Gia cảnh thương tâm của người lính Trường Sa


Thứ 5, 19/06/2014 | 10:22


(ĐSPL) - “Bố nó đi biền biệt, tết cũng không về, nhà toàn đàn bà, có mỗi thằng cháu đích tôn duy nhất nó lại bị câm”. Giọng bà Bình chùng xuống, nghẹn ngào nhìn ba đứa cháu.

(ĐSPL) - “Bố nó đi biền biệt, tết cũng không về, nhà toàn đàn bà, có mỗi thằng cháu đích tôn duy nhất nó lại bị câm”. Giọng bà Bình chùng xuống, nghẹn ngào nhìn ba đứa cháu.
Cháu Đặng Đình Trường sinh năm 2005 là con trai duy nhất của chiến sĩ Đặng Đình Hùng, đang làm nhiệm vụ tại đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa. Mắc căn bệnh bại não từ khi năm 2 tuổi, gia cảnh khó khăn, không có tiền chữa bệnh, nhiều năm qua em âm thầm sống chung với bệnh tật.
Đau lòng mẹ phải xích con
Chúng tôi tìm đến gia đình bà Vũ Thị Bình (61 tuổi) ở xóm Lầy xã Vân Phúc, (Phúc Thọ, Hà Nội) vào một buổi trưa hè. Trong ngôi nhà cấp bốn sơ sài, bữa cơm muộn chỉ có canh rau với cà…Thấy có khách lạ, bà Bình buông vội bát cơm, không quên nhắc các cháu cố ăn cho xong bữa.
Bên ấm trà nguội, bà Bình rót nước, phe phẩy chiếc quạt nan quạt cho khách. Khi nghe chúng tôi hỏi chuyện về hoàn cảnh gia đình, giọng bà trùng xuống, mắt trân trân nhìn vào 3 đứa cháu. Bà bảo: “Bố nó đi biền biệt, tết cũng không về, nhà toàn đàn bà, có mỗi thằng cháu đích tôn duy nhất nó lại bị câm”.
Tin tức - Gia cảnh thương tâm của người lính Trường Sa
             Gia đình chị Nguyệt đang rất cần sự chung tay sẻ chia của cộng đồng.
Bà Bình có tất cả 3 người con trai, trong đó người con trai thứ là anh Đặng Đình Hùng, sinh năm 1975, đang làm nhiệm vụ tại đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa. Ngày chồng mất, bà nuốt nước mắt vào lòng, không dám thông báo với con trai vì sợ ảnh hưởng đến nhiệm vụ của con.
Khuôn mặt khắc khổ, bế theo đứa con trai đang giãy giụa trên tay, chị Phùng Thị Bích Nguyệt, sinh năm 1981 (vợ anh Hùng) vừa trầm ngâm, vừa lặng lẽ. Chiếc khăn mùi xoa vẫn quấn ngang đầu, chị Nguyệt bảo: “Bữa ăn nào hai mẹ con cũng kết thúc muộn nhất, cháu 9 tuổi rồi đấy, nhưng bữa ăn nào cũng vất vả thế đấy chú ạ”.
Năm 2002, chị Nguyệt kết duyên cùng anh Đặng Đình Hùng và sinh được 3 cháu là Đặng Đình Trường sinh năm 2005, Đặng Thị Khánh Hoà sinh năm 2007 và Đặng Thị Thanh sinh năm 2011.
Trong số 3 người con của chị, có đến 2 cháu là Trường và Hoà trí tuệ không được minh mẫn. Đặc biệt cháu Trường bị câm và bại não nhiều năm nay không có tiền chạy chữa. Suốt 9 năm qua, Trường không được đi học như các bạn bởi bạo bệnh, tuổi thơ của em gắn liền với sợi dây xích lòng thòng, ám ảnh.
Chị Nguyệt kể, lúc mới lọt lòng, các cháu vẫn khoẻ mạnh, bình thường, nhưng đến năm 2 tuổi cháu bị sốt rồi bệnh cứ thế phát, gia đình cũng cố gắng chạy vạy đưa đi chữa trị một số nơi nhưng bệnh tình không tiến triển.
Cháu Hà may mắn hơn người anh của mình, được đến trường, nhưng em không được nhanh nhẹn như chúng bạn, đi đâu cũng phải có người kèm cặp.
Chồng đi làm nhiệm vụ nơi đảo xa, nhà chỉ có 3 sào ruộng, hết trồng lúa lại đan xen trồng ngô, ở nhà mọi việc đều do chị Nguyệt cáng đáng vừa gồng gánh nuôi 3 con nhỏ lại phải trông nom mẹ và cụ cố ốm đau, bệnh tật.
Thương nhất là cháu Trường, Trường vừa bị câm, vừa mắc phải căn bệnh bại não, mỗi khi lơ là, cháu lại chạy sang nhà hàng xóm, quậy phá, có những hôm cháu chạy ra ngoài, đi lang thang ra khỏi làng, chị phải huy động cả hàng xóm đi tìm giúp.
Đứa con câm của người lính nơi đảo xa
Chị Phùng Thị Bích Nguyệt: “Tình cảm vợ chồng có thể thiếu thốn nhưng chị vẫn luôn tự hào vì chồng mình làm nhiệm vụ cho quê hương, cho Tổ quốc”.
Biết bệnh tình của cháu như vậy, mọi người nhắc nhở, khuyên chị nên nhốt con lại. Không còn cách nào khác, chị phải mua một dợi dây xích, dùng chính sợi dây xích, xích chân con lại để tranh thủ đi làm. “Đau đớn lắm, nhưng không xích thì cháu lại chạy đi lung tung, khổ tất cả mọi người”. Chị Nguyệt nói, ngân ngấn nước mắt.
Xem tivi … cả nhà khóc
Gia đình bà Bình thuộc diện hộ nghèo, bốn đời nay vẫn bám vào đồng ruộng. Con trai bà Bình là Đặng Đình Hùng đi lính nghĩa vụ từ năm 1997. Trước khi ra đảo làm nhiệm vụ, anh Hùng công tác tại Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 146/V4 Hải quân.
Vì làm nhiệm vụ ngoài đảo nên phải 3 năm anh Bình mới được về phép một lần. Khoảng thời gian nghỉ phép ngắn ngủi đó là những giấy phút gia đình vui nhất, hạnh phúc nhất, ấm cúng nhất.
Chị Nguyệt tâm sự, cả 3 đứa con sinh ra, chồng đều không có mặt ở nhà. Ngày con lên cơn sốt, ôm đau dặt dẹo, chị cũng phải khóc thầm giấu chồng vì sợ anh lo lắng. “Rất nhớ chồng, nhớ lắm nhưng cố gắng chịu đựng để động viên chồng yên tâm công tác”. Chị nói, rồi bật khóc nức nở.
Ngày  mới nhận nhiệm vụ nơi đảo xa, hàng tuần anh Hùng đều viết thư về chia sẻ, thăm hỏi gia đình, thăm sức khoẻ của bố mẹ, ông bà. Mỗi lần đọc thư, chị lại không kìm nén được lòng, khoé mắt cay cay, thao thức vì nỗi nhớ chồng, thương con. Những lần chồng chậm viết thư, lòng chị lại thổn thức đầy nỗi trống vắng.
Đã có những lúc chị Nguyệt chị vì nhớ chồng da diết mà giận hờn trách móc: “Gia đình người ta, chồng con sum họp đề huề, mình thiếu thốn nghĩ cũng tủi” nhưng rồi chị lại tự trấn an mình: “Tình cảm vợ chồng có thể thiếu thốn nhưng chị vẫn luôn tự hào vì chồng mình làm nhiệm vụ cho quê hương, cho Tổ quốc”. Chính điều đó đã thôi thúc chị vững tâm vươn lên, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Chị Nguyệt chia sẻ, trước đây, chưa có chuyện  Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở vùng biển của Việt Nam, chồng chị ngày nào cũng điện về hỏi thăm gia đình. Từ ngày biết thông tin tàu của Trung Quốc xâm chiếm biển Việt Nam, chồng chị ít liên lạc hơn. “Đã 4 ngày nay không được nghe giọng nói của chồng cả gia đình lo lắng, bồn chồn”, chị nóng ruột.
Nhắc đến đứa cháu đang nhận nhiệm vụ nơi Trường Sa, cụ Cao Thị Luận (89 tuổi), bà nội anh Hùng chỉ biết khóc nghèn ngào. “Mỗi lần mở tivi thấy nhắc tới Trung Quốc chiếm đóng ở biển của Việt Nam là lại nghĩ đến cảnh cháu ở ngoài đảo, thương lắm”, cụ Luận mếu máo.
Đứa con câm của người lính nơi đảo xa
                  Bà Cao Thị Luận buồn tủi khi nghĩ về hoàn cảnh của gia đình.
Mơ một tiếng gọi mẹ
Ôm đứa con trai vào lòng, chị Nguyệt rầu dĩ: “Nếu cháu biết nói, biết học hành thì gia đình cũng đỡ tủi, đằng này…”.
Suốt 9 năm qua, chị Nguyệt vẫn thầm ước có một ngày con trai cất tiếng gọi mẹ, nhưng chị đã làm đủ mọi cách, chị cào, cắn, thậm chí đánh vào người con để cháu cất nên lời nhưng bé Trường vẫn hoàn toàn cầm lặng.  “Cháu đến nay được 9 tuổi nhưng  không nhận thức được, cho gì thì ăn đấy, việc ăn uống sinh hoạt hằng ngày đều phải có người kèm cặp”. Người mẹ dường như bất lực trước bệnh lạ của con.
Đôi chân bị xích vào một chiếc cột, Trường ngồi thu mình lại, hướng ánh mắt ngơ ngác nhìn chúng tôi cười ngây ngây dại dại.
Trường lấy bàn tay nhỏ thó, đen đúa đưa lên mồm ú ớ như một  ký hiệu. Hiểu cháu, bà Bình lại vội vã đi lấy nước rồi ôm cháu vào lòng, nhoè nhoẹt nước mát, giọng đứt quãng “Chỉ mong cháu nói được”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đời sống Pháp luật, ông Đặng Văn Kiều, Chủ tịch xã Vân Phúc cho biết: “Gia đình bà Vũ Thị Bình nằm trong danh sách hộ nghèo, có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Đặc biệt cháu Đặng Đình Trường, con trai của chiến sĩ Đặng Đình Hùng đang làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa bị bệnh tật đã nhiều năm nay, không chữa khỏi được.
Hàng tháng, chính quyền xã, hội phụ nữ cũng đều tổ chức vận động để quyên góp chia sẻ với gia đình. Tôi cũng mong muốn các nhà hảo tâm, các bác sĩ, các nhà khoa học tìm ra được căn nguyên bệnh cho cháu Trường.
Độc giả có lòng hảo tâm, muốn giúp đỡ gia cảnh của người lính Trường Sa Đặng Đình Hùng, xin vui lòng liên hệ theo địa chỉ: chị Phùng Thị Bích Nguyệt, cụm 6, xóm Lầy, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. ĐT: 01643245527.
Hoặc: Tòa soạn Đời sống và Pháp luật Online, Tầng 4, Tòa tháp Ngôi Sao - Star Tower, Phố Dương Đình Nghệ - Phường Yên Hòa - Quận Cầu Giấy - Hà Nội. Điện thoại: 04.62810837. Hotline: 0942 368 555.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-canh-thuong-tam-cua-nguoi-linh-truong-sa-a37438.html