+Aa-
    Zalo

    Giá nước sinh hoạt tăng vọt từ ngày 1/10: Người Hà Nội có hết "khát"?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Giá bán nước sinh hoạt của hộ dân sẽ tăng lên gần 6.000 đồng/m3 cho mức 10 m3 đầu tiên; từ 10-20 m3 sẽ có giá bán hơn 7.000 đồng/m3; và với mức trên 20-30 m3 sẽ

    (ĐSPL) - Giá bán nước sinh hoạt của hộ dân sẽ tăng lên gần 6.000 đồng/m3 cho mức 10 m3 đầu tiên; từ 10-20 m3 sẽ có giá bán hơn 7.000 đồng/m3; và với mức trên 20-30 m3 sẽ có giá gần 8.700 đồng/m3. Còn mức trên 30 m3 sẽ tăng lên tới gần 16.000 đồng/m3.

    Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (VIWACO) cho biết sẽ tăng giá nước sạch từ ngày 1/10.

    Mức tăng trên 20\% so với biểu giá cũ, từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/m3 tùy vào khối lượng nước sử dụng theo bậc thang lũy tiến.

    Cụ thể, giá bán nước sinh hoạt của hộ dân sẽ tăng lên gần 6.000 đồng/m3 cho mức 10 m3 đầu tiên; từ 10-20 m3 sẽ có giá bán hơn 7.000 đồng/m3; và với mức trên 20-30 m3 sẽ có giá gần 8.700 đồng/m3. Còn mức trên 30 m3 sẽ tăng lên tới gần 16.000 đồng/m3.

    Đối với nước sử dụng cho cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp sử dụng dịch vụ công cộng sẽ có giá bán là 9.955 đồng/m3. Nước sử dụng cho các đơn vị sản xuất sẽ có giá bán hơn 11.600 đồng/m3 và nước sử dụng cho kinh doanh dịch vụ có giá bán cao nhất là hơn 22.000 đồng/m3.

    Giá bán trên chưa có thuế giá trị gia tăng (5\%) và phí bảo vệ môi trường (10\%) đối với nước thải sinh hoạt.

    Đối với khách hàng sử dụng nước với nhiều mục đích khác nhau, VIWACO sẽ căn cứ tình hình sử dụng nước thực tế, thống nhất tỷ lệ nước sử dụng cụ thể cho mỗi loại mục đích để áp dụng giá nước phù hợp.

    Do không thể chốt chỉ số đồng hồ nước của tất cả khách hàng vào ngày 31/9 nên VIWACO áp dụng phương pháp tính bình quân giá nước tháng 10 như sau: Tính số ngày thực tế sử dụng nước trong tháng 9 áp dụng giá cũ và số ngày thực tế sử dụng nước trong tháng 10 áp dụng giá mới. Số ngày sử dụng của mỗi tháng được tính căn cứ vào ngày đọc và chu kỳ ghi chỉ số đồng hồ. Lấy lượng nước ghi trong tháng 10 chia cho số ngày sử dụng cả chu kỳ, sau đó nhân với ngày sử dụng nước tháng 9 để áp giá cũ, lượng nước còn lại áp giá mới.

    Từ tháng 11, hóa đơn nước tính hoàn toàn theo quyết định giá mới.

    Theo dự báo của Công ty Nước sạch Hà Nội, năm 2015 nguồn nước ngầm tiếp tục suy giảm từ 1-3\%, trong khi nhu cầu sử dụng nước mùa hè năm nay tăng 7-10\% so với năm trước. Do vậy, lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu thực tế là từ 40.000 - 60.000 m3/ngày-đêm.

    Hà Nội vẫn có tới 60 điểm xảy ra thiếu nước cục bộ trong những ngày nắng nóng hoặc bị mất điện.

    Giá nước sạch sẽ  tăng trên 20\% so với biểu giá cũ, từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/m3 tùy vào khối lượng nước sử dụng theo bậc thang lũy tiến. (Ảnh minh họa).

    Liệu Hà Nội có hết “khát”?

    Nhiều người tỏ ra băn khoăn liệu việc tăng giá nước thêm 20\% có đi cùng với chất lượng và đảm bảo nguồn cung khi mà người dân Hà Nội luôn phải đối mặt tình trạng thiếu nước, mất nước?

    Trao đổi trên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc VIWACO – đơn vị đang cung cấp nước sạch cho hơn 100.000 khách hàng ở Hà Nội cho biết, việc tăng giá nước sinh hoạt sẽ giúp cho doanh nghiệp có điều kiện trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ khách hàng nhiều hơn.

    “Với giá nước nước sinh hoạt theo lộ trình tăng từ tháng 10 của Hà Nội thì mức giá vẫn thấp hơn ở một số tỉnh, thành phố. Hiện nay chúng tôi không được bù lỗ về giá bán việc tăng giá bán sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong kinh doanh. Việc đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch doanh nghiệp lâu nay phải đi vay vốn trong khi giá bán không được quyết”, lãnh đạo VIWACO cho hay.

    Với lượng khách hàng trên 140.000 tập trung ở các quận huyện ngoại thành như Long Biên, Gia Lâm, Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Cty CP nước sạch số 2 cho rằng, giá bán nước sinh hoạt hiện chỉ có một giá bán áp dụng cho khách hàng đô thị cũng như khách hàng ở khu vực ngoại thành nên việc tăng giá cũng cần được xem xét.

    “Nguồn nước cung cấp cho khách chúng tôi vẫn mua từ Công ty nước sạch Hà Nội, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ phân phối. Đối với người dân so với tiền điện thì tiền nước sạch hàng tháng cũng không lớn nhưng với thu nhập của người dân ở khu ngoại thành thì việc tăng giá bán nước sẽ bị ảnh hưởng, người dân sẽ phải cân đối nhu cầu, mức chi tiêu của gia đình mình”, ông Thắng nói.

    Theo bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội, việc tăng giá nước phải đi liền với vấn đế chất lượng và đảm bảo nguồn cung cấp cho người dân.

    “Tỷ lệ dân cư sống tại nông thôn của Hà Nội được dùng nước sạch hiện vẫn rất thấp. Đối với khu vực này theo tôi thành phố phải có chính sách trợ giá với giá bán nước cho người dân. Khu vực thành thị hiện cũng rất thiếu nước, thời gian qua nhiều khu vực đã xảy ra tình trạng thiếu nước, mất nước”, bà Thuỳ bày tỏ.

    Trước đó tại buổi kiểm tra tình hình cung cấp điện, nước sạch phục vụ người dân diễn ra trong tháng 6/2015, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc tăng giá nước không phải để tăng thu cho ngân sách mà từ đó có nguồn lực để đầu tư các dự án, mở rộng phạm vi phục vụ để có thêm nhiều người dân trên địa bàn.

    Theo dự báo của Công ty Nước sạch Hà Nội, năm 2015 nguồn nước ngầm tiếp tục suy giảm từ 1-3\%, trong khi nhu cầu sử dụng nước mùa hè năm nay tăng 7-10\% so với năm trước. Do vậy, lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu thực tế 40.000 - 60.000 m3/ngày-đêm. Dự báo có 60 điểm xảy ra thiếu nước cục bộ trong những ngày nắng nóng hoặc sự cố mất điện.

    Ngọc Anh(Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-nuoc-sinh-hoat-tang-vot-tu-ngay-110-nguoi-ha-noi-co-het-khat-a110489.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.