+Aa-
    Zalo

    Giá sữa cho trẻ em: Doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Giá sữa trẻ em tại VN đang cao hơn các nước trong khu vực, tình hình giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm nhưng số liệu thống kê từ ngành hải quan lại không

    (ĐSPL) - Giá sữa trẻ em tại VN đang cao hơn các nước trong khu vực, tình hình giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm nhưng số liệu thống kê từ ngành hải quan lại không cho thấy điều này...

    Giá sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi đang cao hơn các nước trong khu vực

    Tại họp báo chiều 14/5 về giá sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thừa nhận giá bán sữa bột của Việt Nam cho trẻ dưới 6 tuổi đang cao hơn các nước trong khu vực.

    Theo tài liệu từ Vụ Kinh tế tổng hợp – Bộ Ngoại giao cung cấp, giá bán trung bình trên kilogram của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi bước 1 – bước 4 (tất cả các nhãn hàng) của Việt Nam là 16 USD/kg; trong khi Thái Lan là 14 USD/kg; Philippines là 12,9 USD/kg; Malaysia là 10,9 USD/kg và Indonesia là 9,5 USD/kg.

    Lãnh đạo Cục Quản lý giá cho rằng, sự khác nhau trên là do nhiều yếu tố như môi trường kinh doanh, chính sách ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, đặc biệt là quy mô, cơ cấu, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng. Đây là lý do khiến nhà sản xuất sẽ có những chính sách phân phối, mức giá khác nhau cho mỗi quốc gia.

    Giá sữa  bột của Việt Nam cho trẻ dưới 6 tuổi đang cao hơn các nước trong khu vực. (Ảnh minh họa).

    Cục Quản lý giá cũng chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý giá sữa như: Nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa; Thông tin để so sánh sản phẩm cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN còn rất hạn chế; Đây là lần đầu áp dụng biện pháp xác định giá tối đa đối với mặt hàng có nhiều chủng loại khác nhau, nhiều doanh nghiệp tham gia nên việc triển khai biện pháp giá tối đa còn có vướng mắc khi thực hiện đến khâu bán lẻ.

    Về thông tin về giá sữa nguyên liệu giảm nhưng giá sữa trong nước không giảm, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho biết,  tình hình giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm nhưng số liệu thống kê từ ngành hải quan lại không cho thấy điều này. Tình tiết này đặt ra nghi vấn thao túng, chuyển giá với các mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi từ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

    Bên cạnh đó, 70\% nguồn nguyên liệu sữa sản xuất trong nước vẫn là nhập khẩu từ nước ngoài. Thậm chí, nhiều nguồn nguyên liệu để sản xuất cũng như sản phẩm sữa thành phẩm đều nhập từ đối tác được chỉ định từ nước ngoài trực tiếp. Bộ Tài chính xem đây là những dấu hiệu chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập về Việt Nam.

    Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, đây mới chỉ dừng lại ở những "nghi vấn". Vị này cũng cho biết chưa thể trả lời khi nào có kết luận cuối cùng về những doanh nghiệp chuyển giá, bởi đây là công tác đòi hỏi cần sự cẩn trọng.

    Theo Báo cáo của Bộ Tài chính dẫn nguồn từ Vụ Kinh tế tổng hợp - Bộ Ngoại giao cho thấy, giá bán trung bình mặt hàng sữa ở Việt Nam là 16 USD/kg. Mức giá này cao hơn nhiều nước khác như Thái Lan, Phillippines, Malaysia, Indonesia (từ 9,5-14 USD/kg).

    Trước thông tin về giá sữa nguyên liệu giảm, Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho biết, Bộ đã có công văn yêu cầu các Sở Tài chính địa phương đề nghị các doanh nghiệp sản xuất sữa tiết giảm chi phí, điều chỉnh giá bán.

    Thực hiện Nghị Quyết số 29/NQ-CP ngày 02/5/2014 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 4, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Công Thương ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi có hiệu lực từ ngày 1/6/2014. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 6544/BTC-QLG ngày 20/5/2014 về việc hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.

    Theo đó, Nhà nước thực hiện bình ổn giá sản phẩm sữa bằng 02 biện pháp: Quản lý giá tối đa đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Quyết định 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 có hiệu lực (01/6/2014) và đăng ký giá đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Quyết định 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 có hiệu lực (01/6/2014).

    [mecloud]U9ssWin93O[/mecloud]

    Áp trần giá sữa tới hết năm 2016

    Bộ Tài chính cho biết, dù giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi được giữ ổn định suốt hơn 1 năm qua nhưng vẫn chưa bảo đảm chắc chắn, tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất ổn, biến động bất thường. Trong đó đáng chú ý nhất là giá nguyên liệu thế giới giảm nhưng giá sữa thành phẩm tiêu thụ trong nước không giảm hoặc giảm ít. Giá bán trung bình trên kg của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

    Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa có những biểu hiện cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường. Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ ra “chiêu” của doanh nghiệp áp dụng là thay đổi trọng lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để xác định giá tối đa mới.

    “Chính vì vậy, Bộ đã trình Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện bình ổn giá bằng biện pháp áp giá tối đa và Chính phủ đã ban hành nghị quyết thống nhất ý kiến này,” ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Giá thông báo.

    Biện pháp áp trần giá sữa sẽ áp dụng từ 1/6/2015 tới 31/12/2016. Trong quá trình thực hiện quản lý theo giá tối đa như đã công bố, nếu có những nguyên nhân khách quan tác động tới giá sữa, cơ quan quản lý sẽ chịu trách nhiệm rà soát, xác định giá tối đa phù hợp.

    Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp sữa phải giảm giá đối với sản phẩm dành cho trẻ em dưới 2 tuần, do loại bỏ chi phí quảng cáo, tiếp thị theo Nghị định 100 của Chính phủ. Ngay sau đó, từ 20/4 vừa qua, đã có khoảng hơn 100 sản phẩm cho trẻ em dưới 2 tuổi được giảm giá, với mức giảm từ 2-4\%.

    Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát, công bố giá tối đa, giá đăng ký của 708 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Qua đó cũng cho thấy, giá bán lẻ đã giảm 0,1-34\% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính với các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng quy định về kinh doanh và bình ổn giá sữa với số tiền hơn 519,7 triệu đồng.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-sua-cho-tre-em-doanh-nghiep-co-dau-hieu-chuyen-gia-a94455.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.