+Aa-
    Zalo

    Gia cảnh ngặt nghèo của người cựu chiến binh mù lòa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sự đời không ai ngờ, trong phút chốc, gia cảnh của người cựu chiến binh bỗng rơi vào cùng cực, không nhà ở, không đất đai, đôi mắt cũng vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng...

    (ĐSPL) - Với mong ước thoát khỏi cảnh nghèo đói, thiếu thốn, ông Vinh cùng gia đình di cư lên vùng đất mới lập nghiệp. Nhưng sự đời không ai ngờ, trong phút chốc, gia cảnh của người cựu chiến binh lại rơi vào cùng cực không nhà, không đất, đôi mắt cũng vĩnh viễn chìm trong bóng tối sau một tai nạn bất ngờ.

    Đó là hoàn cảnh đầy thương tâm của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Trung Vinh (SN 1963), ở thôn EaBi, xã DliêYa, huyện Krông Năng (Đắk Lắk). Trong căn nhà xập xệ, chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc chiếu đã sờn kiêm luôn “nhiệm vụ” làm bàn ghế cùng một vài món đồ gia dụng cũ kĩ. Tiếng là nhà nhưng thực chất đây chỉ là chòi canh rẫy cà phê của một hộ trong thôn thương tình cho vợ chồng ông ở tạm.

    Tiếp trong chúng tôi trong căn nhà sập sệ rộng chừng 10m2, ông Vinh buồn râu nói “Mấy năm trời lăn lộn trong hòn tên mũi đạn thì không hề hấn chi, khi trở về lại thành phế nhân vô tích sự, cả đời mơ ước có mảnh đất, mảnh vườn sao lại khó lòng với mình vậy, cái số tui đúng trời đày...”.

    Gia cảnh ngặt nghèo của người cựu chiến binh mù lòa
    Cựu chiến binh Nguyễn Trung Vinh cùng vợ và con bên căn nhà tạm

    Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước chiến tranh, cũng như bao bạn bè đồng trang lứa, chàng trai Nguyễn Trung Vinh, trú tại xã Quế Bình, huyên Hiệp Đức (Quảng Nam) đã nộp đơn nhập ngũ đi theo tiếng gọi thiên liêng của Tổ quốc. Tháng 11/1981, ông Vinh trở thành chiến sỹ của Đoàn 556, Quân khu 5, sau đó sang chiến đấu tại chiến trường K. Sau bao năm xông pha mưa bom bão đạn, tháng 7/1985, ông Vinh phục viên trở về quê.

    Trở về quê hương với hai bàn tay trắng, năm 1987, anh lính cụ Hồ Nguyễn Trung Vinh đã cảm mến và nên duyên vợ chồng cùng chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1970), người cùng quê. Sau 3 năm sinh sống, 3 đứa con là Nguyễn Thị Lệ Hương (SN 1990), Nguyễn Thị Thanh Thanh (SN 1995) và Nguyễn Trường Phước Lộc (SN 2007) lần lượt ra đời.

    Cuộc sống nơi vùng quê đất cằn sỏi đá vốn đã khó khăn, thiếu thốn, nay để lo cho 5 miệng ăn, anh chị phải quanh năm đầu tắt mặt tối, nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Năm 2009, với hy vọng mong thoát nghèo, vợ chồng ông Vinh quyết định khăn gói cả gia đình di cư lên Đắk Lắk. Mới đầu, để kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày và chi phí học hành cho các con, chị Hạnh nhận các việc làm thuê, còn anh Vinh bươn chải nghề ve chai. Xa quê với ước mơ lập nghiệp lâu dài, anh chị bụng dạ bảo nhau tằn tiện gom góp mua lấy ít sào cà phê để ổn định cuộc sống, lo cho con cái có cái ăn, cái mặc.

    Nhưng người tính không bằng trời tính, năm 2011, trong một lần đi gom ve chai, ông Vinh không may bị tai nạn giao thông, khiến con mắt bên phải vĩnh viễn chìm trong bóng tối. Bất hạnh nối tiếp bất hạnh, 3 năm sau tai họa lại tiếp tục giáng xuống, đầu năm 2014, mắt trái ông Vinh có vấn đề. Sau 3 tháng điều trị tại Khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, bệnh tình của ông không thuyên giảm, ngược lại còn trầm trọng hơn khi mắt trái đã bị “loét giác mạc, mủ máu toàn phần”. Lực bất tòng tâm, các y, bác sĩ buộc lòng phải phẫu thuật múc nội nhãn.

    Vậy là hết, chút ánh sáng cuối cùng còn sót lại của người CCB cũng đã vụt tắt. Giờ đây, gánh nặng gia đình càng như trĩu xuống trên đôi vai gầy của người vợ khi người trụ cột gia đình mất đi khả năng lao động, trở thành người tàn tật. Một mình người phụ nữ ngoại tứ tuần phải bơn chải, lo cho năm miệng ăn trong nhà.

    Ngăn vội những giọt nước mắt đang chực lăn trên khuôn mặt khắc khổ, sạm nắng của mình, bà Hạnh ngậm ngùi: “Lỡ không may tui có mệnh hệ chi, thì ông ấy không biết sẽ sống ra sao, ngoài cháu Hương đã yên bề với chồng con, còn hai chị em cái Thanh và út Lộc chắc đành phải dở dang chuyện học hành...”.

    Chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Vinh, ông Đặng Thế Long, Bí thư Chi bộ thôn EaBi cho biết: “Gia đình ông Vinh không những chỉ là hộ nghèo mà còn thuộc vào diện hết sức khó khăn, đất ở và đất sản xuất  không có. Từ khi ông Vinh bị mù lòa, mọi gánh nặng trong gia đình trút lên vai bà Hạnh. Lâu nay, chính quyền, các đơn vị ban ngành địa phương cũng đã có sự hỗ trợ, nhưng DliêYa là một xã nghèo, nên sự giúp đỡ cũng chẳng thấm vào đâu...”.

    Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm, đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về:

    - Bà Nguyễn Thị Hạnh (vợ ông Vinh)

    Thôn EaBi, xã DliêYa, huyện Krông Năng (Đắk Lắk)

    SĐT: 01687560852

    - Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung:

    Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh - Nghệ An; ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010;

    Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-canh-ngat-ngheo-cua-nguoi-cuu-chien-binh-mu-loa-a51712.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan