+Aa-
    Zalo

    Giải pháp đưa các sàn thương mại điện tử vượt qua khó khăn COVID-19

    ĐS&PL Năm 2021, nền kinh tế toàn cầu chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19, các sàn thương mại điện tử phải đối diện với nhiều thách thức để phát triển và tồn tại.

    Dù đang cho thấy vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế và đời sống xã hội, đặc biệt khi dịch COVID-19 bùng phát song thực tế, thương mại điện tử còn phải vượt lên nhiều thách thức để phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

    Thương mại điện tử cũng là kênh tiêu thụ hàng hóa hiện đại, phục vụ đời sống người dân hiệu quả. Hoạt động thương mại điện tử đã và đang tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

    Theo thống kê từ Sách trắng thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử bán lẻ ổn định ở mức 18%, với doanh thu bán lẻ đạt 11,8 tỷ USD; đồng thời có tới 53% dân số Việt Nam đã tham gia vào mua bán lẻ bằng hình thức thương mại điện tử.

    Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hoạt động mua bán truyền thống gặp nhiều khó khăn. Điều này càng thấy rõ vai trò của hoạt động thương mại điện tử. Nhiều sàn thương mại điện tử đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân khi thực hiện giãn cách xã hội có thể kể đến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,...

    Bên cạnh đó, sự phát triển của các sàn thương mại điện tử gắn liền với sự phát triển kinh tế. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến nền kinh tế cũng ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động thương mại điện tử.

    giai phap dua cac san thuong mai dien tu vuot qua kho khan covid 19 dspl 1
    Các sàn thương mại điện tử gặp khó khăn trong dịch COVID-19.

    Phụ thuộc nhiều vào "Shipper"

    Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) cho hay, trước khi thành phố áp dụng chỉ thị 16, thỉnh thoảng chị vẫn săn sale đặt váy vóc, mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada. Tuy nhiên, khi Hà Nội siết chặt giãn cách thì nhu cầu mua sắm trên đó của chị "tụt về 0", vì shipper không đến được khu vực.

    Trong khi đó, anh Nguyễn Anh Tuấn (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, thời gian giãn cách xã hội, cơ quan anh cũng cho làm việc luân phiên, vì vậy anh có nhiều thời gian ở nhà hơn. 

    "Tôi tranh thủ thời gian rảnh rỗi để sửa sang nhà cửa, mua sắm các trang thiết bị ở nhà. Do các cửa hàng đóng cửa hết, nên tôi thường lên các trang shopee, tiki để đặt hàng", anh Tuấn cho hay.

    Cũng theo anh Tuấn, do khu vực anh ở "khá an toàn" nên việc shipper rất dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên một số mặt hàng anh đặt từ các shop trong TP.HCM chuyển đến chậm hơn dự kiến 4-5 ngày.

    Chia sẻ với PV, anh Phạm Văn Huân (SN 1992, sinh sống tại TP.HCM; chủ thương hiệu thời trang GENZ) cho hay, dịch bệnh đã khiến cho nhu cầu mua sắm của khách hàng giảm sút do thời trang không phải là một mặt hàng quá thiết yếu, nhất là giai đoạn giãn cách xã hội, nhu cầu đi ra ngoài vui chơi, giải trí không có.

    "Vận chuyển hàng hóa cũng là bài toán lớn của doanh nghiệp, bao gồm việc vận chuyển hàng hóa từ các nhà cung cấp đến kho hàng và việc vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng khi phát sinh đơn tháng. Tháng 7 GENZ ghi nhận mức đơn hủy hoặc đơn giao không thành công cao kỉ lục, gần 50%, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc khách hàng phải chờ đợi quá lâu, khách hàng hủy đơn do ở trong vùng dịch", anh Huân chia sẻ.

    Anh Huân cũng cho biết thêm, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp lại nằm ở chuỗi cung ứng. Hoạt động sản xuất thời trang vốn là một chuỗi cung ứng với rất nhiều mắt xích như đơn vị dệt vải, đơn vị in ấn, đơn vị gia công sản xuất. Tất cả các đơn vị trên đều sử dụng rất nhiều lao động, là các điểm có nguy cơ bùng dịch cao. Một trong các đơn vị gia công sản phẩm cho doanh nghiệp đã có công nhân dương tính với COVID-19, dẫn đến một số lô hàng do đơn vị đó gia công bị “treo” lại tại xưởng và không có hàng hóa phục vụ khách hàng.

    Trước tình hình dịch bệnh, anh Huân cho 2/3 nhân sự của GENZ làm việc online ở nhà, 1/3 nhân sự còn lại liên quan đến vận hành như quản lý kho, bộ phận đóng gói được công ty sắp xếp ở lại tại công ty với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và đảm bảo 5K. Không có bất kì nhân sự nào phải di chuyển ra đường trong suốt thời gian thành phố có Chỉ thị 16.
    "Mặc dù doanh thu và khối lượng công việc giảm sút nghiêm trọng do dịch nhưng công ty vẫn đảm bảo mức lương cho nhân sự trong công ty với tinh thần “không một ai bị bỏ lại”, anh Huân chia sẻ.

    Là một doanh nghiệp hoạt động khá mạnh trên sàn thương mại điện tử shopee, anh Nguyễn Tuấn (32 tuổi, Hà Nội) cho biết, đơn vị của anh kinh doanh khá nhiều mặt hàng trên shopee, như máy lọc nước, máy điện thoại, nước tẩy rửa.....

