"Phù thủy" biến hình của màn ảnh Việt: Những giọt mồ hôi phía sau lớp mặt nạ


Chủ nhật, 27/08/2017 | 03:00


Cùng sự kiện

Không chỉ nội dung hay diễn xuất mà tạo hình nhân vật cũng là một trong những yếu tố làm nên nỗi ám ảnh cho khán giả khi ngồi trước màn hình.

Không chỉ nội dung hay diễn xuất mà tạo hình nhân vật cũng là một trong những yếu tố làm nên nỗi ám ảnh cho khán giả khi ngồi trước màn hình. Thế nhưng, chẳng mấy người thấu hiểu được nỗi khổ của người được hóa trang và người làm công việc hóa trang. Ẩn sau lớp “mặt nạ” ám ảnh đó là những câu chuyện đầy mồ hôi và nước mắt.

Ám ảnh, nguy hiểm nhưng vẫn chấp nhận

Thành công của bộ phim điện ảnh không chỉ nhờ cốt truyện, diễn xuất của diễn viên, âm thanh, kỹ xảo mà còn nằm ở một khâu rất đặc biệt, chính là kỹ thuật hóa trang.

Muốn lột tả được cái “thần” của nhân vật, diễn xuất thôi là chưa đủ mà còn phải chú trọng đến sự biến hóa ở ngoại hình. Từ trai xinh, gái đẹp bỗng dưng biến thành một người xấu xí, dị dạng là chuyện không còn xa lạ với diễn viên. Nhưng để có được tạo hình đặc biệt đó, các diễn viên phải trải qua một quá trình biến hóa vô cùng khó khăn.

Khương Ngọc và tạo hình trong phim.

Mới đây, chàng diễn viên điển trai Khương Ngọc khiến khán giả choáng váng khi bất ngờ biến thành ông già Hom xấu xí, dị dạng trong Lời nguyền gia tộc. Chia sẻ về tạo hình đặc biệt này, nam diễn viên nói: “Mỗi ngày, tôi mất khoảng 2 tiếng để hóa trang thành nhân vật và 2 tiếng để tẩy trang. Dù trước đây, tôi đã nhiều lần hóa trang thành nhân vật kinh dị, nhưng lần này vẫn là một thử thách khó với bản thân.

Với tạo hình của nhân vật Hom, tôi vừa phải khiến khán giả tin đó là một người lớn tuổi, vừa phải toát lên được sự dị dạng, bất thường. Cho nên, nếu chỉ hóa trang những nếp nhăn là chưa đủ, mà phải thêm những mụn thịt, bọng mắt, tàn nhang, làm xỉn màu răng để đúng chuẩn nhân vật. Vì sử dụng những chất liệu đặc biệt, nên suốt quá trình hóa trang, tôi phải ngồi yên để chờ những chất liệu đó khô. Phải “án binh bất động” suốt 2 tiếng khiến tôi bứt rứt đã đành, lại còn đầy những chất liệu dính lên mặt càng thêm khó chịu gấp bội”.

Bên cạnh đó, việc tiếp xúc nhiều với chất liệu hóa trang khiến da và sức khỏe của diễn viên bị ảnh hưởng xấu. Nam diễn viên Khương Ngọc nói: “Không ít lần, tôi bị dị ứng sau khi hóa trang. Thực ra, trong các chất liệu hóa trang, có những thành phần ăn da, nếu sử dụng liên tục sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới làn da. Còn nhớ, hồi đóng phim Thiên mệnh anh hùng, tôi bị bỏng da. Để tạo hình vết sẹo choán hết nửa khuôn mặt, người hóa trang đã quét một loại dung dịch lên mặt khiến da co rúm lại. Tuy nhiên, do quét nhiều lần, nên thành vết hằn trên mặt y như sẹo. Phải mất 4-5 tháng, vết hằn trên mặt tôi mới mờ hẳn”.

Một trong những nhân vật “gây bão” gần đây là nàng béo Hà My trong phim Sắc đẹp ngàn cân, do diễn viên Minh Hằng thủ vai. Để có được tạo hình ấn tượng này, Minh Hằng đã mất rất nhiều công sức và thời gian. “Tạo hình nàng béo Hà My thực sự là một thử thách rất khó. Nó khiến Hằng bị ám ảnh khủng khiếp.

Trong suốt quá trình quay phim, mỗi ngày Hằng phải mất 4 tiếng để hóa trang, điều đó khiến bản thân cực kỳ mệt mỏi. Hằng sợ nhất việc phải dính keo và silicon lên người, lúc nào cũng cảm giác nóng và nhếch nhác. Giờ nghĩ lại, Hằng vẫn còn cảm giác hãi hùng. Tuy nhiên, vì nhân vật, vì bộ phim mà tôi sẵn sàng bước qua những nỗi ám ảnh để hoàn thành tốt công việc của mình”, Minh Hằng chia sẻ. “

Quá trình hóa trang cho Minh Hằng trong "Sắc đẹp ngàn cân".

Góc khuất phía sau những “mặt nạ”

Đứng sau thành công của các nhân vật là mồ hôi, công sức không hề nhỏ của đội ngũ hóa trang. Bằng tài năng và bàn tay điêu luyện, những chuyên gia hóa trang đã “phù phép” để diễn viên “lột xác”. Nhưng, trong ánh hào quang của điện ảnh, đội ngũ hóa trang chỉ được coi là cái bóng mờ nhạt phía sau sự thành công của chàng diễn viên A, nữ minh tinh B.

Hơn nữa, có một thực tế đáng buồn là công việc hóa trang tại Việt Nam chưa thực sự được coi trọng, thậm chí còn bị đánh đồng với trang điểm, miễn sao “trắng mặt ăn tiền” hay “xinh như cô dâu” là được.

Chia sẻ với báo ĐS&PL, chuyên gia Lilian Trần – “phù thủy” hóa trang của điện ảnh Việt đã tiết lộ những góc khuất nhiều mồ hôi, nước mắt của nghề hóa trang. “Tôi theo học mỹ thuật và hóa trang ở nước ngoài, lúc mới về Việt Nam làm việc, tôi cũng bị thất vọng vì nghề hoá trang điện ảnh bị coi thường. Trong suy nghĩ của nhiều người, đây là công việc lao động chân tay, không cần động não suy nghĩ. Nhưng, quan niệm đó hoàn toàn sai lầm! Việc đánh đồng hoá trang với trang điểm cũng sai. Trang điểm là để làm đẹp, khi học trang điểm các kỹ thuật cũng khác và đơn giản hơn. Hóa trang khó hơn rất nhiều khi phải thay đổi người này thành người khác. Nghề hoá trang ngoài năng khiếu, còn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khác như: Điêu khắc, vẽ, học về giải phẫu, biết pha hoá chất,...

Bản thân tôi cũng phải nỗ lực trong nhiều năm mới tìm được “chỗ đứng” cho mình trong công việc này, nhất là ở nước ngoài sự cạnh tranh lại rất lớn. Tôi thậm chí còn đi làm không công ba năm chỉ để lấy kinh nghiệm làm phim”, chuyên gia hóa trang Lilian Trần chia sẻ.

Trong quá trình tạo hình nhân vật, những người đảm nhận công việc hóa trang cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Chuyên gia Lilian Trần bày tỏ: “Cái khó nhất khi tạo hình một nhân vật là tìm nguyên vật liệu phù hợp với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, để làm sao khi diễn viên diễn toát mồ hôi keo không bị bong tróc. Hơn nữa, việc tìm kiếm nguyên vật liệu hoá trang đảm bảo độ an toàn trên da rất khó khăn, vì ở Việt Nam vẫn chưa có các hãng chuyên bán đồ hoá trang. Tôi đã từng thử nghiệm mua các hoá chất ở Việt Nam dùng thử trên chính da của mình, nhưng không đảm bảo an toàn và bị dị ứng rất nặng. Cuối cùng, tôi vẫn phải nhập từ nước ngoài, để đảm bảo sức khoẻ cũng như thẩm mỹ cho các diễn viên”.

Chuyên gia hóa trang Nguyễn Thùy Linh – người từng đảm nhận khâu hóa trang trong các phim điện ảnh Lời nguyền huyết ngải, Thiên mệnh anh hùng, Quả tim máu, Mùa hè lạnh, Hiệp sĩ mù,... cũng chia sẻ: “Khó khăn trong khâu tạo hình nhân vật phụ thuộc vào yêu cầu của đạo diễn, dạng nhân vật và từng câu chuyện để hóa trang. Hơn nữa, khi hóa trang cho các nhân vật trong phim, thường sẽ sử dụng đến hiệu quả đặc biệt, nên sẽ khó hơn và mất nhiều thời gian hơn hóa trang bình thường.

Từ việc đọc kịch bản đến tạo hình vết thương, vết sẹo, biến người trẻ thành người già,... tốn rất nhiều công sức và thời gian. Bên cạnh đó, các chất liệu chuyên dùng cho hóa trang chưa phổ biến ở Việt Nam, hầu như phải nhập đồ từ Mỹ và phụ thuộc vào kinh phí của từng bộ phim. Trong trường hợp cần kíp, tôi cũng phải tự chế các chất liệu, nhưng hóa trang lên nó không đẹp và không giữ được lâu”.

Thế nên, với những người làm nghề hóa trang cho phim ảnh, ngoài các tố chất về năng khiếu như: Cảm nhận màu sắc, đường nét, thẩm mỹ, khả năng quan sát tốt, đôi bàn tay khéo léo, còn rất cần sự trải nghiệm, lòng kiên nhẫn, tỉ mỉ, hơn cả là một tình yêu nghề cháy bỏng. Bởi, chỉ có tình yêu nghề mới có thể nuôi dưỡng những tố chất này và giúp họ vượt qua những thử thách đôi khi quá sức cả về thời gian, tiền bạc, sức khỏe.

Hà Linh

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Tháng số 34

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phu-thuy-bien-hinh-cua-man-anh-viet-nhung-giot-mo-hoi-phia-sau-lop-mat-na-a200174.html