+Aa-
    Zalo

    Giá sữa "to gan" tăng giá trước giờ G: Cơ quan quản lý nói gì?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Giá sữa dành cho trẻ em trên thị trường đang có dấu hiệu tăng dù hiện tại đã sát giờ "G" để các doanh nghiệp đăng ký lại giá sữa theo quy định của Bộ Tài chính
    (ĐSPL) - Giá sữa dành cho trẻ em trên thị trường đang có dấu hiệu tăng dù hiện tại đã sát giờ "G" để các doanh nghiệp đăng ký lại giá sữa theo quy định của Bộ Tài chính
    Giá sữa "cứng đầu" tăng
    Ngày 15/4 là hạn chót để các doanh nghiệp đăng ký lại giá sữa theo quy định của Bộ Tài chính. Các doanh nghiệp sẽ phải rà soát, tiết giảm các loại chi phí, đặc biệt là chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành để có thể bình ổn, giảm giá sữa. Tuy nhiên, theo ghi nhận trên VTV, sát ngày đăng ký, giá sữa lại có dấu hiệu tăng.
    Hộp sữa Enfagrow số 4 mẫu cũ dành cho trẻ 3 tuổi trở lên nay đã được đổi thành Enfagrow số 4 mẫu mới dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Thành phần trên vỏ dường như không có gì thay đổi. Tuy nhiên, giá của hộp sữa mới lại đắt hơn 5\%.
    Chủ đại lý sữa cho hay, có nhận được thông tin là từ đầu tháng 4 sẽ ra mắt các sản phẩm sữa mới của Dutch Lady và rất có thể giá sữa sẽ tăng rất cao so với sản phẩm cũ.
    Thông tin trên báo GTVT, những ngày gần đây, vài khách quen của các đại lý, cửa hàng sữa cho hay đã nhận được “mách nhỏ” từ người bán về việc một số loại sữa có thể tăng giá, như: “sữa Abbott sắp tăng khoảng 8\%”, “Dutch Lady bản Gold mới đắt hơn nhiều”…

    Giá sữa lại có dấu hiệu tăng. (Ảnh minh họa).

    Những lời mách nhỏ này không phải không có cơ sở. Bởi tuy các mẫu sản phẩm mới dòng Dutch Lady của Friesland Campina chưa hiện diện trên thị trường, nhưng theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), hãng này đã đăng ký từ 1/4, sẽ ra mắt 9 mẫu sữa mới, gồm: Dutch Baby Gold Mau lớn, Tập đi, Tò mò, Khám phá, Sáng tạo… trọng lượng 400-1.500 gr, có giá bán cao hơn hẳn các sản phẩm Dutch Baby cũ cùng tên nhưng không “gold” từ vài chục đến cả trăm nghìn đồng/hộp; và cao hơn cả sản phẩm Dutch Lady Gold 123 hiện nay.
    Các khách hàng đang cho con uống sữa Mead Johnson Nutrition cũng thắc mắc sau khi tách độ tuổi cho sản phẩm Enfamil và Enfagrow, họ phải chi thêm tiền để mua sữa cho con. Các bà mẹ có con dưới hai tuổi trước đây mua Enfagrow số 3 loại 900gr (từ 12-36 tháng tuổi) giá 355 nghìn đồng, thì hiện được tư vấn đổi sang Enfamil số 3 loại 900gr (từ 12 - 24 tháng tuổi) giá tận 450 nghìn đồng/hộp. Với trẻ trên hai tuổi, trước đây có thể uống Enfagrow số 3, nay phải đổi thành Enfagrow số 4 mẫu mới giá cao hơn loại số 3 trước đây 20 nghìn đồng/hộp.
    Theo một số đại lý sữa, Abbott cũng đang chuẩn bị ra mắt một số mẫu sản phẩm mới và theo thông lệ “mỗi khi có sản phẩm mới, giá sẽ tăng thêm”, chủ một đại lý bánh kẹo, rượu bia, sữa trên đường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho hay.
    Không tăng giá bán, nhưng gần đây, Công ty Nestle cũng cho thấy động thái không giảm giá sữa sau khi được yêu cầu tách chi phí quảng cáo. Bởi sản phẩm S26 Gold 400gr vừa ra mắt chỉ thay đổi quy cách đóng gói, có giá bán 240 nghìn đồng/hộp, tính ra so với sản phẩm S26 Gold 900gr giá 540 nghìn đồng thì không tăng, không giảm.
    Video: Giá sữa có dấu hiện tăng.
    Cơ quan quản lý nói gì?
    Ngày 7/4, trước thông tin giá sữa không giảm, thậm chí các hãng còn “đánh động” đòi tăng giá các sản phẩm mới, đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Sẽ dùng các công cụ hiện hành buộc doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định.
    Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Cục phó Cục Quản lý Giá cho biết: Theo quy định về bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, các sản phẩm mới trong diện bình ổn phải kê khai giá với cơ quan chức năng.
    “Doanh nghiệp dự kiến tăng như thế nào là việc của họ, Bộ Tài chính có các quy định để giá các sản phẩm mới trong diện bình ổn không vượt giá trần”, bà Nga nói.
    Trước đó, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã ra văn bản nhắc nhở, đôn thúc các đơn vị sở Tài chính địa phương phải tăng cường kiểm tra giá sữa.
    Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng quy định, đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi, các Sở Tài chính phải yêu cầu các doanh nghiệp loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá và giảm giá tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ, đồng thời kê khai giá lại trước ngày 15/4 tới.
    Yêu cầu này được đưa ra bởi kể từ 1/3, Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo có hiệu lực đã có hiệu lực, với điều khoản “Nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, thức ăn bổ sung cho trẻ em dưới 06 tuổi…”
    Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải rà soát, tiết giảm các khoản chi phí nói chung để kịp thời giảm giá bán sữa.
    Đây không phải là lần đầu tiên, Bộ Tài chính có những văn bản nhắc nhở, đôn thúc, với mục đích yêu cầu doanh nghiệp giảm giá sữa như vậy. Tuy nhiên, hiệu năng quản lý Nhà nước ở các chỉ đạo này rất thấp.
    Ngọc Anh (Tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-sua-to-gan-tang-gia-truoc-gio-g-co-quan-quan-ly-noi-gi-a90232.html
    Sự kiện: Giá Sữa
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan