+Aa-
    Zalo

    Giải mã “đồ độc” và cuộc chiến một mất, một còn của các thầy cúng

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Sống nơi thâm sâu cùng cốc của dải đất miền Trung, không ít người dân bị ám ảnh bởi những thứ bùa phép “đặc dị” dễ gây hoang mang, khiếp đảm.

    (ĐSPL) - Sống nơi thâm sâu cùng cốc của dải đất miền Trung, không ít người dân bị ám ảnh bởi những thứ bùa phép “đặc dị” dễ gây hoang mang, khiếp đảm. Thậm chí nó cũng là nguyên nhân sâu xa của những cái chết đau lòng. Vấn nạn này bắt nguồn tứ chính “đội quân thầy cúng” núp bóng thần linh dùng mưu ma chước quỷ, gieo rắc cái chết và nỗi sợ hãi từ quá khứ, dai dẳng cho đến hiện tại.

    Câu chuyện về “đồ độc, tức một đồ vật nào đó được yểm thành “độc” hoặc có “ma độc” tiềm ẩn đã gieo rắc nỗi kinh hoàng trong một bộ phận đồng bào thiểu số. Nó được xem là “bảo bối” cho những kẻ bất chính và nỗi sợ của một bộ phận người dân tộc hạn chế về thông tin, hiểu biết. Điều tai hại là chính các thầy cúng, thầy phù thuỷ cũng có những “cuộc chiến ngầm” để tranh quyền đoạt lợi, gây thêm nỗi sợ hãi vừa mơ hồ, vừa hiện hữu. Trong thế giới “ma mị” này không phải ai cũng biết những “luật ngầm” của nó, mà từ đó những tai ương bắt đầu phát tác...

    Những thầy cúng có uy lực ở miền tây Quảng Ngãi được người dân sùng bái như đất trời.

    Nỗi ám ảnh từ quá khứ

    35 năm về trước, khi vùng đất giáp ranh giữa Quảng Ngãi và Kon Tum vẫn còn biệt lập với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của bản làng bị chi phối bởi những lời khấn vái huyễn hoặc của những “thầy cúng”. Người làng sợ “thầy cúng” hơn sợ con cọp, con voi trong rừng. Tuy nhiên, chính trong nội bộ các “thầy cúng” cũng âm thầm tìm cách tiêu diệt nhau, để độc chiếm “chén cơm” trước nguy cơ bị “đồng nghiệp” thôn tính.

    Theo lời kể của già làng Đinh Minh Rê (thôn Nước Đốp, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi), cách đây hơn 30 năm. Trong làng lúc đó có thầy cúng già Đinh Văn Khum được rất nhiều người nhờ vả mỗi khi làng có việc và kiêm luôn việc chữa bệnh bằng cách niệm thần chú, cầu xin con ma rời khỏi người bệnh mỗi khi có ai đau ốm?!. Lúc đó, bệnh dịch diễn ra thường xuyên khiến người làng hơn chục mạng phải nằm vật vã đến chết. Thời đó, ai cũng tin là con ma đang trốn trong làng hại chết dân, hoặc ai đó yểm khiến người chết ngày một gia tăng trong làng. Người làng chọn “thầy cúng” Khum nhờ giải trừ, nhưng tình thế cũng chẳng có gì thay đổi.

    Có bệnh thì vái tứ phương, người làng lại nhờ đến thầy cúng “hạng 2” Đinh Văn Nhớ. Ông Nhớ liền rỉ tai từng người rằng ông Khum chính là kẻ “cúng chết người” dẫn đến cái chết của hàng chục người. Quá hoảng sợ, một cuộc họp khẩn cấp diễn ra trong bí mật giữa rừng, để tìm cách trị kẻ cúng khiến dân làng chết chóc. Đứng đầu không ai khác là “thầy cúng” Đinh Văn Nhớ. Sau đó, Nhớ âm thầm “bẫy” ông Khum, khi ông đang cúng bái. Được sự “đạo diễn” trước đó của Nhớ, nên một người trong làng khỏe mạnh vật vã như trúng bùa, trào bọt mép. Chỉ chờ có thế, ông Khum bị đánh đập dã man. Người làng cột ông Khum lại ném đá, giết chết, xác không toàn thây. Người làng sau đó vẫn bệnh, vẫn ốm, nhưng cái chết của ông Khum thì đã không cứu vãn được.

    Tiếp đó, tại xã Sơn Mùa, vụ án kinh hoàng vẫn còn trong tâm trí những điều tra viên huyện Sơn Hà dù đã diễn ra hơn 20 năm về trước. Ba thầy cúng trong làng chết trong một đêm vì một thầy bói tên Đinh Văn Trẩy chẳng biết từ đâu tới phán rằng, “làng này đã bị các thầy cúng yểm chết hàng loạt, nếu không nhanh chóng đuổi những thầy cúng ra khỏi làng thì Giàng sẽ giáng tội trong nay mai”. Thế là người làng quá sợ, giết chết ba thầy cúng trong làng ngay trong đêm. “Sau này, Trẩy mới thừa nhận mình nói bừa để đuổi các thầy kia ra khỏi làng, một mình độc chiếm ngôi vị “thầy cúng” trong cả một khu vực mà ba thầy cúng kia ngự trị hơn chục năm qua, nhưng không ngờ người làng giết ngay”, một điều tra viên kể lại sự việc.

