+Aa-
    Zalo

    Giải mã bí ẩn những nơi được mệnh danh là “lối vào địa ngục”

    • DSPL
    ĐS&PL “Lối vào địa ngục” là một trong những khái niệm mơ hồ thuộc về tín ngưỡng nhưng thực tế trên thế giới có 7 nơi được cho là gắn với tên gọi này.

    “Lối vào địa ngục” là một trong những khái niệm mơ hồ thuộc về tín ngưỡng nhưng thực tế trên thế giới có 7 nơi được cho là gắn với tên gọi này. Nơi đó bao bọc bởi những lớp màn bí ẩn, luôn thu hút sự chú ý và thách thức sự khám phá của con người.

    Ám ảnh xuyên thời gian

    Dù mang nhiều tên gọi khác nhau, hầu hết mọi tôn giáo đều tin rằng có một nơi đặc biệt và khủng khiếp dành cho những linh hồn đáng bị trừng phạt. Từ đường hầm bí ẩn ở Thổ Nhĩ Kỳ đến thành phố Maya Xibalba hoang sơ, từ những con đường dẫn tới ngôi đền Greco-Roman thờ thần âm phủ Hades đến thành phố linh hồn của Diêm Vương, các nền văn hóa trên khắp thế giới luôn có những truyền thuyết về lửa và diêm sinh, hang động và sông ngòi dẫn đến địa ngục.

    Những lối vào địa ngục theo đức tin của người dân địa phương hiện nay có thể đã trở thành tàn tích hoặc được nâng cấp thành điểm du lịch nhưng chúng vẫn luôn bao bọc bởi lớp màn của bí ẩn và truyền thuyết, thu hút sự chú ý của những nhà thám hiểm và khách du lịch quốc tế.

    Một trong những địa điểm đầu tiên phải kể đến là hang động Cape Matapan ở Hy Lạp. Mạng lưới hang động dày đặc ở Cape Matapan được người Hy Lạp cổ đại tin rằng là vương quốc của thần Âm phủ Hades. Tại đây, chàng nhạc công Orpheus tìm tới để cứu người vợ xinh đẹp Eurydice hay bờ vực người anh hùng vĩ đại Hercules từng giao chiến với chó ngao 3 đầu trong thần thoại chính là Cape Matapan.

    Các hang động của Cape Matapan nằm ở cực nam của Hy Lạp, phía cuối bán đảo Mani. Hiện nay, các hang động này đã trở thành địa danh du lịch và những vị khách muốn trải nghiệm cảm giác tới địa ngục sẽ chèo thuyền trong ánh sáng mờ ảo hắt lên từ đáy nước cũng như vô vàn hình thù lạ lùng của các nhũ đá rủ xuống từ trần hang.

    Ảnh minh họa. 

    Một địa điểm khác được mô tả là “cổng địa ngục” - núi lửa Hekla nằm ở phía nam đảo quốc Iceland. Hekla từng được biết đến như một lối vào địa ngục trong thế kỷ 12, sau trận phun trào nham thạch lịch sử năm 1104. Năm 1341, bản thảo tiếng Iceland nổi tiếng có tên “Flatey Book Annal” đã mô tả những con chim lớn bay lượn trên miệng núi lửa rực cháy kéo theo linh hồn của những kẻ xấu xa, ác độc.

    Theo các tài liệu ghi chép, đã có hơn 20 vụ phun trào nham thạch nghiêm trọng của Hekla được ghi nhận từ năm 874 sau Công nguyên. Mỗi lần phun trào, nó tạo ra lớp bụi cao đáng sợ và bao phủ một vùng gần 40km, điều này tựa như Hekla đang đưa những thứ tối tăm từ địa ngục lên trần gian. Kể từ khi núi lửa này tắt dần, các câu chuyện đồn thổi cũng biến mất từ giữa thế kỷ 19. Tuy nhiên, đến nay, Hekla vẫn giữ được vẻ hoang sơ và bí ẩn bởi người dân địa phương vẫn tin rằng đây là nơi các thầy phù thủy gặp gỡ ma quỷ và linh hồn.

    Ngay cả vào thời hiện đại, người dân Iceland vẫn rất sợ hãi khi nghe tin núi lửa này hoạt động lại. Vào năm 2000, núi lửa Hekla khiến cho du lịch Iceland điêu đứng vì bụi khói bao phủ đen kịt cả bầu trời.

    Một địa điểm khác, theo truyền thuyết được ghi lại bởi nhà sử học La mã Livy, Lacus Curtius từng là một miệng hang lớn xuất hiện ở giữa thành Rome (Italy) và không gì có thể lấp đầy. Một nhà tiên tri từng tiên đoán rằng miệng hang sẽ không đóng lại và vương triều sẽ sụp đổ nếu thành phố không hy sinh điều làm nên sức mạnh của nó.

    Một hiệp sĩ có tên Marcus Curtius cho rằng sức mạnh của thành Rome chính là vũ khí và lòng dũng cảm của con người nơi đây. Chàng quyết định mặc giáp sắt, cầm lao và phi ngựa vào giữa miệng vực dẫn xuống địa ngục. Nhờ lòng dũng cảm của hiệp sĩ, miệng hang đã đóng lại. Để tôn vinh người anh hùng, địa điểm này đã được đặt tên theo chàng và trở thành một điểm du lịch nổi tiếng về sau.

