+Aa-
    Zalo

    Giá xăng: Tránh "sốc" nên chỉ tăng 1.600 đồng/lít?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Giá xăng bán lẻ đã phải tăng tới 3.500 đồng/lít (mức giá cơ sở cao hơn giá bán) trong đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/3. Tuy nhiên cũng để tránh “sốc”...

    (ĐSPL) - "Giá xăng bán lẻ đã phải tăng tới 3.500 đồng/lít (mức giá cơ sở cao hơn giá bán) trong đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/3. Tuy nhiên cũng để tránh “sốc”, cơ quan quản lý chỉ điều chỉnh tăng 1.600 đồng/lít đối với giá xăng, 900 đồng/lít đối với giá dầu.", lãnh đạo Vụ thị trường cho biết.
    Giá xăng đáng lí phải tăng 3.500 đồng/lít
    Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương, hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã hoàn toàn theo cơ chế trị trường, phản ánh đầy đủ chi phí hợp lý hợp lệ và theo tín hiệu giá thế giới.
    Cũng theo ông Quyền, hiện có đến 70\% hàng xăng dầu trong nước được nhập từ thế giới, nên quy định điều chỉnh được thể hiện trong Nghị định 83 cũng như Thông tư liên tịch 39 về quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu.
    Báo Infonet dẫn lời ông Quyền cũng cho biết, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đáng ra đã tăng từ trước Tết Nguyên đán và đợt điều chỉnh sau Tết (ngày 24/2, tức Mùng 6 Tết), song để tránh xáo trộn tâm lý người dân và thị trường, liên Bộ Tài chính – Công thương đã quyết định "xả van" Quỹ bình ổn giá xăng dầu.  
    Tới đợt điều chỉnh gần đây nhất, ngày 11/3, đáng lý giá xăng bán lẻ đã phải tăng tới 3.500 đồng/lít (mức giá cơ sở cao hơn giá bán). Tuy nhiên cũng để tránh “sốc”, cơ quan quản lý chỉ điều chỉnh tăng 1.600 đồng/lít đối với giá xăng, 900 đồng/lít đối với giá dầu. Mức giá cơ sở chênh so với giá bán còn lại, 1.900 đồng/lít liên bộ tiếp tục xả Quỹ bình ổn giá để cân bằng.

    Theo Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước đáng lý giá xăng bán lẻ đã phải tăng tới 3.500 đồng/lít. Tuy nhiên cũng để tránh “sốc”, cơ quan quản lý chỉ điều chỉnh tăng 1.600 đồng/lít đối với giá xăng, 900 đồng/lít đối với giá dầu. (Ảnh minh họa).

    Theo khẳng định của Vụ thị trường trong nước, từ tháng 7/2014 đến nay rõ ràng đã có 15 lần điều chỉnh giá xăng dầu (trong đó 14 lần giảm, với mức giảm 10.000 đồng/lít), còn đợt tăng tăng ngày 11/3 vừa qua với 1.600 đồng/lít (tăng khoảng 10\%). Như vậy, nhìn chung xu thế giảm giá là chủ yếu, vẫn đang có xu hướng tác động có lợi cho sản xuất.
    Từ kỳ điều hành tháng 7/2014 đến nay đã có tổng cộng 15 đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, trong đó 14 lần điều chỉnh giảm với tổng mức giảm khoảng 10.000 đồng/lít, 1 lần điều chỉnh tăng. “Tổng chung xu hướng giảm vẫn là chủ yếu với tổng mức giảm giá lớn đã tác động tích cực vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống người dân”, ông Quyền bình luận.
    Nói về tác động đợt tăng giá xăng thêm 1.600 đồng/lít vào ngày 11/3 vừa qua, dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê ông Quyền cho hay, mức giá tăng này làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,03\%. Bình luận về tác động của tăng giá đầu vào, trong đó có giá xăng dầu, sẽ ảnh hưởng tới giá các mặt hàng thiết yếu thời gian tới, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước bày tỏ, lạm phát và CPI tăng thường do chi phi đầu vào (chi phí đẩy) và cầu tăng khiến giá tăng.
    Trước đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh giá dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại, giá xăng trong nước cũng có sự thay đổi kể từ 11/3. Đây được đánh giá là động thái hợp với quy luật, bởi nếu không tăng giá xăng thì buộc Nhà nước sẽ phải bù lỗ cho ngân sách.
    Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực sẽ dẫn tới tình trạng đầu cơ, buôn lậu ra nước ngoài dẫn tới nhiễu loạn cơ chế thị trường. Việc tăng giá xăng vào thời điểm này, theo đánh giá của các chuyên gia là hợp lý và đúng với quy luật kinh tế.

    Giá xăng tăng trong tháng 3 sẽ khiến giá tiêu dùng bị ảnh hưởng. (Ảnh minh họa).

    Doanh nghiệp và người tiêu dùng bị ảnh hưởng
    Theo tin tức trên báo Tri thức trực tuyến, giá xăng tăng trở lại buộc các doanh nghiệp cũng như người dân phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chi tiêu. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, xăng tăng giá đồng nghĩa với các chi phí đầu vào cũng tăng theo. Điều này khiến cho doanh nghiệp buộc phải tính toán lại hoạt động của mình.
    Bên cạnh đó, giá điện cùng một số mặt hàng có xu hướng tăng lên khiến áp lực chi phí dành cho các doanh nghiệp ngày một lớn.
    Chủ một công ty vận tải tại Quảng Ninh cho biết, giá xăng dầu tăng gây ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí hoạt động của các doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề khác nhau. Để đối phó với vấn đề này, các công ty sẽ luôn phải ràng buộc trong hợp đồng về mức phí vận tải sao cho phù hợp với tình hình giá xăng dầu thực tế. Điều này giúp các doanh nghiệp giảm nhẹ áp lực chi phí, mặc dù có thể sẽ gây ảnh hưởng tới giá cả chung trên thị trường.
    Hành vi tiêu dùng của người dân cũng có sự thay đổi, khi mà giờ đây họ sẽ phải cắt giảm nhu cầu cho các dịch vụ khác theo hệ quả của việc tăng giá xăng. Áp lực cho doanh nghiệp trong việc bán hàng và xử lý hàng tồn kheo theo đó cũng lớn hơn.
    Theo các chuyên gia, giá xăng tăng 1.610 đồng/lít, giá điện tăng 7,5\%, thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng từ tháng 5 tới, sẽ khiến nhiều mặt hàng có nguy cơ ồ ạt tăng giá theo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 giảm 0,05\% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm mạnh. Điều này đã tác động làm giá nhóm giao thông giảm mạnh ở mức 4,41\%, đóng góp 0,39\% vào mức giảm chung của CPI cả nước.
    Tuy nhiên, việc giá xăng tăng trong tháng 3 sẽ khiến giá tiêu dùng bị ảnh hưởng. Theo tính toán của chuyên gia, giá xăng tăng 5\% sẽ kéo theo CPI tháng 4 tăng 0,2\% và tiếp tục tăng 0,48\% trong 2 tháng sau đó.
    AN NHIÊN(Tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-xang-tranh-soc-nen-chi-tang-1600-donglit-a87712.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan