+Aa-
    Zalo

    Góc khuất của "nghề" giám khảo gameshow: Con tốt trên bàn cờ lợi nhuận?

    ĐS&PL Nhiều người cho rằng, gameshow là những chương trình thiếu đầu tư, chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà quên đi chất lượng...

    Nhiều người cho rằng, gameshow là những chương trình thiếu đầu tư, chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà quên đi chất lượng, nhà sản xuất giống như những con “bạch tuộc” vươn mình túm lấy lợi nhuận mà chẳng màng đến giá trị chân - thiện - mỹ và giám khảo là một trong những nạn nhân chịu nhiều mất mát nhất. Điều đó có đúng?

    Phải chấp nhận trở thành “miếng mồi ngon” của dư luận

    Xã hội hóa chương trình truyền hình là một xu thế. Thế nhưng, mục đích liên kết tốt đẹp ban đầu giữa nhà đài và công ty sản xuất đã bị biến tướng theo thời gian. Áp lực chiếm sóng khiến các nhà sản xuất sống chết câu khán giả, từ đó dẫn đến sự ra đời của nhiều chương trình dễ dãi, nhảm khiến dư luận phản ứng gay gắt.

    Nếu nhìn lại các vụ việc lùm xùm liên quan đến gameshow thì giám khảo chính là đối tượng “gây bão” dư luận nhiều nhất. Phải chăng giám khảo đang bị nhà sản xuất lợi dụng để câu rating cho chương trình?

    Giám khảo là một trong những yếu tố câu rating được nhà sản xuất đặc biệt quan tâm. (Ảnh minh họa)

    Một chuyên viên truyền thông của nhà sản xuất gameshow lớn thừa nhận, đúng là có những chương trình đặt yếu tố câu khách lên hàng đầu, nhưng nó chỉ là con số rất nhỏ. Tuy nhiên, khán giả đôi khi hơi quy chụp khi nói, nhà sản xuất sử dụng chiêu trò để câu khán giả. Trên thực tế, trước khi một chương trình ra mắt, ê-kíp sẽ lên sẵn một kế hoạch truyền thông từ giám khảo đến huấn luyện viên.

    Trong các gameshow, giám khảo là yếu tố vô cùng quan trọng, là một trong những tiền đề tạo nên sự thành công hay thất bại của chương trình. Thời gian qua, giám khảo gameshow thường được chọn theo thứ tự ưu tiên: Đầu tiên là những người có lượng fan hùng hậu, sau đó là cái tên có sức hút với dư luận và cuối cùng mới là chuyên môn.

    Vậy phải chăng giám khảo chỉ là con tốt trên bàn cờ? “Nếu nói, giám khảo là con tốt để đem lại lợi nhuận thì cũng đúng, vì mỗi chương trình, ban tổ chức đều mong muốn giám khảo bằng danh tiếng của mình tạo nên sự ảnh hưởng đến công chúng, lượng fan đông đảo. Những lợi thế từ số lượng fan, sự nổi tiếng của giám khảo sẽ giúp chương trình được khán giả đón chờ, từ đó rating và lợi nhuận của chương trình sẽ cao.

    Thực tế, việc mời những ngôi sao hạng A đó ngồi ghế nóng cũng đồng nghĩa với việc ban tổ chức sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn, có lẽ, con số ấy phải lên đến hàng tỷ. Vì vậy, nhà sản xuất cũng cần phải làm điều gì đó để đảm bảo nguồn thu cho chương trình. Nhìn chung, nhà sản xuất cũng chỉ mong có một chương trình tốt, tạo được tiếng vang và hai bên cùng có lợi”, chuyên viên truyền thông giấu tên cho biết.

    Phải chăng vì con số hàng tỷ đồng đó mà nhiều ngôi sao ngồi ghế giám khảo phải chấp nhận trở thành “miếng mồi ngon” của dư luận khi sự cố xảy ra. Một lần lỡ lời, một lần bị “mất sóng”,... là họ đã trở thành tâm điểm của dư luận và trong “cơn bão” đó đa số những cụm từ khó nghe và nếu không bản lĩnh, họ sẽ bị chiếc hố đen dư luận kia “nuốt chửng”.

    Nhà sản xuất “thất đức” khi bẫy giám khảo

    Vậy có hay không chuyện nhà sản xuất bẫy giám khảo, đưa giám khảo vào tròng để tạo hiệu ứng truyền thông ngược? “Thông tin bẫy giám khảo là vô căn cứ và đó cũng chỉ là tin đồn. Nhà sản xuất đều hiểu, muốn chương trình tồn tại và tiếp tục triển khai ở các mùa sau thì uy tín, chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu.

    Nếu vì lợi nhuận, vì truyền thông mà nhà sản xuất làm điều đó với giám khảo thì rất thất đức và bản thân giám khảo cũng đủ thông minh để nhận ra điều đó. Không nghệ sĩ nào chấp nhận sự lừa dối, đánh đổi để lấy danh tiếng cho gameshow”, chuyên viên truyền thông giấu tên cho biết.

    Một trong những điều khiến khán giả khó hiểu chính là sự im lặng của nhà sản xuất khi giám khảo đón bão dư luận. Đó có phải là hành động đem con bỏ chợ hay vì một lý do nào khác?

    Đại diện của một nhà sản xuất cho biết, nếu vấn đề phát sinh do lỗi của nhà sản xuất thì họ sẽ đứng ra để giải quyết, còn nếu vụ việc khởi nguồn từ giám khảo thì giám khảo phải tự chịu. Bởi, trong hợp đồng ký kết giữa hai bên, những điều này đã được ghi rõ. Vậy nên, không hề có chuyện trốn tránh hay đem con bỏ chợ.

    Lê Anh

    Dẫn nguồn từ báo giấy Đời sống & Pháp luật số 67

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/goc-khuat-cua-nghe-giam-khao-gameshow-con-tot-tren-ban-co-loi-nhuan-a192667.html
    Sự kiện: Sao Việt
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan