+Aa-
    Zalo

    Giải mã điều thú vị về cả gia đình tham gia làm vòng nguyệt quế cho nhà vô địch Olympia

    • DSPL
    ĐS&PL Vừa qua, chương trình Đường lên đỉnh Olympia kỷ niệm 20 năm ngày phát sóng với phần thắng dành cho nữ sinh đến từ Ninh Bình.

    Vừa qua, chương trình Đường lên đỉnh Olympia kỷ niệm 20 năm ngày phát sóng với phần thắng dành cho nữ sinh đến từ Ninh Bình. Tuy nhiên không phải ai cũng biết hành trình ly kỳ của chiếc vòng nguyệt quế trao cho nhà vô địch. PV ĐS&PL đã về tận nhà của người thợ ở làng nghề Điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội để tìm hiểu chuyện thú vị này... 

    Dâu, rể, con, cháu cùng tham gia góp ý tưởng cho “siêu phẩm”

    Trận chung kết đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 đã khép lại, người giành được vòng nguyệt quế là thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng - Trường THPT Kim Sơn A, tỉnh Ninh Bình với số điểm 235. Bên cạnh cuộc leo núi gay cấn, nhiều người quan tâm đến chiếc vòng nguyệt quế được đặt tại sân khấu chính của chương trình.

    Khác hoàn toàn so với các vòng nguyệt quế trong các trận chung kết những năm trước, năm nay chiếc vòng dành cho người chiến thắng được chuẩn bị công phu, hình thức bắt mắt. Trước đó, MC Diệp Chi tiết lộ, đó là món quà của ông Trần Đình Tề (75 tuổi, ở xóm Thượng, xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội) một khán giả rất yêu thích chương trình Đường lên đỉnh Olympia dành tặng, đặc biệt hơn chiếc vòng nguyệt quế này được dát vàng 9999.

    Để hiểu hơn về quá trình làm ra chiếc vòng nguyệt quế đặc biệt này, chúng tôi tìm đến nhà ông Tề. Tới xã Sơn Đồng, đi tới đâu đều nghe thấy tiếng đục đẽo lách cách vang khắp đường thôn ngõ xóm, nhà ông Tề nằm ở cuối con ngõ nhỏ, thấy có khách đến, ông nở nụ cười hiền hậu đón tiếp chúng tôi.

    Ông Nguyễn Đình Tề giới thiệu về nguyên liệu làm ra vòng nguyệt quế. (Ảnh: Hữu Thắng)

    Khi được hỏi về mục đích cũng như ý tưởng thực hiện chiếc vòng nguyệt đặc biệt, ông chia sẻ: “Việc gia đình tôi làm tặng chiếc vòng nguyệt quế xuất phát từ sự yêu thích của tôi. 20 năm qua tôi dường như không bỏ một buổi phát sóng nào của chương trình. Là một người hâm mộ, tôi thấy chiếc vòng nguyệt quế mà mọi năm sử dụng để trao cho quán quân chưa xứng tầm. Đặc biệt, năm nay kỷ niệm 20 năm chương trình lên sóng, tôi nghĩ cần phải có điều gì đó đặc biệt. Và ý tưởng làm chiếc vòng nguyệt quế dành tặng chương trình đã nhen nhóm trong tôi từ đầu năm 2020. Sau đó, tôi nói ra điều mình mong muốn làm với con cháu, may mắn cả nhà đều ủng hộ”.

    Tuy nhiên, ông Tề lại lo lắng việc mình làm tặng không được chấp nhận. Vì thế, ông đã viết thư gửi cho chương trình bày tỏ ý tưởng, mong muốn của mình.

    “Ban đầu tôi chỉ đề đạt nguyện vọng tặng cho chương trình, còn chương trình muốn sử dụng ra sao là quyền của họ. Cuối cùng họ đã quyết định trao cho người thắng cuộc trong trận chung kết”, ông kể.

    Ông Tề cũng chia sẻ, vì là người con của làng nghề mỹ nghệ nên việc làm một chiếc vòng nguyệt quế sơn son thếp vàng không có gì là khó bởi các nguyên liệu đều có sẵn. Sau khi nhận được câu trả lời của chương trình, ông cùng con cháu bắt tay vào làm. Tưởng rằng việc này chẳng có gì khó khăn với những người thợ lão luyện trong nghề như gia đình ông nhưng không ngờ rằng đến khi bắt tay vào làm lại gặp nhiều vấn đề đến vậy khiến cho việc làm chiếc vòng nguyệt quế kéo dài 4 tháng trời mới xong.