    Cũng như các doanh nghiệp khác, trong thời gian dịch bệnh phức tạp, đơn vị của anh gặp nhiều khó khăn như nguồn cung ứng bị gián đoạn, thị trường bị thu hẹp, nhu cầu mua hàng bị giảm do tình hình kinh tế giảm sút, và nhiều khoản chi ưu tiên. Shipper giao hàng đi lại gặp nhiều khó khăn, bị hoàn về nhiều do không giao được, cửa hàng offine khôn hoạt động.

    Trong đó, khó khăn nhất đối với doanh nghiệp là chuỗi vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn, khách hàng có nhu cầu mua nhưng không thể giao tới do chỉ thị 16 về vấn đề shipper, giao nhận. Gây đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu của khách hàng....

    Trước những khó khăn trên, doanh nghiệp của anh Tuấn đã phải cắt giảm nhân sự hỗ trợ lương cơ bản, chỉ làm 3 ngày/tuần để vận hành và đẩy mạnh các mặt hàng thiết yếu như “gel rửa tay khô” gửi hàng cho khách khi đặt online.

    Theo anh Tuấn, khi mà dịch bệnh như thế này thì cuối năm 2021 sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn, do chưa kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh vì có những biến thể của virut, lạm phát ở mức ổn định, nhu cầu mua sắm vẫn được đẩy mạnh vì nhu cầu mua sắm vẫn lớn, và nhu cầu mua các mặt hàng thiết yếu vẫn tăng cao, thiết bị di động sẽ là lựa chọn cho mỗi gia đình để có thể làm việc và học hành từ xa khi có dịch bệnh xảy ra.

    "Thương mại điện tử là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 2021"

    Theo anh Huân, nếu như năm 2020, thương mại điện tử ghi nhận mức độ tăng trưởng kỷ lục. Thì năm 2021, bài toán lớn nhất đặt ra lúc này là khả năng vận hành của các đơn vị vận chuyển, là linh hồn kết nối giữa người bán và người mua. Sức mua chắc chắn sẽ tăng, nhưng nếu các đơn vị vận chuyển không đáp ứng được khả năng tương ứng thì sẽ là một bài toán nan giải.

    Ngoài ra, sức mua tăng chỉ tập trung chủ yếu ở những ngành thiết yếu hoặc có nhu cầu lớn. Một số ngành hàng không thật sự thiết yếu sẽ có nguy cơ giảm mạnh. Các doanh nghiệp cần tỉnh táo trong việc lựa chọn sản phẩm đưa vào thị trường trong giai đoạn này.

    "Nhìn chung, mình vẫn tin tưởng rằng thương mại điện tử sẽ đạt được mức tăng trưởng cao hơn cả năm 2020 và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 2021", anh Huân nhìn nhận.

    Anh Huân cho hay, hướng đi tốt nhất của các doanh nghiệp online hiện tại là tập trung tối ưu trải nghiệm khách hàng và khai thác tối đa khách hàng cũ, là tài sản quý báu nhất của doanh nghiệp. Các chiến dịch Marketing để tiếp cận khách hàng mới vẫn cần làm, tuy nhiên nên cân đối tỷ trọng, nhất là đặt chúng trong bài toán bức tranh tài chính doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần linh hoạt đổi mới mô hình cho phù hợp với thực tế xã hội nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn này.

    Trong thời gian giãn cách thì bản thân nhu cầu mua sắm online vốn dĩ đã tăng cao. Các doanh nghiệp cần tối ưu được quy trình vận hành đồng thời phối hợp thật tốt với các chương trình có sẵn trên sàn thương mại điện tử nhằm tiếp cận tối đa với khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp

    Theo anh Huân, trước những khó khăn của tình hình dịch bệnh, anh mong muốn nhà nước thúc đẩy các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong mùa dịch như giảm lãi suất ngân hàng, giảm các chi phí sản xuất như điện, nước, tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi và tạo điều kiện để lưu thông hàng hóa.

    Trong khi đó, chia sẻ về hướng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong tình hình hiện tại, anh Tuấn cho hay "Thúc đẩy chuyển đổi số bán online, phủ sóng diện rộng trên toàn quốc, chuyển đổi số cho nhân viên thực tập và đào tạo làm việc từ xa khi dịch bệnh xảy ra không cần đến công ty, cửa hàng. Đối tượng khách hàng mở rộng, giá thành hạ xuống tới mức hợp lý để chiếm lĩnh thị phần khách hàng thân quen".

    Cũng theo anh Tuấn, doanh nghiệp mong muốn nhà nước có kế hoạch thúc đẩy hàng hóa lưu thông, phát triển kinh tế.

    "Mong muốn của doanh nghiệp là không nên để đứt gãy chuỗi cung ứng, giao hàng để người dân có ở nhà vẫn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, tránh những trường hợp nguồi hàng dồi dào nhưng không thể tới tay người dân, và người dân phải tự tay ra ngoài tìm mua những nhu cầu thiết yếu, vì phòng chống dịch là việc trường kỳ chứ không thể ngày 1 ngày 2 mà xong được, nên nhà nước cần vận dụng linh hoạt không nên áp dụng máy móc về việc ngăn việc lưu thông hàng hóa trong thời gian giãn cách", anh Tuấn chia sẻ.

    Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-phap-dua-cac-san-thuong-mai-dien-tu-vuot-qua-kho-khan-covid-19-a519940.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan