+Aa-
    Zalo

    Giá điện đã tăng, vì sao EVN vẫn lỗ 28.700 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm?

    (ĐS&PL) - Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, 8 tháng qua, số lỗ của EVN dự kiến là hơn 28.700 tỷ đồng.

    Báo Vietnamnet đưa tin, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu.

    gia dien da tang vi sao evn van lo 28 700 ty dong 8 thang dau nam
     8 tháng qua, EVN lỗ hơn 28.700 tỷ đồng.

    Tại báo cáo này, Ủy ban Quản lý vốn cho biết, số lỗ 6 tháng năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 35.400 tỷ đồng. Còn tính trong 8 tháng năm 2023, số lỗ của EVN dự kiến là hơn 28.700 tỷ đồng.

    Năm 2022, EVN lỗ nặng 26.500 tỷ đồng, chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá.

    Như vậy, tính chung số lỗ năm 2022 và 8 tháng năm 2023, công ty mẹ EVN đã lỗ tổng cộng khoảng trên 55.000 tỷ đồng. 

    Đầu năm 2023, EVN dự báo tình hình tài chính năm nay của Tập đoàn u ám hơn năm trước rất nhiều. Theo những tính toán khi đó, năm 2023, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ ở mức 1.854,44 đồng/kWh.

    Trong đó, 6 tháng đầu năm EVN dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỷ đồng.

    Theo đại diện EVN, việc tăng giá điện từ ngày 4/5 lên 1.920,3732 đồng/kWh giúp EVN có thêm 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với những khó khăn về tài chính rất lớn của năm 2022 và 2023 do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao thì mức tăng doanh thu này chỉ bù đắp được một phần khó khăn về tài chính của EVN trong năm 2023. Dự kiến hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn và mất cân đối tài chính.

    "Với cơ chế điều tiết giá bán lẻ điện như hiện tại của Chính phủ, doanh thu tính toán theo giá bán lẻ điện bị điều tiết không đủ để EVN bù đắp chi phí", báo cáo của EVN tại hội thảo về giá điện tháng 7/2023 nêu quan điểm.

    Theo báo cáo từ EVN, năm 2023, kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng. Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, EVN không thể trả nợ đúng hạn; các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN.

    Ngoài ra chi phí, lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm đối với bên cho vay. Vì vậy, EVN đề xuất có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính trong đó có điều chỉnh giá bán lẻ điện đầy đủ và kịp thời theo biến động các thông số đầu vào.

    Hiện nay, Bộ Công Thương đang dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất tại dự thảo này là cho phép EVN thu hồi khoản lỗ sản xuất kinh doanh, tính giá điện dựa trên quy định pháp luật.

    Cơ quan này cho biết, cơ cấu giá bán lẻ điện bình quân hàng năm gồm chi phí các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng điện (phát điện, truyền tải, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống, điều hành giao dịch thị trường, chi phí dịch vụ phụ trợ, quản lý chung của EVN) và các khoản khác chưa được tính vào giá điện để đảm bảo phản ánh được đúng giá thành và sau đó là có lợi nhuận phù hợp.

    Lỗ từ chênh lệch tỷ giá giai đoạn 2019 - 2022 chưa được hạch toán của EVN khoảng 14.725 tỷ đồng, theo công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất điện năm 2022 của Bộ Công Thương, báo Dân Việt thông tin.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-dien-da-tang-vi-sao-evn-van-lo-28-700-ty-dong-trong-8-thang-dau-nam-a591841.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan