Mr Đàm hát nhạc Việt thập niên 70 "cháy sóng"


Chủ nhật, 24/08/2014 | 00:07


(ĐSPL) - Mặc dù chương trình TKVTG - Nhạc Việt thập niên 70 trực tiếp trên sóng VTV9 đã kết thúc nhưng Mr.Đàm đã thể hiện thêm 3 ca khúc gửi tặng cho những khán giả.

(ĐSPL) - Mặc dù chương trình TKVTG - Nhạc Việt thập niên 70 trực tiếp trên sóng VTV9 đã kết thúc nhưng Mr Đàm đã thể hiện thêm 3 ca khúc Sương lạnh chiều đông, LK Biển Tình - Biết nói gì đây và Tình có như không gửi tặng cho những khán giả có mặt tại nhà hát.

Chương trình Tình khúc vượt thời gian tháng 8 với chủ đề Nhạc Việt thập niên 70 diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình tối 23/8 là một đêm thưởng thức nghệ thuật xen lẫn nhiều cảm xúc giữa kỉ niệm và hiện tại. Sân khấu dàn dựng phù hợp cho từng tiết mục, đặc biệt là những bài hát được chọn lựa cho chủ đề này đều có dấu ấn riêng với nhạc sĩ cũng như âm nhạc giai đoạn đó.

Ngay từ giây phút đầu tiên, khán giả đã được đưa hồn mình trở lại với một thời của những bài hát kỉ niệm đậm chất thập niên 70 bằng ánh đèn nhiều màu sắc, âm nhạc bắt tai... Những nhạc phẩm gần như bất kì thanh niên, bạn trẻ nào ở giai đoạn ấy đều có thể hát theo, rất yêu thích như Đồng xanh, Yêu em và Tôi muốn kết nối thành một liên khúc qua phần trình diễn của nhóm Artista. Vừa quen, vừa lạ, không khí tràn ngập tình yêu, không gian của một thời trẻ trung với các bài hát mới của nhạc Việt đã tạo ngay thú vị cho người xem TKVTG.

 Nhóm Artista.

Thời nào cũng có những cách viết về tình yêu rất riêng, đặc biệt ở giai đoạn đi tìm cái mới cho nền tân nhạc, rất nhiều nhạc sĩ ở Sài Gòn thập niên 70 đã cho thấy sức sáng tạo ở ca từ lẫn giai điệu, điểm nhấn vẫn là cách chọn thể hiện ca từ giàu hình ảnh. Ca sĩ Tiêu Châu Như Quỳnh một lần nữa tái hiện ca khúc rất đỗi quen thuộc Biết đến thuở nào (Tùng Giang) với bản phối Tango tươi tắn, trẻ trung rất hợp với tai người nghe hôm nay.

Vẫn là nhịp của sắc thái tình yêu thời ấy, nhưng không khí của tình yêu tuổi trẻ hiện đại đã làm mới bài hát này. Mỗi bài hát được chọn, mang đến cho người nghe một cái nhìn riêng, đủ màu sắc trong làng nhạc bấy giờ. Và không thể không nhắc tới nhạc sĩ Quốc Dũng, người có rất nhiều bài hát đi vào lòng công chúng thời điểm đó . Ca sĩ trẻ Trần Phương được chọn lựa để hát một trong những ca khúc nằm lòng của giới trẻ lúc bấy giờ của nhạc sĩ Quốc Dũng mang tên Mai.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang vẫn là người dẫn dắt ban nhạc xuyên suốt chương trình, gần như anh dành những tình cảm rất đặc biệt và có màu sắc riêng cho từng bài hát. Có lẽ vì đó mà TKVTG có không khí không lẫn vào đâu được. Hai sáng tác gần như đã trở thành bạn đường của rất nhiều đôi tình nhân qua nhiều thập kỷ là Hãy yêu như chưa yêu lần nào (Lê Hựu Hà - Đông Đào hát solo) và Thương nhau ngày mưa (Nguyễn Trung Cang - Đông Đào ft Xuân Phú) đã được hòa âm mới, nhịp tươi hơn và có màu sắc nhạc nhẹ hôm nay, qua hai giọng hát Đông Đào và Xuân Phú góp thêm một kỉ niệm đẹp nữa của công chúng với âm nhạc.

Có thể nói, những bản tình ca có sức sống bền bỉ trải qua nhiều thế hệ, khi giai điệu đã đẹp mà ca từ đi vào lòng người bằng cách dẫn dắt tinh tế. Liên khúc Bên nhau ngày vui – Còn yêu em mãi – Ai đưa em về (Quốc Dũng – Nguyễn Trung Cang – Nguyễn Ánh 9) đã vang lên trong chương trình qua hai giọng hát rất trữ tình là Thanh Ngọc – Hồ Trung Dũng tạo điểm nhấn khó quên. Có thể thấy, liên khúc cũng là một trong các hình thức bài hát rất được ưa chuộng ở những năm 70 và kéo dài cho đến tận bây giờ. Và một trong những nhạc sĩ được nhiều bạn trẻ yêu thích thời bấy giờ có nhạc sĩ Đức Huy. Trong đêm diễn tối qua, anh đã tự mình biểu diễn sáng tác Cơn mưa phùn của mình cũng như bài hát Lệ đá (Trần Trịnh) được khán giả ủng hộ nhiệt tình.

 Nhạc sĩ Đức Huy.

Đặc biệt, hiếm hoi lắm Giám đốc âm nhạc TKVTG, nhạc sĩ Nguyễn Quang mới ra trình diễn cùng ca sĩ, và chính Hiền Thục là nữ ca sĩ xinh đẹp cùng với anh hát ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Đức Huy - Nếu xa nhau. Hẳn TKVTG tháng 8 là chương trình đa màu sắc nhất từ trước đến nay. Đi qua những miền cảm xúc có phần rất phóng khoáng, trẻ trung, Thanh Ngọc hát Tuổi 13 (Ngô Thụy Miên – Thơ: Nguyên Sa) theo cách riêng của mình, nhưng vẫn giữ được tinh thần của bài hát. Hay một Hiền Thục đủ sức lôi cuốn với ca khúc Trên đỉnh mùa đông (Trần Thiện Thanh).

 Nhạc sĩ Nguyễn Quang trình diễn cùng ca sĩ Hiền Thục.

Tiếp nối chương trình, sáng tác trữ tình của cố nhạc sĩ Phạm Duy là Chuyện tình buồn qua giọng hát Xuân Phú làm cô đọng thêm nữa đặc trưng sáng tác nhạc của giai đoạn những năm 70 thế kỉ trước.

Khá lâu, ca sĩ Ái Xuân mới xuất hiện lại trên sân khấu TKVTG, lần này, chị dành tặng cho khán giả hai bài hát mỗi khi nhắc đến là người yêu nhạc có thể nhẩm hát theo, đó là Ngọn trúc đào (Anh Bằng) và Gặp nhau làm ngơ (Trần Thiện Thanh). Có thể thấy, nhạc trữ tình xưa vẫn có màu sắc trẻ, nhí nhảnh và tươi mới, khi được thổi vào bản hòa âm mới thì vẫn đủ sức lôi cuốn người nghe hôm nay.

Kết chương trình chính là giọng hát gần như có một không hai của Đàm Vĩnh Hưng khi anh hát liền 3 tác phẩm rất nổi tiếng trong đời sống âm nhạc.

 Đàm Vĩnh Hưng.

Một Diễm xưa với cách biểu đạt ngôn từ giàu hình ảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và một rất đỗi day dứt, tha thiết nhưng không quá ủy mị ở tiết tấu hòa âm nhanh trong Rồi mai tôi đưa em (Trường Sa). Và sau cùng là một nét sáng tác luôn chứa đựng sự khao khát tình yêu đến tột cùng khi cách trở của Lê Uyên Phương là bài hát Tình khúc cho em nhận được những tràng vỗ tay không ngớt của khán giả.

 Mr Đàm đã thể hiện thêm 3 ca khúc Sương lạnh chiều đông, LK Biển Tình - Biết nói gì đây và Tình có như không gửi tặng cho những khán giả có mặt tại nhà hát.

Mặc dù chương trình đã kết thúc nhưng chính tình cảm của khán giả dành cho mình quá lớn, Mr Đàm đã thể hiện thêm 3 ca khúc Sương lạnh chiều đông, LK Biển Tình - Biết nói gì đâyTình có như không gửi tặng cho những khán giả có mặt tại nhà hát. Chương trình khép lại với một cảm xúc trọn vẹn, khó phai và lần nữa cho thấy âm nhạc dù ở giai đoạn nào nếu đã viết từ những cảm xúc chân thực đều hấp dẫn và đi vào lòng người.

Photo: Nguyễn Bá Ngọc 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mr-dam-hat-nhac-viet-thap-nien-70-chay-song-a47783.html