Anh trai Thành Lộc không vợ con, ở nhà thuê, đi xe ôm


Thứ 7, 17/10/2015 | 23:32


Từ lúc lọt lòng đã được gửi cho người khác nuôi, phải gọi cha mẹ bằng anh chị, số kiếp lang bạt đã vận vào cuộc đời và sự nghiệp Bạch Long khiến anh trở thành kẻ "ở trọ".

Từ lúc lọt lòng đã được gửi cho người khác nuôi, phải gọi cha mẹ bằng anh chị, số kiếp lang bạt đã vận vào cuộc đời và sự nghiệp Bạch Long khiến anh trở thành kẻ "ở trọ trần gian".

Tôi không chạnh lòng khi Thành Lộc thành công hơn

Nhà tôi khó nuôi con trai, anh lớn mất từ lúc mới sinh nên bố mẹ rất lo lắng. Khi tôi sinh ra, gia đình phải gửi tôi cho người trong dòng họ nuôi mới hy vọng sống được. Tôi gọi bố mẹ bằng anh chị. Ở với mẹ nuôi, tôi học được chữ nhẫn. Sau này lớn lên, mẹ nuôi mất, tôi trở thành người vô gia cư, nhưng cũng không có ý định quay về đoàn tự với gia đình.

Nhiều người bảo, Bạch Long và Thành Lộc là anh em ruột, nhưng Tổ đãi khác nhau. Tôi không buồn khi bị so sánh. Mỗi người có phần phước riêng. Ngày xưa tôi nổi tiếng ở lĩnh vực cải lương, Thành Lộc còn đang học trong trường Sân khấu Điện ảnh. Lộc kể, ngày đó đi diễn ở miền Tây, bà con cứ nhầm lẫn nó với tôi nên bày tỏ sự ái mộ. Sau này cải lương thoái trào, tôi về Idecaf và trở thành chứng nhân cho sự nổi tiếng của em mình.

Chuyện làng sao - Anh trai Thành Lộc không vợ con, ở nhà thuê, đi xe ôm

Bạch Long và NSƯT Hữu Châu trên phim trường Láng giềng trứ danh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhưng Thành Lộc cũng trầy trật lắm mới được như vậy. Khi trưởng thành, Lộc nói muốn đi con đường khác với bố mẹ và hai anh. Vì giọng hát của Lộc ở mức bình thường, không thể theo đuổi cải lương nên phải chọn hướng đi riêng.

Hai anh em tôi từ nhỏ không sống cùng nhưng chúng tôi vẫn học chung trường và theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật từ bố mẹ. Hồi đi học, đứa nào ăn hiếp Lộc, tôi đều tìm đánh chúng nó để bảo vệ em mình. Giờ lớn rồi, mỗi đứa đều có cuộc sống riêng. Thỉnh thoảng tôi về thăm mẹ, Thành Lộc ở cùng với bà cụ. Nhưng giờ mẹ tôi lớn tuổi, sức khỏe cũng không còn như xưa. Tôi đến nhà chỉ nhìn bà rồi đi. Ngày 30 Tết, tôi về đón giao thừa với gia đình nhưng thiếu mấy món mẹ nấu nên không khí buồn hơn trước.

Từng suýt tự tử vì không có xu dính túi

Cuộc đời tôi lận đận từ nhỏ nên sự nghiệp cũng lênh đênh theo. Tôi phải vật lộn từ những vai quần chúng, đóng thế cho không biết bao người. Đến khi có chút tên tuổi, tôi chứng kiến đồng nghiệp chơi xấu. Không phải đến giờ showbiz mới có những trò bẩn, thời của tôi người ta cũng tìm đủ mọi cách để bêu rếu lẫn nhau.

Tôi sợ chơi với người lớn rồi nên thành lập nhóm hát Đồng ấu Bạch Long. Vậy mà vẫn bị người ta đố kỵ. Họ tìm đủ mọi cách để gánh hát giải tán. Những người đó quá ích kỷ. Họ không nghĩ rằng tôi cố gắng vực dậy nền cải lương đang trên đà xuống dốc.

Bạch Long ăn chay trường, vừa không tốn nhiều tiền lại ít bệnh tật. Ảnh: Nguyễn Thành

Đoàn hát giải tán, cuộc sống của tôi rơi vào hoàn cảnh khốn đốn. Tôi thất nghiệp 4 năm liền, không có đoàn hát nào mời. Ngày xưa tôi quay video cho các nghệ sĩ hài, tiền đó tôi đắp vào gánh hát để bù lỗ. Tài sản trong nhà cứ lần lượt ra đi. Đến khi tôi không còn gì để bán ngoài chiếc đồng hồ, tôi bảo đứa học trò đi cầm. Một lát nó quay về trả lại, nói người ta chê, không cầm được. Nó đưa tôi 300 nghìn đồng, nói sư phụ tiêu đỡ đi, tiền này con mới lãnh lương. Nó về, tôi nằm khóc như mưa. Tôi thắp nhang, nói với Tổ nghiệp, hãy cho con được chết, vì tiêu hết số tiền này, con không biết lấy gì để sống nữa. Ông Tổ rất linh thiêng, qua 3 ngày sau, Huỳnh Anh Tuấn – giám đốc sân khấu kịch Idecaf – gọi điện nhờ tôi đóng thế trong vở Ba chàng lính ngự lâm.

Tôi vui lắm vì Idecaf dàn dựng các vở kịch nghệ thuật. Nhưng hơi lo vì chuyển sang sân khấu kịch chưa quen. Thành Lộc cũng ngại tôi về đó, sợ tôi diễn không được “lòi” cải lương. Vậy mà tôi chỉ xem qua một lần, diễn được khán giả vỗ tay rần rần. Từ đó tôi ở lại Idecaf.

Tôi đóng góp cả đời cho cải lương nhưng đến giờ cũng chỉ là gã nghệ sĩ nghèo không danh phận. Chuyện xét tặng danh hiệu nhiêu khê lắm. Ngày xưa hồ sơ của ba tôi bị người cán bộ giữ lại, không gửi ra Hà Nội. Ngoài đó người ta bảo, nghe ông Thành Tôn trong Nam hát bội hay lắm, sao chưa có danh hiệu. Rồi khi họ vào trong này, nghe danh tiếng của ba tôi từ người ái mộ, ông cụ được xét thẳng lên NSND. Ông khoác vai cán bộ đó và bảo: “Cảm ơn anh nhé, nhờ anh giam hồ sơ, tôi thành NSND chứ đáng ra ban đầu tôi chỉ được NSƯT”. Tôi biết sau này Thành Lộc cũng như vậy. Nó bị người ta ganh ghét nên đến giờ chỉ có NSƯT.

Người ta bảo không cần xét đến quá trình, nhưng đòi hỏi phải có giải thưởng Hội diễn toàn quốc. Họ nói vậy tôi cũng không cần danh hiệu làm gì. Tôi sống vì khán giả và sẽ chết vì nhân vật. Một ngày nào đó, tôi đứng trên sân khấu, chọc cười khán giả bằng vai diễn, rồi bước vào cánh gà, tôi nhắm mắt ra đi khi gương mặt còn đang tô son điểm phấn.

Tôi là số không nhà, không vợ, không con cái

Tôi sợ phải nhờ vả người khác, dù đó là gia đình mình. Bốn năm thất nghiệp, tôi giấu cả nhà. Thành Lộc có kêu tôi về ở cùng, nhưng tôi sợ làm gánh nặng của mọi người. Mấy chị gái ở Mỹ gọi điện về, tôi nói tôi ổn, khi nào cần sẽ gọi. Tôi không thấy cô độc, lòng tự trọng giúp tôi sống đẹp hơn.

Tôi vẫn ở nhà thuê, không có nhiều nhu cầu nên tiền kiếm được vẫn tằn tiện sống qua ngày. Tôi thuê phòng thoải mái một chút để thầy trò có thể tập tuồng ở nhà, thỉnh thoảng nấu ăn cùng nhau cho vui cửa vui nhà. Tử vi bảo số tôi không có nhà cửa, đất đai. Lúc mẹ nuôi còn sống, hai mẹ con ở ngôi nhà mặt tiền trên đường Phạm Ngũ Lão. Sau nhà bị tịch thu, tôi thành người vô gia cư.

Bạch Long đã xây dựng kịch bản cho cái chết của chính mình. Anh dặn học trò lo tang lễ cho mình theo cách hài hước nhất. Ảnh: Nguyễn Thành

Tôi không vướng bận tình cảm nên thời gian và tâm huyết đều dành cho công việc.

Năm 20 tuổi, tôi quen cô bán nước trước sân khấu kịch. Hai đứa sống với nhau như vợ chồng suốt 4 năm. Cô ấy đối xử rất tốt với mẹ tôi. Một mình người ta bỏ ống heo để có tiền tổ chức đám cưới vì lúc đó tôi chỉ mới vào nghề, toàn đóng vai quân sĩ, cát-xê chỉ 20.000 đồng, đủ một bữa chợ. Bỗng đùng một cái, mẹ tôi bệnh nặng, bao nhiêu tiền tiết kiệm, cô ấy đổ hết vào bệnh viện. Không bao lâu mẹ nuôi tôi mất.

Hai tuần sau đó, ba cô ấy tìm đến nhà nói chuyện với tôi. Ông ấy bảo, cậu làm gì để nuôi sống con gái tôi với số tiền bèo bọt đó. Tôi tự ái dữ lắm, nhưng người ta nói đúng, tôi không có cơ sở để bảo đảm tương lai cho vợ con. Tôi bảo chia tay, cô ấy không đồng ý. Nhưng một tháng sau, người ta đem thiệp cưới đến bảo chuẩn bị lấy chồng. Tôi khóc hết nước mắt, vật vờ 3 ngày đêm. Nhưng tôi tự an ủi, cô ấy có duyên nợ với mẹ, không phải tôi.

Mười mấy năm sau, tôi lại quen một cô gái, cũng người Hoa nhưng duyên số chẳng đến đâu. Tôi nghĩ, chắc số mình chỉ có vậy, nên chẳng buồn nhiều.

Tôi yêu trẻ con nhưng tôi không có ý định có con. Vì tôi đã ở tuổi này, muốn có cũng khó lắm. Hơn nữa tử vi nói, số tôi hiếm đường con cái, nếu có, con tôi là một thiên tài song bất hiếu. Nghĩ đến việc 2 vợ chồng nuôi con thành người nhưng nó không có đạo đức, thà đừng sinh còn hơn.

Tôi và Thành Lộc đều không nghĩ đến chuyện vợ con. Bố mẹ tôi rất tân thời, không bao giờ thúc ép chúng tôi lập gia đình rồi sinh con cái. Thậm chí trong nghệ thuật, họ cũng để anh em tôi tự quyết định hướng đi của mỗi đứa.

Theo Zing

Mời độc giả xem thêm video mục Giải trí:
[mecloud]rQwvyx3YdY[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/anh-trai-thanh-loc-khong-vo-con-o-nha-thue-di-xe-om-a115420.html