    “Để có chiếc vòng nguyệt quế hoàn thiện trao cho quán quân cuộc thi Olympia, cả gia đình tôi từ dâu, rể, con cháu đều đóng góp một phần ý kiến, công sức. Ban đầu, ngoài việc tạo hình chiếc vòng với lá oliu xung quanh thì tôi muốn mang hình ảnh Khuê Văn Các gắn lên trên chiếc vòng nhưng mọi người góp ý không phù hợp nên bỏ. Sau đó, cháu gái tôi nêu ý tưởng biểu tượng là Olympia ở giữa là số 20 - kỷ niệm 20 năm phát sóng. Không những vậy, con dâu tôi còn nêu ý tưởng thêm những bông hoa cho chiếc nguyệt quế mềm mại”, ông Tề kể.

    Sau khi thống nhất được hình dáng đến công đoạn chọn vật liệu lại vấp phải những bất cập. Ban đầu, chiếc vòng nguyệt quế được làm bằng gỗ nhưng sau khi làm xong thấy chiếc vòng nặng và dễ đứt gãy. “Tôi đã tạo khắc thành những chiếc lá rồi có ý định sẽ gắn thành vòng nhưng rồi cũng thất bại. Sau đó, tôi quyết định làm bằng tre - dễ dàng uốn tròn và cũng là nguyên liệu được sử dụng để làm mũ cánh chuồn cho các pho tượng được tạc. Bên cạnh đó, nguyên liệu này rất nhẹ, bền và dễ dàng tạo khắc. Để làm chiếc vòng nguyệt quyết sử dụng hai lớp tre, ép chặt lại bằng keo dính chuyên dụng”, anh Nguyễn Bá Tình chia sẻ.

    Con trai ông Tề giới thiệu về nơi thực hiện quá trình mạ vàng cho vòng nguyệt quế. (Ảnh: Hữu Thắng)

    Khi được hỏi để mạ chiếc vòng nguyệt quế cần bao nhiêu số lượng vàng, ông Tề cười cho hay: “Đây là món quà tinh thần mà cả gia đình tôi muốn gửi đến các nhà leo núi, không đặt nặng vấn đề vật chất ở đây”.

    Tình yêu với chương trình "leo núi"

    Không chỉ dành tặng cho chương trình món quà ý nghĩa trong trận chung kết năm thứ 20, ông còn là một người hâm mộ của chương trình Đường lên đỉnh Olympia trong suốt 20 năm qua. “Tôi rất yêu thích những sân chơi trí tuệ như Đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông vàng, Thần đồng Đất Việt... Tuy nhiên, những sân chơi như vậy đến nay chỉ còn Đường lên đỉnh Olympia. Suốt 20 năm qua, kể cả khi còn công tác, tôi luôn dành thời gian vào các buổi Chủ Nhật để theo dõi chương trình, trừ trường hợp công việc bận quá không thể hoãn tôi mới bỏ xem”.

    Không chỉ vậy, ông luôn ghi lại từng trận đấu một, dõi theo từng phút gay cấn, cân não của các thí sinh. Khi hỏi ông với tình yêu lớn dành cho Đường lên đỉnh Olympia như vậy, ông có ý định tiếp tục thực hiện làm những vòng nguyệt quế cho các năm sau không? “Anh Ngọc Huy ở chương trình bảo tôi: Từ năm sau sẽ đặt tôi làm 73 chiếc vòng nguyệt quế như vậy. Tôi chỉ cười trừ vì dù anh có đặt vấn đề làm thật thì chắc tôi cũng không đồng ý. Tại sao năm ngoái, năm kia tôi không làm mà năm nay tôi mới làm. Tôi muốn chiếc vòng nguyệt quế do gia đình tôi làm phải có sứ mệnh riêng của nó”, ông Tề chia sẻ.

    Chia tay chúng tôi, ông Tề đang viết dang dở bức thư chúc mừng Thu Hằng - nhà vô địch Olympia 2020. Điều mong muốn lớn nhất của ông Tề, chương trình sẽ mãi là sân chơi bổ ích, thú vị mang lại kiến thức cho cho các thế hệ tương lai của đất nước.   

    Anh Trần Đình Lâm (43 tuổi) - con trai ông Tề cho hay: “Khi biết ông có ý tưởng đó, tôi rất ủng hộ. Bản thân tôi cũng là một người yêu thích chương trình, thấy đây là một sân chơi bổ ích. Tôi cũng góp một phần công sức của mình vào việc thực hiện công đoạn sơn son thếp vàng cho chiếc vòng “ nguyệt quế”.

    Phong Linh - Lê Nga

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật kỳ 2 số Chủ Nhật (39)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-dieu-thu-vi-ve-ca-gia-dinh-tham-gia-lam-vong-nguyet-que-cho-nha-vo-dich-olympia-a341151.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan