+Aa-
    Zalo

    Gia Lâm, Hà Nội: Đê Gióng oằn mình cõng xe quá khổ, quá tải

    • DSPL
    ĐS&PL Đê sông Đuống qua địa bàn xã Phù Đổng và xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm, Hà Nội (hay còn gọi là đê Gióng – PV) được cắm biển giới hạn trọng tải 10 tấn. Thế nhưng, tuyến đê này đang ngày đêm oằn mình cõng dàn “hung thần” có trọng tải nặng hơn nhiều lần so với trọng tải cho phép.

    Trọng tải xe gấp 3-5 lần cho phép

    Phản ánh những thông tin mà dư luận địa phương bức xúc nhiều tháng qua đến PV, ông Nguyễn Quang H. (một người dân xã Phù Đổng) cho biết: “Chúng tôi sinh sống ở đây đã nhiều năm, con đê Gióng vốn yên bình và rất ít xe cộ đi lại, thường chỉ có người dân di chuyển từ xã này sang xã khác. Nhưng mấy năm gần đây, nhất là từ khi trạm thu phí BOT đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đi vào hoạt động, lượng xe né trạm gia tăng khiến tuyến đê bất đắc dĩ trở thành một trục đường lưu thông thường xuyên của những chiếc xe chở hàng từ khu vực Gia Lâm sang mạn Bắc Ninh. Thậm chí, nhiều những chiếc xe chở đất đá, vật liệu xây dựng có tải trọng lớn cũng bon chen vào lối đê. Chúng tôi thấy họ di chuyển qua lại khu Nền Lò, nơi sản xuất gạch của công ty Đại Hưng, không biết có phải là những chiếc xe chuyên chở đất san lấp và sản xuất gạch cho công ty này không?”.

    Cũng bày tỏ lo lắng và bất bình với PV, bà Phạm Ngọc L. (sinh sống tại xã Trung Mầu) gay gắt: “Chúng tôi không biết những chiếc xe chở đất đá và vật liệu xây dựng vào khu Nền Lò có được cơ quan chức năng cho phép hay không. Nhưng nhìn trực quan thì thấy ngay là xe rất to, cồng kềnh, không loại trừ việc chở quá khổ, quá tải ngông nghênh trên con đê chật hẹp này khiến việc lưu thông qua lại của chúng tôi bị ảnh hưởng”.

    Ghi nhận thực tế của PV trên tuyến đê Gióng nhiều ngày cho thấy, phản ánh của người dân là có cơ sở. Qua theo dõi, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê này trong khoảng thời gian sau 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau tương đối cao. Loại phương tiện lưu thông phổ biến là xe tải loại 3-4 chân chở đất, đá, vật liệu xây dựng… và xe container chở hàng. Khi PV bám theo những chiếc xe này thì đa số xe chạy vào khu Nền Lò đúng như người dân phản ánh. Thậm chí, có những thời điểm xe nọ nối đuôi xe kia thành hàng, xe nào xe nấy chở đầy đất, cát, vật liệu xây dựng rẽ rất nhanh vào khu vực sản xuất gạch của công ty Đại Hưng.

    c1
    Xe 3-4 chân có tổng trọng tải gấp 3-5 lần ngang nhiên qua biển giới hạn trọng tải 10 tấn.

    Đáng chú ý, đê Gióng có cắm những tấm biển giới hạn trọng tải 10 tấn. Thế nhưng không hiểu sao, những chiếc xe tải loại 3-4 chân có trọng tải gấp 3-5 lần so với trọng tải cho phép vẫn cứ vô tư lưu thông trên tuyến đề này. Ví dụ, những chiếc xe tải hiệu Howo 3 chân có khối lượng bản thân 13,07 tấn; khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép là 10,8 tấn; khối lượng toàn bộ cho phép khi tham gia giao thông là 24 tấn. Hay loại xe tải hiệu Howo 4 chân có khối lượng bản thân 16,47 tấn; khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép là 13,4 tấn; khối lượng toàn bộ cho phép khi tham gia giao thông là 30 tấn.

    c2
    Biển giới hạn trọng tải 5 tấn cũng bị vô hiệu thường xuyên…

    Như vậy, bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy, trên tuyến đê Gióng có những chiếc xe chở quá tải trọng cho phép gấp từ 2-3 lần (với xe thường) hoặc từ 3-5 lần (đối với những chiếc xe cơi nới thành thùng).

    “Xử lý ác” nhưng vi phạm nhan nhản

    Lân la tiếp cận cánh tài xế có thâm niêm hoạt động trên tuyến đường này, PV được 1 bác tài tiết lộ: “Xe biển lạ chạy vài chuyến là đã có cán bộ Thanh tra giao thông “hỏi thăm” rồi. Anh có xe chạy dự án ở đây thì gặp anh Nh. (Xin tạm thời chưa nêu cụ thể tên và vị trí công tác của vị này - PV) mà nhờ cho chắc”. Một số tài xế khác xì xầm, họ phải “làm luật” ít nhất 1,5 triệu/xe/tháng để những chiếc xe quá khổ, quá tải được hoạt động trên tuyến đê Gióng, huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, đây là thông tin chưa được cơ quan chức năng nào xác nhận.

    Không chỉ có trên tuyến đê Gióng, đoạn đường dẫn từ Quốc lộ 1 vào đê Gióng được cắm biển giới hạn trọng tải 5 tấn. Thế nhưng những chiếc xe có tổng tải trọng hàng chục tấn vẫn ngang nhiên qua lại. Trong thời gian dài ghi nhận của nhóm phóng viên, hàng chục lượt xe có dấu hiệu vượt tải, vượt khổ lưu thông qua đây mà chưa thấy có hành động xử lý của các lực lượng chức năng xã Phù Đổng, xã Trung Mầu và huyện Gia Lâm.

    Trao đổi với PV, ông Trần Việt Hải – Đội trưởng đội Thanh tra Giao thông huyện Gia Lâm khẳng định, đơn vị đã xử lý rất nhiều trường hợp xe vi phạm về quá khổ, quá tải trên tuyến đê Gióng. “Bọn anh (đội Thanh tra Giao thông – PV) xử lý ác ấy chứ… Đây là một trong những điểm mà bọn anh tập trung xử lý” – Ông Trần Việt Hải nói.

    Ông Trần Việt Hải cũng thừa nhận có tình trạng xe chạy né trạm thu phí qua tuyến đê Gióng. Từ đầu năm 2021 đến nay, đội Thanh tra Giao thông huyện Gia Lâm đã phát hiện xử lý 36 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, với những gì nhóm phóng viên ghi nhận được thì con số (36 trường hợp) xe vi phạm bị lực lượng Thanh tra Giao thông huyện Gia Lâm phát hiện xử lý từ đầu năm 2021 đến nay có lẽ chỉ bằng một phần nhỏ.

    Vậy ông Nh. là ai và có vai trò gì ở cơ quan chức năng huyện Gia Lâm? Vì sao đội Thanh tra Giao thông huyện Gia Lâm “xử lý rất ác” mà tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động trên đê Gióng?

    Đời sống và Pháp luật tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

    Diệu Nam – Nguyễn Khuê

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-lam-ha-noi-de-giong-oan-minh-cong-xe-qua-kho-qua-tai-a502619.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan