Kiếm hiệp Kim Dung: Kẻ phản diện một mình làm loạn thiên hạ, tạo chuỗi ân oán suốt 30 năm trong võ lâm


Thứ 3, 29/09/2020 | 02:09


Cùng sự kiện

Kẻ phản diện này là người gây ra mọi sự ân oán, mâu thuẫn chồng chất suốt 30 năm trong võ lâm Trung Nguyên.

Kẻ phản diện này là người gây ra mọi sự ân oán, mâu thuẫn chồng chất suốt 30 năm trong võ lâm Trung Nguyên.

Trong "Thiên long bát bộ", Mộ Dung Bác là nhân vật phản diện lớn nhất, là người đứng sau đại chiến Nhạn Môn Quan, là khởi đầu của mọi ân oán chồng chất suốt 30 năm của gia đình Tiêu Phong, gia đình Hư Trúc và thậm chí là của toàn bộ võ lâm Trung Nguyên.

Tiêu Viễn Sơn bị phục kích ở Nhạn Môn Quan.

Trong trận chiến Nhạn Môn Quan năm đó, gia đình Tiêu Viễn Sơn đã bị phục kích bởi các cao thủ võ lâm bí ẩn.

Trong lúc giao chiến, người vợ không biết võ công đã bị đánh chết. Tiêu Viễn Sơn ôm vợ con nhảy xuống vực tại Nhạn Môn Quan tự vẫn. Khi đang nhảy xuống, thấy đứa con thơ hóa ra vẫn sống, chưa bị các cao thủ giết hại, Tiêu Viễn Sơn đã quăng con lên trở lại.

Cuộc loạn chiến năm đó khiến Tiêu Phong trở thành cô nhi, được Huyền Từ gửi cho vợ chồng Kiều thị ở núi Thiếu Thất nuôi dưỡng. Do đó, từ một người Khiết Đan, Tiêu Phong mang họ Kiều và trở thành người Hán.

Đồng thời nhờ cơ duyên kỳ ngộ, Tiêu Phong học được võ công thượng thừa và trở thành bang chủ Cái Bang. Sau đó, dưới sự kích động của những nhân vật có dã tâm, thân phận Khiết Đan của Tiêu Phong bại lộ và trở thành kẻ thù chung của toàn bộ võ lâm Trung Nguyên, đối mặt với những oan ức khó giải.

Tiêu Viễn Sơn còn bi thảm hơn, mất vợ lạc con, một mình lẩn trốn trong Thiếu Lâm Tự với hi vọng tìm ra chân tướng, chờ ngày trả món huyết hải thâm thù.

Người cầm đầu nhóm cao thủ phục kích tại Nhạn Môn Quan năm đó thật bất ngờ lại chính là phương trượng Thiếu Lâm - Huyền Từ đại sư. Cuộc sống của Huyền Từ sau đó cũng chẳng thoải mái gì, sau biết mình phạm sai lầm nhưng hối hận chẳng kịp. Sau con trai của ông là Hư Trúc cũng bị Tiêu Viễn Sơn bắt cóc.

Các cao thủ phục kích nhà họ Tiêu ở Nhạn Môn Quan, sau cùng cũng chẳng còn ai có thể sống sót.

Mộ Dung Bác, người đứng sau tất cả ân oán, bi kịch trong Thiên Long Bát Bộ.

Cả một tấn bi kịch đó đều chỉ do một người chủ mưu đứng sau giật dây, đó chính là Mộ Dung Bác. Năm đó, Mộ Dung Bác loan tin Tiêu Viễn Sơn là cao thủ nước Liêu, muốn tấn công Thiếu Lâm Tự vào dịp Tết Trùng dương, cướp đoạt toàn bộ bí kíp võ học phái Thiếu Lâm.

Huyền Từ khi đó còn trẻ cho rằng tin đồn là thật, nên triệu tập các hào kiệt Trung Nguyên đến Nhạn Môn Quan diệt trừ nhà họ Tiêu, cuối cùng tạo ra mối ân oán kéo dài suốt 30 năm trong võ lâm.

Họ Mộ Dung ở Cô Tô thuộc dòng dõi nước Đại Yên. Đến đời Tống thì nước Đại Yên không còn nữa. Và giấc mơ phục quốc đã trở thành một nỗi ám ảnh của hậu duệ đời sau. Mộ Dung Bác đặt tên con là Phục, với ý đồ muốn con mình sẽ phục quốc xưng vương, khôi phục lại cơ nghiệp tổ tông.

Do đó, Mộ Dung Bác một tay khuấy động cả võ lâm Trung Nguyên đều chỉ vì mưu cầu đại nghiệp, theo đuổi giấc mộng phục quốc.

Tuy nhiên để hoàn thành mục đích đó không hề dễ dàng. Thời gian trôi qua, gia tộc Mộ Dung dần mất đi sự vinh quang của mình, chỉ còn là một gia tộc bình thường ở Giang Nam. Dựa vào vũ lực để phục quốc lúc này đã là điều không thể, nên Mộ Dung Bác muốn gây ra loạn thế để tìm kiếm thời cơ.

"Mộ Dung thị muốn phục hưng Đại Yên, bắt buộc phải có cơ hội để tận dụng. Mộ Dung thị người ít thế mỏng, sao đủ sức phục hưng quốc gia. Cơ hội duy nhất chính là thiên hạ đại loạn, tứ phương chiến tranh không ngừng", Mộ Dung Bác đích thân nói ra trong cuộc đối đầu với cha con Tiêu Phong tại Thiếu Lâm Tự.

Tất cả những gì Mộ Dung Bác đều vì giấc mộng phục hưng Đại Yên.

Nhạn Môn Quan năm đó chính là một trong những cơ hội tốt nhất để khiến thiên hạ đại loạn. Tiêu Viễn Sơn là một quý tộc nước Liêu, bị ám sát trên đất Tống, chính là điều kiện tốt nhất để Mộ Dung Bác khơi dậy chiến tranh Liêu - Tống, từ đó hi vọng ngư ông đắc lợi.

Kế hoạch tạo nên ân oán chia rẽ các bên của Mộ Dung Bác không chỉ có vậy. Ông ta từng giết hại Huyền Bi đại sư của phái Thiếu Lâm trong Thâm Giới Tự của Đại Lý. Mục đích là để hai đại phái chính tông tranh đấu với nhau.

Việc Khưu Ma Trí đến thách thức 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm, cũng là do Mộ Dung Bác chỉ thị, mục đích là khơi dậy mâu thuẫn giữa Thiếu Lâm và Thổ Phồn. Ngoài ra, Khưu Ma Trí còn đến Đại Lý truy tìm Lục Mạch Thần Kiếm, cũng là do Mộ Dung Bác xúi giục, nhằm phá hoại mối quan hệ giữa Đại Lý và Thổ Phồn.

Chỉ đáng thương cho Khưu Ma Trí, quốc sư nước Phổ Thồn, bị người ta lợi dụng mà chẳng hề hay biết.

Video: Mộ Dung Bác hiện thân hé toàn bộ ân oán suốt 30 năm, quyết đấu với cha con Tiêu Phong trong phim Thiên Long Bát Bộ. Nguồn: Youtube

Sau tất cả, hoàn toàn không sai khi nói Mộ Dung Bác là nhân vật phản diện lớn nhất mà ngòi bút của nhà văn Kim Dung tạo ra. Tuy nhiên, nhân vật này không hẳn là kẻ xấu.

Nếu nhìn trên lập trường của Mộ Dung Bác, những gì ông đã làm thực sự chính đáng. Nếu Mộ Dung Bác là nhân vật chính, thì "Thiên Long Bát Bộ" hẳn sẽ là một câu chuyện đầy cảm động về một vương tôn quý tộc sa cơ gặp nạn, vì sự nghiệp vĩ đại khôi phục đất nước mà hy sinh bản thân, chịu đủ mọi tủi nhục.

Đặc biệt ở Thiếu Lâm Tự, Mộ Dung Bác sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để cứu con trai ông là Mộ Dung Phục, chỉ để hậu duệ của ông có thể tiếp tục ý chí phục hưng đất nước.

Mộ Dung Phục điên dại trước nấm mộ của gia tộc Mộ Dung.

Chỉ tiếc giấc mộng phục quốc Mộ Dung Bác đã vô tình trở thành một nỗi ám ảnh của hậu duệ đời sau. Cho dù ông có thể buông bỏ tất cả quy y của phật, nhưng con trai ông đã lún quá sâu vào cái lý tướng của gia tộc.

Nhìn cảnh Mộ Dung Phục ở nước Đại Lý, ngồi bên nấm mộ gia tộc Mộ Dung, đầu đội chiếc mũ miện làm bằng giấy, dùng kẹo bột dụ bọn trẻ con trong làng ra làm quần thần bái kiến, tung hô vạn tuế, vạn vạn tuế, người ta không khỏi tức cười và thương hại.

Hoa Vũ (Theo Sohu)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kiem-hiep-kim-dung-ke-phan-dien-mot-minh-lam-loan-thien-ha-tao-chuoi-an-oan-suot-30-nam-trong-vo-lam-a340613.html