    Một cái tên đáng chú ý khác – hang động Actun Tunichil Muknal nằm ở núi Tapir thuộc quốc gia ở Trung Mỹ Belize. Hang động Actun Tunichil Muknal từng được cho là lối vào địa ngục của người Maya và còn có tên gọi khác là Xibalba. Cái tên Actun Tunichil Mukna mang ý nghĩa “Hang động của những lăng mộ thủy tinh”, gắn liền với những truyền thuyết cổ xưa của người Maya về các dòng máu và mê cung ngầm dưới lòng đất do các vị thần chết Xibalba cai trị.

    Các hang động của Actun Tunichil Muknal đã trở thành điểm đến thu hút các nhà thám hiểm kể từ năm 1989. Một trong những khám phá đáng chú ý nhất là bộ xương của một cô gái 18 tuổi có thể từng bị hiến tế cho thần chết. Hơn một nghìn năm sau cái chết của nàng trinh nữ, bộ xương bị vôi hóa, tạo ra hiệu ứng pha lê lung linh đã được giới nghiên cứu khoa học gọi bằng cái tên mỹ miều "Cô gái Pha lê".

    Những “thành phố ma quái”

    Trong hàng nghìn năm lịch sử, mạng lưới hang động “Ploutonion” tại tỉnh Denizli, Thổ Nhĩ Kỳ(còn được gọi là “Lối vào Pluto”) không gây được sự chú ý của người dân địa phương. Thế nhưng, năm 1965, tại thành phố cổ Hierapolis, gần Pamukkale của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi các nhà thám hiểm khai quật được một ngôi đền cổ có hình vẽ của Diêm Vương, các tin đồn về lối vào địa ngục bắt đầu lan truyền.

    Một trong những điểm đặc biệt của cổng Pluto là làn khói độc bốc lên từ các đường hầm bên dưới. Trong thời cổ đại, những làn khói này được cho là phép thuật của thần Pluto dùng để mê dụ các linh hồn. Di tích của cổng địa ngục được tìm ra bởi một nhóm khảo cổ dẫn đầu là giáo sư Francesco D'Andria thuộc đại học Salento, Ý. Giáo sư Francesco cho hay: “Chúng tôi tìm thấy Cổng Pluto bằng việc tái tạo lại những dòng suối nước nóng bắt nguồn từ hang động này, nơi sản sinh ra những bãi đá vôi trắng nổi tiếng. Chúng tôi có thể thấy được các chất gây chết người ở đây trong suốt cuộc khai quật. Một vài con chim đã chết do khí CO2 khi chúng cố lại gần cánh cổng”.

    Đội khảo cổ đã tìm thấy nhiều cột Ion, phía trên cột có những vết khắc biểu hiện sự cống hiến cho thần chết Pluto và Kore. Ngoài ra, vết tích của một ngôi đền, hồ nước và vài bậc thang phía trên hang đã được tìm thấy. Tất cả đều khớp với bản mô tả về “cổng địa ngục” trong các tài liệu cổ. Người cổ đại chỉ có thể đứng nhìn các nghi thức thần thánh từbậc thang này, chứ họ không thểđứng gần cánh cổng, chỉ có các linh mục mới có thể đứng ngay trước cánh cổng này.

    Một địa điểm khác được nhắc đến là Fengdu – thành phố 2.000 năm tuổi ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Người dân địa phương tin rằng đó là điểm dừng chân của người chết trên đường sang thế giới bên kia.

    Có từ thời nhà Hán (206 trước CN - 220 sau CN), Fengduđược xây dựng trên nguyên tắc Âm – Dương. Thành phố Fengdu nổi tiếng với kiến trúc truyền thống và các đường nét chạm trổ tinh xảo. Tác phẩm điêu khắc nổi bật nhất là “Diêm Vương” - một khuôn mặt khổng lồ, nhìn xuống thành phố từ đỉnh núi. Với độ cao 452 feet và 712 feet, đây cũng là tác phẩm điêu khắc đá lớn nhất trên thế giới.

    Cũng như Fengdu, thành phố Beppu của Nhật Bản từng được biết đến với 9 suối nước nóng có màu sắc và thành phần hoàn toàn khác biệt. Ít ai biết khu du lịch nghỉ dưỡng thơ mộng này từng gắn liền với truyền thuyết về Chinoike Jigoku hay còn được gọi là “Hồ máu địa ngục”. Ngoài màu đỏ tự nhiên của nguồn nước, các phiến đá dưới đáy suối có những hình chạm trổ gương mặt thần chết bí ẩn và đáng sợ.

    Các Phật tử Nhật Bản ví Chinoike Jigoku như hỏa ngục dưới âm ty. Từ xa xưa, nhiệt độ ở đây rất nóng, khoảng 78 độ C. Theo các tài liệu ghi lại, nó được sử dụng để tra tấn các tù nhân trước khi hành hình.

    THU PHƯƠNG – HOÀNG ANH 
    Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật chủ nhật số 25 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-bi-an-nhung-noi-duoc-menh-danh-la-loi-vao-dia-nguc-a234600.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan