+Aa-
    Zalo

    Giá điện "đòi" tăng theo tỷ giá?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Ba Tập đoàn lớn là Điện lực, Công nghiệp than-khoáng sản và Dầu khí đang kêu lỗ hàng trăm tỷ đồng do điều chỉnh tỷ giá USD và đề nghị tính vào giá điện..

    (ĐSPL)  - Ba Tập đoàn lớn là Điện lực, Công nghiệp than-khoáng sản và Dầu khí đang kêu lỗ hàng trăm tỷ đồng do điều chỉnh tỷ giá USD và đề nghị tính vào giá thành điện, tăng giá điện.

    Giá điện không còn “cõng” chi phí xây dựng sân tennis, bể bơi?

    Thông tin trên Dân trí, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng vừa có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện Kết luận thanh tra số 2181/2013 về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

    Bộ Công thương cho biết tháng 6/2014 Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (thay mặt Thủ tướng Chính phủ), giao Bộ Tài chính chủ trì chỉ đạo EVN thực hiện phương án xử lý khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành tại các dự án nguồn điện của EVN.

    Theo đó phương án xử lý cụ thể như sau: Chi phí khấu hao của nhà khách chuyên gia, nhà quản lý vận hành và sửa chữa điện, nhà ở trực tiếp cho người lao động tại các nhà máy điện được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Trường hợp nhà ở trực tiếp cho người lao động có thu tiền thuê thì số tiền thu được hạch toán giảm chi phí sản xuất điện.

    Chi phí khấu hao của nhà đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng và công trình nhà ở khác mà EVN cho các hộ gia đình cán bộ công nhân viên làm việc tại nhà máy điện thuê sử dụng thì không được đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN. EVN phải xác định đơn giá cho thuê nhà đúng quy định theo nguyên tắc đảm bảo đủ bù đắp chi phí khấu hao để thu hồi vốn đầu tư. Các chi phí dịch vụ quản lý, bảo dưỡng các công trình này EVN phải hạch toán riêng.

    “Chi phí đầu tư của các công trình phục vụ cho mục đích phúc lợi như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis, EVN và các đơn vị thành viên sử dụng sử dụng quỹ phúc lợi hoặc các nguồn tài trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng. Trường hợp đã sử dụng nguồn vốn khác để đầu tư thì hạch toán điều chỉnh nguồn. EVN và các đơn vị thành viên quản lý, sử dụng các công trình phúc lợi theo đúng chế độ quy định và không được tính khấu hao tài sản các công trình phúc lợi này vào chi phí sản xuất kinh doanh của đơn vị”- Bộ Công thương cho biết.

    Đồng thời, Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, ban hành định mức xây dựng, tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng nhà ở, quản lý vận hành nhà máy điện và các nhà máy, khu công nghiệp khác, đảm bảo tiết kiệm và phù hợp với thực tế của các ngành.

    Trước đó, vào năm 2013 Thanh tra Chính phủ phát hiện 6 dự án nguồn điện gồm nhiệt điện Ô Môn 1, nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Quảng Ninh 1 đều có hạng mục khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa. Khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa này trên thực tế được xây dựng nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỉ đồng. Toàn bộ chi phí này đều nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện. Sự việc này sau đó tạo ra phản ứng dữ dội trong dư luận.

    Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ giá biến động không chỉ riêng 3 tập đoàn năng lượng bị ảnh hưởng mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác.

    "Không thể cứ tỷ giá tăng thì đòi tăng giá điện"

    Thông tin trên VOV, ba Tập đoàn lớn là Điện lực, Công nghiệp than-khoáng sản và Dầu khí đang kêu lỗ hàng trăm tỷ đồng do điều chỉnh tỷ giá USD và đề nghị tính vào giá thành điện, tăng giá điện. Nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế ở TP HCM cho rằng, tăng giá điện thời điểm này là không hợp lý.

    Công ty Cổ phần may quốc tế Thắng Lợi mỗi tháng đang trả tiền điện khoảng 4,5 tỷ đồng. Nếu sắp tới, giá điện tăng thì doanh nghiệp này phải trả thêm một khoản không nhỏ cho chi phí điện phục vụ sản xuất. Lãnh đạo Công ty Cổ phần may quốc tế Thắng Lợi cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá điện lúc này là không hợp lý. Vì tỷ giá USD biến động, chính doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng và doanh nghiệp cũng cần sự chia sẻ từ phía ngành chức năng.

    Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần may quốc tế Thắng Lợi cho biết, việc này nên xem xét lại bởi nếu tăng giá điện khó khăn sẽ chồng chất khó khăn cho các doanh nghiệp.

    “Tỷ giá USD tăng không chỉ có các ngành năng lượng gặp khó khăn mà tất cả các doanh nghiệp khác đều khó khăn. Các doanh nghiệp khác cũng nhập khẩu, trong khi đầu ra không tăng mà đầu vào đều tăng nên doanh nghiệp sẽ cực kỳ khó khăn. Đề nghị doanh nghiệp không tăng giá điện lúc này”, ông Hòa phân tích rõ.

    Cũng như Công ty May Thắng Lợi, nhiều doanh nghiệp ở TP HCM đều cho rằng tăng giá điện thời điểm này là không hợp lý. Hiện nay, sức cạnh tranh của phần nhiều doanh nghiệp là yếu, nhiều doanh nghiệp mới phục hồi sản xuất.

    Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không chỉ có 3 Tập đoàn bị lỗ do tăng tỷ giá, các doanh nghiệp nhập khẩu đều khó khăn.

    “Cho nên không thể vì 3 Tập đoàn này để áp điều chỉnh tăng giá điện là bất hợp lý. Trong khi chính phủ đang cố gắng kềm chế giá, việc tăng giá điện lúc này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp lúc này căng thẳng hơn lúc nào hết. Nếu chỉ lo cho 3 Tập đoàn lớn đó thì các doanh nghiệp khác sẽ ra sao? Tôi cho rằng không nên tăng giá điện”, ông Minh thẳng thắn cho biết.

    Nhiều chuyên gia kinh tế ở TP HCM cũng cho rằng, 3 Tập đoàn Điện lực, Công nghiệp than - khoáng sản và Dầu khí đều là tập đoàn sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, trong sản xuất, kinh doanh phải có dự phòng rủi ro về biến động tỷ giá. Việc này phải được tính vào giá thành từ trước. Khi tỷ giá biến động, cả 3 Tập đoàn này đều đề nghị tính vào giá thành để tăng giá điện nhằm bù lỗ là không được.

    TS. Trần Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Mở TP HCM nhận định, 3 Tập đoàn này là những tập đoàn độc quyền nên không có cạnh tranh để đối chiếu được việc tăng giá điện.

    “Trước đây, các tập đoàn này đều thu lãi thì sao? Doanh nghiệp lãi thì hạch toán giá lãi, bây giờ lỗ thì hạch toán lỗ. Còn tăng giá điện thì phải theo lộ trình của Chính phủ, không thể cứ tỷ giá tăng thì đòi tăng, mai mốt tỷ giá giảm thì sao? Giá điện có giảm không, trong quá khứ giá USD đã có lúc giảm. Kiến nghị đề nghị tăng giá điện là không hợp lý”, TS. Trần Văn Thuận chỉ rõ.

    Tại TP HCM hiện có hơn 120.000 doanh nghiệp, chi phí cho điện đang là một phần quan trọng cấu thành nên giá sản phẩm. Việc tăng giá điện sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, các bộ, ngành chức năng nên cân nhắc kỹ việc điều chỉnh tăng giá điện.

    Ngọc Anh(Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-dien-doi-tang-theo-ty-gia-a109855.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.