    Kinh hoàng màn “đào thuốc độc” và bộ mặt thật của những kẻ quỷ quyệt

    Trải qua nhiều năm, nhưng Thượng tá Võ Văn Đãi (Trưởng Công an huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi), vẫn còn nhớ như in hình ảnh về chuyên án đầu tiên, liên quan đến hủ tục nghi kị cầm đồ thuốc độc. Thời điểm đó, “đồ độc – Giơ - rông” chính là nỗi ám ảnh thực sự đối với đồng bào H’re. Lợi dụng tâm lý sợ “đồ độc” của đồng bào thiểu số, rất nhiều kẻ xấu nghĩ ra trăm phương ngàn kế để trục lợi.

    Và vị “thầy cúng” đầu tiên bị “đọc vị” là bà lão lừa đảo Giá Hè, lang băm kiêm dị nhân biết “ngửi” mùi “Giơ – rông”. Bà Giá Hè là người dân tộc H’re, tên thật là Đinh Thị Miết (SN 1959, quê ở thôn Bồ Nung, xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi). Bản thân không biết chữ, nhưng bà Giá Hè lại nổi tiếng là một kẻ “học rộng, tài cao”, tinh thông mọi loại bùa chú... Nhiều người còn đồn rằng, trong tay bà Giá Hè còn có “Magang” - một loại “biệt dược” chuyên giải trừ tà độc, bùa chú hại người.

    Nắm được điều này, các đối tượng Đinh Văn Mắt, Đinh Văn Rách, Đinh Thăm, Đinh Văn Chiếc, Đinh Vì (cùng trú tại thôn Làng Rí, xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà) bắt đầu tìm cách câu kết, móc nối với bà Giá Hè đi lừa đảo. Để thực hiện thủ đoạn của mình, ban đầu các đối tượng tự chôn “Giơ – rông” vào ruộng lúa, chuồng bò, chuồng trâu, nhà bếp... của nhà mình. Sau đó, phao tin đồn mình bị đau ốm và tiến hành xem bói tìm “Giơ – rông” ở đâu để triệt tiêu.

    Tiếp đó, các đối tượng tổ chức cho Đinh Văn Mắt xem bói bằng lòng bàn tay để biết có ai bỏ “Giơ – rông” không?. Nhưng với bản chất lọc lõi của mình, chúng không để Mắt trực tiếp đi lấy “Giơ – rông” mà chúng tiếp tục đến nhà thầy lang Giá Hè để nhờ đi lấy giúp “Giơ – rông”.

    Khi các đối tượng này thực hiện việc xem bói đào tìm “Giơ – rông”, chúng chờ cho người dân tập trung thật đông mới chịu vào cuộc. Làm như vậy cốt để người dân tin rằng chúng thực sự tài giỏi và biết xem bói tìm “Giơ – rông”. Với thủ đoạn hết sức tinh vi trên, nhóm đối tượng đã diễn kịch rất “đạt”, khiến cho người dân trên địa bàn tin “sái cổ” vào biệt tài của chúng. Khi tìm được gói “Giơ – rông”, bà Giá Hè lấy tiền công từ 50.000 đến 500.000 đồng mỗi gói “Giơ – rông” tìm được. Sau đó Giá Hè đem số tiền này chia cho các đối tượng kia.

    Trong một thời gian ngắn, nhóm đối tượng trên đã tiến hành chôn hơn 40 gói “Giơ – rông” ở nhà của 30 hộ dân các xã Sơn Giang, Sơn Linh, Sơn Hải, Sơn Cao và tiến hành xem bói tìm “Giơ – rông”, chiếm đoạt hơn 6 triệu đồng của những gia đình trên. Không chỉ lừa tiền, mà một số thầy cúng còn lừa cả “tình” của người dân.

    Thượng tá Đinh Quang Ven (Trưởng Công an huyện Sơn Tây) cho biết, tháng 2/2014, cơ quan CSĐT vào cuộc vạch trần gã thầy cúng “yêu râu xanh” Đinh Văn Phước. Theo phản ánh, Đinh Văn Phước (trú thôn Nước Kỉa, xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây) biết “cúng ém” và hăm dọa cúng chết bất kỳ ai, nếu không tuân thủ theo ý kiến của hắn. Đinh Văn Phước “ép” một số phụ nữ trong thôn quan hệ bất chính với y, nếu ai không đồng ý sẽ bị hắn “ém” chết. Chỉ đến khi bị triệu tập lên trụ sở Công an huyện, Phước mới thú nhận, lợi dụng sự mê tín và trình độ dân trí còn thấp kém của người dân, nên uốn ba tấc lưỡi, lừa bịp mọi người, chứ thực chất y không hề biết cúng “ém” như người ta đồn thổi.

    Con số giật mình

    Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1975 - 2014, tại các huyện miền núi Quảng Ngãi đã xảy ra không dưới 200 vụ được cho là có liên quan đến “cầm đồ thuốc độc”, cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Riêng hai huyện Sơn Hà và Ba Tơ đã xảy ra 92 vụ với 122 người bị nghi và 28 người bị đánh chết”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-do-doc-va-cuoc-chien-mot-mat-mot-con-cua-cac-thay-cung-a76006.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan