+Aa-
    Zalo

    Giải mã cơn sốt... “thần dược” của đồng bào Cơ Tu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Người ta đồn rằng, có một loại cây rừng, được coi như "thần dược" của đồng bào Cơ Tu. Loại "thần dược" thảo mộc này có thể chữa được bách bệnh. Vậy là người ta đùng đùng lên rừng đi "săn thần dược"...

    (ĐSPL) - Người ta đồn rằng, có một loại cây rừng, được coi như "thần dược" của đồng bào Cơ Tu. Loại "thần dược" thảo mộc này có thể chữa được bách bệnh. Vậy là người ta đùng đùng lên rừng đi "săn thần dược"...
    Những ngày vừa qua, đường dây nóng của báo Đời sống và Pháp luật liên tục nhận được những cuộc điện thoại của bạn đọc hỏi về công dụng thực sự của cây chà dây, loại “thần dược” đang được người dân lùng sục tìm mua. Chiều 23 và sáng 24/2, PV đã có mặt tại vùng núi giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng để tìm hiểu thực hư về vấn đề này.
    “Thần dược chữa bách bệnh”...là cây chè rừng
    Khác xa với mong đợi ban đầu, vì dù đã cất công dò hỏi khắp các xã vùng cao của huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), PV vẫn không thấy bóng dáng của những người dân đi “săn” thần dược chà dây ở đâu. Tuy nhiên, có một điều lạ là ở những quán nước ven đường vẫn rất đông người nghỉ chân và  hầu như đều đang bàn tán rôm rả về những câu chuyện liên quan đến “thần dược” đặc biệt của đồng bào Cơ Tu.
    Trao đổi với PV, bà Hồ Thị Thu (61 tuổi) chủ một quán nước nằm ven quốc lộ 14G, đường lên thị trấn Prao (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Phong trào săn cây chà dây rộ lên từ đợt trước tết. Không biết công dụng thực sự của loại cây này ra sao nhưng nghe người ta đồn rằng đây là loại biệt dược của đồng bào Cơ Tu, trị được bá bệnh... Cũng không rõ thông tin từ đâu cho biết cây chà dây mọc rất nhiều ở khu vực này, nên người dân đổ xô lên đây tìm mua về uống...”.
    Anh Nguyễn Anh Tuấn (ngụ quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) cho biết thêm: “Tôi có người bạn làm ở trạm kiểm lâm huyện Đông Giang mách cho bài thuốc quý của người Cơ Tu là dùng cây chà dây, đem phơi khô về chưng uống sẽ có tác dụng điều hòa huyết áp, chữa bệnh tiểu đường rất tốt... Nhà tôi có ông cụ bị bệnh tiểu đường chữa mãi không khỏi, thế là tranh thủ cuối tuần lên đây tìm mua về cho cụ uống thử...”. Không riêng gì anh Tuấn, mà có rất nhiều người dân chủ yếu ở TP. Đà Nẵng cũng tìm lên khu vực này  mua loại “thần dược” đem về dùng.
    Giải mã cơn sốt... “thần dược” của đồng bào Cơ Tu
    Thiếu tá A Lăng Xuân giới thiệu về cây “thần dược”.
    Biết PV đang tìm hiểu về loại “thần dược” đang lên cơn sốt trong thời gian qua, thiếu tá A Lăng Xuân (Đội CSGT công an huyện Đông Giang) đang làm nhiệm vụ gần đó, chia sẻ: “Mình là người Cơ Tu chính hiệu nên mình biết rõ về loại cây này. Cây chà dây được đồng bào mình gọi là cây chè rừng. Khác với loại “chè ta”, chè rừng là loại thân dây, lá thon nhỏ, có hình răng cưa, chúng mọc chủ yếu ở khu vực triền núi, nhiều nhất là ở các khu đồi mới được phát quang trồng rừng mới...”.
    Thiếu tá A Lăng Xuân cho biết thêm: “Người Cơ Tu biết về công dụng của cây chè rừng từ trước giải phóng. Cây chè được chặt về đem phơi khô chừng 3, 4 nắng sau đó cho vào bao ủ kín. Mỗi lần nấu cho một nhúm bằng nắm tay vào nồi chưng lên. Lúc đầu uống vào cổ sẽ có vị đắng, nhưng khoảng một hai phút sau cổ họng sẽ trở nên ngọt ngọt. Chè rừng có rất nhiều công dụng nhưng chủ yếu là chữa tiểu đường, dạ dày, hạ huyết áp...”.
    Cũng theo thiếu tá A Lăng Xuân, anh em làm trong ngành, cánh kiểm lâm, cán bộ huyện, xã được người dân ở đây quý mến nên họ hay đem chè rừng biếu. Mọi người uống thấy ngon, ăn được nhiều cơm, đêm ngủ ngon giấc, người sảng khoái nên truyền tai nhau. Có lẽ vì vậy mà người dân dưới xuôi biết được loại cây đặc biệt này nên tìm lên đây mua về uống.
    Người dân đổ xô lên rừng săn “thần dược”
    Một đồn mười, mười đồn trăm, công dụng quý của cây chà dây được thổi lên tận mây xanh thế nên chuyện dòng người đổ xô lên khu vực vùng núi giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng tìm mua “thần dược” cũng chẳng có gì là lạ! Có cầu ắt có cung, người dân bản địa trước đây hay lên rừng chặt cây chà dây về nấu nước uống nay chuyển sang đi chặt cây chà dây về phơi khô đem bán cho khách qua đường. Thêm vào đó cánh thương lái “ngửi” thấy món lợi rất lớn từ loại cây này nên đổ xô lên đây tranh nhau thu mua. Giá của cây chà dây cũng nhanh chóng được “đội” lên một cách chóng mặt.
    Trước tết, giá mỗi kg chè rừng khô chỉ dao động từ 30.000 - 60.000 đồng/kg thì này được thổi lên tận 150.000 đồng/kg loại bình thường, còn nếu loại 1 thì có giá đến 200.000 đồng/kg. Không chỉ thu mua chè rừng đã qua “chế biến” (loại đã được phơi khô - PV), người dân, thương lái còn đặt mua luôn cả những cây chà dây còn tươi với mức giá “chát” không kém từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Món lợi quá lớn, cộng thêm sau tết công việc đồng áng tương đối rảnh rỗi nên người dân đua nhau lên rừng chặt cây chà dây về bán.
    Men theo quốc lộ 14G đi theo hướng lên thị trấn Prao, PV bắt gặp ngày càng nhiều những người dân tay dao, tay bị í ới gọi nhau lên rừng. Anh Mai Văn Tươi (32 tuổi, trú xã Ba, huyện Đông Giang) hớn hở khoe: “Đồng bào Cơ Tu mình đi làm cỏ trên rẫy, tiện thì chặt luôn cây chè rừng về uống thôi. Nhưng mà mấy ngày hôm nay, người Kinh ở dưới Đà Nẵng lên đây hỏi mua nhiều quá nên mình bỏ luôn rẫy để đi chặt chè rừng về bán. Khoảng 7-10kg chè tươi đem phơi thì thu được 1kg chè rừng khô. Từ trước tết tới giờ hai vợ chồng mình cũng bán được hơn 1 triệu đồng tiền chè rừng rồi...”.
    Đem thắc mắc tại sao khu vực đồi núi ở huyện Hòa Vang lại không tìm thấy bóng dáng ai đi “săn” chè rừng nhưng ở đây lại tập trung nhiều người như vậy? Ông A Lăng Prưu (42 tuổi, trú xã Tư, huyện Đông Giang) lý giải: “Các xã ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), xã Ba (huyện Đông Giang) vốn đã ít cây chè rừng sinh sống lại bị người dân lùng sục tìm kiếm từ trước tết đến giờ nên bây giờ cạn kiệt rồi, tìm đỏ mắt cả ngày cũng chẳng ra đâu. Giờ đây họ đổ dồn hết về xã Tư để “săn” chè rừng”.
    So với nhiều công việc đi làm thuê khác, lên rừng săn tìm chà dây thảo mộc thu nhập cao hơn nhiều. Chính vì vậy, từ khoảng 5h hằng ngày, nhiều gia đình đã dậy lục đục nấu ăn. Họ đem cơm canh theo để ăn bữa trưa ngay trên núi. Thêm vào đó, cánh thương lái trước kia chỉ chuyên làm đầu mối thu mua, đem về nhập cho các đại lý dưới thành phố. Nay thấy công việc nhẹ nhàng hái ra tiền, cũng mang theo dao, rựa bao bì lên núi “nhập hội” với người dân địa phương. Cơn sốt chè rừng đã khiến cho khu vực đồi núi xung quanh Dốc Kiềng (địa phận huyện Đông Giang, Quảng Nam) những ngày này đông vui như hội.
    Điêu đứng vì thương lái đột nhiên mất tích
    Không chỉ người dưới xuôi lên hỏi mua chè rừng, mà còn xuất hiện thông tin  thương lái Trung Quốc được dắt mối bởi người Việt đến đặt vấn đề thu mua cây chà dây thảo mộc với giá 150.000 đồng/kg và không hạn chế số lượng. Nghe vậy, các hộ gia đình thuộc các xã vùng cao của huyện Đông Giang, rồi ngay cả người dân dưới chân Dốc Kiềng cũng không quản ngại đường sá xa xôi lên rừng săn tìm thần dược. Chỉ trong một thời gian ngắn, chè dây hầu như biến mất luôn khỏi các cánh rừng quanh quốc lộ 14G, người dân buộc phải đi vào các cánh rừng nằm sâu trong núi mới tìm được cây chà dây.
    Số lượng chè rừng cả tươi, lẫn khô tích trữ trong các hộ gia đình cũng ngày một “dày” lên trông thấy. Chè rừng được chặt nhỏ đem phơi la liệt trong sân các hộ dân sống ven theo quốc lộ 14G, đoạn đi qua địa phận xã Ba, xã Tư của huyện Đông Giang. Tuy nhiên, các thương lái thì lại đột nhiên mất tích một cách bí ẩn. Cánh thương lái Việt sau đợt “oanh tạc” không thương tiếc trước tết nay cũng lặn một hơi mất tăm. Còn thương lái Trung Quốc thì chỉ nghe người dân nói với nhau chứ chưa ai tận mắt thấy bao giờ.
    Bỏ công bỏ việc lên rừng “săn” chè rừng về bán, có người nổi lòng tham còn tích trữ chè trước tết không chịu bán để đợi ra tết giá lên mới bán. Nay chè rừng chất đống trong nhà mà không ai tới hỏi mua, nhiều hộ dân lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười. Bà Nguyễn Thị Chạy (59 tuổi, trú xã Ba) tâm sự: “Nhà có hai mẹ con, ăn tết xong thay nhau vào rừng chặt chè rừng về phơi khô, tưởng ra tết bán kiếm ít đồng. Ai ngờ giờ không có ai mua, đành đem cất lên cao, để lâu lâu uống dần...”.
    Không riêng gia đình bà Chạy mà rất nhiều hộ dân trên địa bàn vẫn đang mòn mỏi chờ ngày thương lái tới gõ cửa, “rước” đống “thần dược” đi giùm để còn có thời gian làm việc khác.
    Thương lái Trung Quốc đặt mua “thần dược” chỉ là hoang tin
    Ông Phan Thanh Bình (Chủ tịch UBND xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Cây chà dây mọc khắp nơi trên núi, nhưng nhiều nhất vẫn ở khu vực xã Tư. Nhiều người dân trong vùng hay chặt về phơi khô đem nấu uống. Tuy nhiên, thông tin thương lái Trung Quốc lên đây đặt vấn đề mua chà dây số lượng lớn thì chỉ là tin đồn!”.
    Bạch Hưng
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-con-sot-than-duoc-cua-dong-bao-co-tu-a23239.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Hệ lụy khó chữa từ ‘thần dược” cho đấng mày râu

    Hệ lụy khó chữa từ ‘thần dược” cho đấng mày râu

    (Sức khỏe Online) - Tình trạng bệnh yếu sinh lý nam giới ở Việt Nam ngày càng có chiều hướng tăng lên. Kéo theo đó, nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng (TPCN) “đặc trị” bệnh này cũng được tung ra thị trường, quảng cáo rầm rộ trên truyền hình, internet… Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc, TPCN cường dương luôn tiềm ẩn những hậu quả khó lường…

    Dễ chết vì

    Dễ chết vì "thần dược giải rượu"

    (ĐSPL) - Thời gian gần đây, những viên "thần dược giải rượu" trở nên rất được ưa chuộng trong giới "nhậu" bởi vì nó được cho rằng có khả năng làm tăng "tửu lượng" của người dùng và bảo vệ cơ thể khỏi các tác động xấu của rượu. Nhưng thực hư thế nào, chỉ có khoa học mới chứng minh được.