+Aa-
    Zalo

    Giá điện tăng: Mối lo mới cho doanh nghiệp

    (ĐS&PL) - Nhiều doanh nghiệp cho biết không bất ngờ trước thông tin tăng giá điện, tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn về đơn hàng, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

    Ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 3%. Như vậy sau bốn năm không tăng giá, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng từ mức hiện hành là 1.864,4 đồng/kWh (chưa gồm VAT) lên 1.920,3 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tức là tăng thêm 55,9 đồng/kWh (tương ứng 3%).

    gia dien tang moi lo moi cho doanh nghiep
    Giá điện tăng buộc các doanh nghiệp ưu tiên cắt giảm một số khoản chi khác. Ảnh: EVN

    Về tác động việc tăng giá điện lên doanh nghiệp, theo báo Người lao động, ông Phạm Ngọc Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Hưng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận định: “Thực tế, doanh nghiệp hoạt động trong mọi ngành nghề, lĩnh vực đều phụ thuộc vào điện. Thêm nữa, đang là cao điểm nắng nóng, việc tăng giá điện càng đẩy hóa đơn tiền điện tăng cao, gây áp lực lên cả doanh nghiệp và người dân. Hệ quả dễ thấy nhất là tăng giá điện sẽ làm giảm sức mua thị trường, làm chậm quá trình thúc đẩy phục hồi thị trường”.

    Trong khi đó, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM cho rằng: "Trước mắt, doanh nghiệp chỉ có thể chấp nhận gánh thêm khoản tiền điện phát sinh bởi mọi khoản chi phí có thể cắt giảm hay cân đối đều đã được triển khai từ trước.

    Tương tự, thông tin trên báo Tuổi trẻ, một số doanh nghiệp cho biết không bất ngờ, song trong bối cảnh khó khăn về đơn hàng nên phải nỗ lực tiết giảm thêm một số khoản chi khác.

    Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất và xuất nhập khẩu lâm sản Sài Gòn cho biết, trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam đang đối diện với khó khăn về đơn hàng, việc tăng giá điện ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp cả trong ngắn lẫn dài hạn. Các doanh nghiệp buộc phải có những giải pháp để nâng sức cạnh tranh, tiết giảm chi phí sản xuất.

    Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp sản xuất tôn cho hay đã có "kịch bản" các phương án giá điện khi EVN đề xuất tăng giá điện từ năm ngoái.

    Tuy vậy, theo vị này, giá điện ở Việt Nam vẫn "mềm" hơn một số nước, do đó doanh nghiệp buộc phải thích ứng khi tiết giảm năng lượng ở mức tối đa để tối ưu chi phí trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

    Một doanh nghiệp khác trong ngành thủy sản cho biết về nguyên tắc khi giá điện tăng 3%, các doanh nghiệp buộc phải tiết giảm chi phí tương ứng nếu không muốn giá bán đội lên, giảm sức cạnh tranh.

    Theo Dân trí, tại buổi trao đổi thông tin chiều 4/5, trước câu hỏi liên quan đến việc tăng giá điện tác động đến đời sống người dân và doanh nghiệp như thế nào, đại diện EVN cho biết mức tác động, theo tính toán của Tổng cục Thống kê là không lớn.

    Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN cung cấp thông tin, tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện bán lẻ tăng bình quân 5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng 0,17%. Còn thực tế giá điện chỉ tăng 3%, thấp hơn nhiều so với mức nghiên cứu nên tác động đến CPI rất nhỏ.

    Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đánh giá việc tăng giá điện có tác động nhất định đến CPI nhưng không lớn. Mức tăng 3% bảo đảm việc điều hành giá có lộ trình, không giật cục, bảo đảm ổn định tình hình chính trị, xã hội, hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp và người dân, thông tin trên báo Người lao động.

    Tuy nhiên, ông Thỏa cũng lưu ý tránh về tình trạng “té nước theo mưa”, các loại hàng hóa dịch vụ sẽ tăng theo giá điện. Ông Thỏa đề nghị các cơ quan chức năng cần yêu cầu tất cả những doanh nghiệp trong diện phải đăng ký giá, những doanh nghiệp nhà nước còn định giá, doanh nghiệp phải kê khai giá báo cáo chi tiết giá thành sản xuất, kinh doanh.

    "Điều này nhằm tránh tình trạng giá điện tăng bao nhiêu bị lợi dụng tăng bấy nhiêu, lợi dụng thêm việc tăng giá điện để tăng giá là lôi kéo những mặt hàng mà ở ngoài thị trường, ngoài các chợ dân sinh tăng theo, gây áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Thỏa.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-dien-tang-moi-lo-moi-cho-doanh-nghiep-a574408.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan