho tạng đều có thể đến đăng ký tại trung tâm tư vấn ghép tạng và khoa Thận - Lọc máu. Trường hợp cha mẹ cho con thì hoàn toàn không có vấn đề gì, tuy nhiên nếu là hai người lạ thì người ta phải làm các xét nghiệm để xem có các chỉ số tương đồng gần giống nhau hay không thì mới tư vấn ghép và làm các thủ tục theo quy định. Trong đó, người cho phải khoẻ mạnh; Phải có đơn tình nguyện hiến; Phải có gia đình như bố mẹ, vợ (chồng) ký đồng ý hiến, cho và cuối cùng, phải có dấu xác nhận của công an xã, huyện về địa chỉ, nơi cư trú là đúng.

    Mặc dù quy định là vậy, nhưng trên thực tế có những trường hợp chứng kiến thấy rất cay đắng. Cách đây không lâu có trường hợp trẻ tuổi chạy thận nhân tạo khiến cho tay chân phồng hết, bắt buộc phải ghép thận nếu không họ sẽ chết. Thế nhưng, do phải tuân thủ các quy định nên họ đành phải chọn giải pháp đưa cả người cho, người nhận sang nước ngoài để ghép với mức giá lên tới hàng tỷ đồng, điều này vừa lãng phí tiền của của Nhà nước, trong khi đó thì tại Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được một cách thông thường. Do vậy, ngoài các quy định của pháp luật cũng rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ, trợ giúp người ghép một cách hài hoà, phù hợp với thực tế xã hội.

    Đã phát hiện nhiều trường hợp đưa bố mẹ, anh em giả để ghép thận

    PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, để “lách luật” đã có một số trường hợp đưa giả bố mẹ, anh em đến bệnh viện làm các thủ tục ghép thận. Thậm chí, còn có trường hợp tự nhận nhau là anh em nuôi và có dấu chứng nhận của công an xã, huyện đầy đủ. Tuy nhiên, qua xác minh thông tin, phía bệnh viện đã phát hiện và dừng ghép đối với những trường hợp không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định. Mặc dù vậy, việc xác định, nhận biết dấu nào là thật, dấu nào là giả sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, bệnh viện chỉ có thể sàng lọc tối đa để phát hiện những trường hợp cố tình vi phạm.

    Quỳnh Chi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-bo-me-anh-em-de-ban-noi-tang-va-bai-toan-nan-giai-a22296.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Báo động tình trạng buôn lậu nội tạng bẩn

    Báo động tình trạng buôn lậu nội tạng bẩn

    Nhiều người dân ở Lạng Sơn khẳng định họ không bao giờ ăn thực phẩm nhập từ bên kia biên giới. Như vậy, thực phẩm bẩn không được tiêu thụ ở Lạng Sơn mà "hành quân" xuôi về các thành phố lớn mà Hà Nội chắc chắn là điểm tập trung đông nhất. Sở dĩ khẳng định như vậy là bởi lực lượng chức năng thường xuyên phát hiện các vụ vận chuyển, buôn lậu nội tạng ở ngay cửa ngõ phía Nam Thủ đô.