+Aa-
    Zalo

    Giải mã tục dùng chung áo quan khi chết và những điều kỳ bí ở Nhà Lớn Long Sơn

    • DSPL
    ĐS&PL Vùng quê yên bình nằm bên sườn phía Đông Núi Nứa, thuộc xã Long Son TP.Vũng Tàu có những điều kỳ lạ khiến người ta tò mò.

    Vùng quê yên bình nằm bên sườn phía Đông Núi Nứa, thuộc xã Long Son TP.Vũng Tàu có những điều kỳ lạ khiến người ta tò mò. Hình ảnh người mặc áo bà ba đen, búi tóc củ tỏi, chân không đi dép hay phong tục một chiếc áo quan dùng chung khi chết... là những nét độc đáo không phải ai cũng biết tường tận...

    “Ăn của thổ hoàn lại thổ”

    Một ngày đầu tháng Bảy, PV ĐS&PL tìm đến Nhà Lớn Long Sơn (còn gọi là đền ông Trần) và được nghe kể nhiều điều kỳ bí, độc đáo trong tín ngưỡng của những người theo đạo ông Trần.

    Bà Lê Thị Kiềm – cháu đời thứ tư của ông Trần (người trông coi Nhà Lớn) kể, Nhà Lớn Long Sơn do ông Trần, tên thật là Lê Văn Mưu, người quận Giang Thành, Hà Tiên (nay là huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) xây dựng từ năm 1910 đến 1929 thì hoàn thành.

    Nhà Lớn Long Sơn được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1991.

    Hiện nay, Nhà Lớn là nơi thờ cúng Khổng Tử, Phật, gia tiên... với một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quý, tổng diện tích khoảng 2ha, chia thành các khu: Đền thờ nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ ông Trần.

    Vì những công trình do ông Trần tổ chức xây dựng đều nằm chung một khu vực nên nhân dân quen gọi đó là Nhà Lớn. Sau khi ông Trần qua đời và được đưa vào thờ cúng trong Nhà Lớn thì khu di tích này lại có thêm một tên gọi nữa là Đền ông Trần.

    Không chỉ có kiến trúc độc đáo, một trong những điều khiến nhiều người khó tin khi đặt chân đến đây là tín ngưỡng dùng chung áo quan sau khi chết. Bà Kiềm cho biết, lồng liệt (áo quan, quan tài – PV) có từ thời ông Trần. Lồng có nghĩa là mình theo trời theo Phật; còn liệt là nằm xuống, theo quan niệm “Ăn của thổ hoàn lại thổ”.

    Bà Lê Thị Kiềm – cháu đời thứ tư của ông Trần kể về nhiều điều ký bí ở Nhà Lớn Long Sơn.

    Bà Kiềm cho hay, đối với những gia đình theo đạo ông Trần khi có người qua đời, sẽ có một nhóm thanh niên gồm 4-5 người đến Nhà Lớn xin thỉnh lồng liệt về lo hậu sự. Tại đây, Nhà Lớn sẽ biếu 1 bó lá sáu tấm, 1 chiếc đệm, 1 chiếc chiếu và 4,5m vải đỏ, 4,5m vải trắng.

    “Đám tang được tổ chức rất đơn giản, người mất được quấn trong 3 lớp. Lớp thứ nhất là 4,5m vải trắng, lớp thứ hai là một đôi chiếu, lớp thứ ba là 4,5m vải đỏ, sau đó quấn tiếp bằng 5 ruột vải trắng, gọi là “võng thân”, sau đó thi hài được đặt vào chiếc bao quan thỉnh ở Nhà Lớn về. Dưới đáy huyệt để sẵn một đôi đệm, một đôi chiếu. Sau khi đưa thi hài xuống, người ta dùng 6 tấm lá chằm (lá dừa bện lại thành tấm) xếp vào huyệt, mỗi bên 3 tấm, mô phỏng hình nóc nhà 2 mái”, bà Kiềm kể.

    Sau khi chôn cất người mất xong, lồng liệt dùng để bao ở ngoài được mang về lại Nhà Lớn để dùng tiếp cho những người sau. Đặc biệt, đám tang không được để quá 24 giờ, nếu sáng tử thì chiều táng và chiều tử thì sáng sẽ táng. Ngoài ra, khi đưa đám không có trống kèn, không phúng điếu chỉ dùng trà, sau đó đến đưa ra huyệt. Nhà ai có đám mọi người đến phụ giúp, sau đó ăn bữa cơm đạm bạc, không đòi hỏi.

    Chiếc lồng liệt (áo quan) được những người theo đạo ông Trần dùng chung khi mất.

    Lý giải về phong tục này, bà Kiềm cho biết, bởi theo quan niệm do ông Trần dạy con người ai cũng như nhau, “sống thì đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quất”, giàu nghèo đều dùng chung lồng liệt.

    Tín ngưỡng truyền thống Nam Bộ

    Là người có nhiều năm nghiên cứu về đạo ông Trần, Ông Phạm Chí Thân – Nguyên Giám đốc bảo tàng, Phó Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tín ngưỡng ông Trần là tổng hợp văn hóa thờ đa thần của Việt Nam như: Khổng tử, Phật, Đạo lão, tổ tiên ông bà...

    Ông Phạm Chí Thân – Nguyên Giám đốc bảo tàng, Phó Chủ tịch kội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

    Lý giải về vấn đề các phong tục, văn hóa của đạo ông Trần không thể hiện qua văn tự mà đều được lưu truyền qua lời nói. Ông Thân cho rằng sau những cuộc khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ XIX ở An Giang thất bại, tại Long Sơn xuất hiện nhóm cư dân quý phái, phải chăng đây có thể là sư mai danh ẩn tích của một số nghĩa quân lẩn tránh sự truy sát của thực dân Pháp.

    Theo ông Thân, về đặc điểm kiến trúc Nhà Lớn có ảnh hưởng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, phần lớn được xây dựng kiểu nhà tứ trụ gồm 2 lầu chuông, lầu trống ở phía trước, theo kiểu tháp bát giác, tứ giác biểu ý tứ tượng, bát quái. Đây là một biểu hiện xu hướng dịch lý hóa của đạo Giáo, kế đó là những cái hồ lô (gọi là bầu trời), biểu thị cho vật đựng linh đơn, pháp thuật của các chư Tiên.

    Xét về bố cục kiến trúc các cơ sở thờ tự ở đây dù là tiền đình, hậu tự, về cơ bản là lắp ghép theo kiểu trùng thềm điệp ốc, trùng thềm trùng lương hay kiểu chữ nhị (II), chữ tam (III)... nói chung là kiểu thức kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng truyền thống ở Nam Bộ.

    Nghệ thuật kiến trúc Nhà Lớn Long Sơn đậm phong cách Á Đông theo kiểu chữ Công (I), bắt đầu bằng 2 dãy nhà khách, kế tiếp là Lầu Cấm, nhà Thánh, Lầu Trời (Lầu Giữa) Lầu Tiên, Lầu Phật, cuối cùng là nhà Hậu, ngoài ra còn nhà Dài, Long Sơn Hội, chợ, nhà bảo tồn ghe Sấm, nhà Mát...

    Những công trình mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc, chất liệu gỗ, cấu trúc chặt chẽ trở thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, một kiến trúc nghệ thuật độc đáo vẻ đẹp truyền thống không kém phần nguy nga tráng lệ nhưng vẫn hài hòa với tổng thể cảnh quan mà ít nơi nào có được. Trải qua hơn 100 năm, khách hành hương thập phương thuộc nhiều thế hệ đến đây chiêm ngưỡng tham quan đều phải kinh ngạc và khâm phục.

    Một phần trong quần thể kiến trúc Nhà Lớn.

    Về không gian, quần thể Nhà Lớn được kế thừa sáng tạo phong cách kiến trúc dân tộc độc đáo ở Việt Nam. Nằm giữa các công trình là Thiên tỉnh (Giếng trời), dưới mặt đất là hồ chứa nước mưa, nhưng thực tế đây là một không gian để trống từ dưới lên trời, thường có trong các công trình nổi tiếng thời Tây Sơn như chùa Tây Phương, chùa Kim Liên (Hà Nội), chùa Long Bàn, chùa Long Hòa, chùa Long Cốc (Bà Rịa Vũng Tàu)... là một bộ phận quan trọng của cấu trúc phong thủy liên hoàn trong tổng thể công trình. Nơi đây còn có tác dụng lấy ánh sáng, hứng gió điều hòa không khí tự nhiên, tạo khu quần thể luôn luôn thoáng mát, thoải mái.

    Cũng theo ông Thân, sau khi mất ông Trần để lại di sản Hán Nôm với 88 câu đối liễn và 94 bức hoành phi cho con cháu. Qua nội dung phản ánh khá phong phú đa dạng sinh động với những triết lý sâu sắc, hàm súc, sáng tạo, uyên bác, quan niệm về đạo và đời. Đây là tâm huyết của tiền các bậc tiền nhân dày công suy ngẫm, đúc kết truyền lại cho thế hệ con cháu, được giữ gìn bảo quản cẩn thận và nguyên vẹn.

    Tín ngưỡng Đạo ông Trần có nét riêng biệt trong cách dạy con cháu.Văn hóa theo quan niệm của ông, con người sinh ra ở thế gian này là cõi tạm, sống gửi, thác về theo quy luật tạo hóa nên cần mở rộng tấm lòng thương người, làm điều lành, tạo duyên lành. Giác ngộ được điều này con người sẽ không đi vào con đường tội lỗi, sai phạm đạo đức, pháp luật. Để nối nghiệp, ông cha phát huy nền đạo con cháu phải trau dồi đạo đức, rèn luyện nhân cách, biết sửa mình đem lại cho bá tánh có cuộc sống yên vui và hạnh phúc, không gây phiền não cho mọi người là tạo nghiệp.

    Tục lệ Nhà Lớn, khi có người quá cố, quan niệm của cư dân theo đạo ông cho rằng “sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách”, nên người đã mãn phần, dẫu là ai, dù giàu hay nghèo cũng một ngôi mộ đơn sơ, thậm chí không có tên trên bia mộ.

    Cần ghi chép thành văn tự lưu truyền đời sau

    Quá trình nghiên cứu về tín ngưỡng đạo ông Trần, một trong những trăn trở của ông Thân nhiều năm qua là việc kế thừa, lưu trữ bằng văn tự. Bởi theo ông Thân, để tránh “tam sao thất bản” những nét đẹp trong văn hóa, tính ngưỡng đạo ông Trần cần được ghi chép để lưu truyền lại cho con cháu, thế hệ mai sau. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này không có sự đồng nhất trong quan điểm ở gia tộc Nhà Lớn. “Theo tôi, để tránh sự mai một trong nét văn hóa, phong tục, tính ngưỡng của đạo ông Trần, chúng ta cần có sự ghi chép, lưu thành văn tự cho thế hệ con cháu mai sau.”, ông Thân chia sẻ.

    Hoàng Hưng

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (28)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-tuc-dung-chung-ao-quan-khi-chet-va-nhung-dieu-ky-bi-o-nha-lon-long-son-a331150.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan