"A Phủ" Trần Phương đong đầy một miền ký ức


Thứ 6, 05/05/2017 | 23:30


Dấu ấn mà ông để lại ở vai diễn A Phủ trong bộ phim được cho là kinh điển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam có lẽ đã đủ để khắc họa chân dung một người nghệ sĩ tài hoa.

Dấu ấn mà ông để lại ở vai diễn A Phủ trong bộ phim được cho là kinh điển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam- Vợ chồng A Phủ có lẽ đã đủ để khắc họa chân dung một người nghệ sĩ tài hoa. Ông chính là NSND Trần Phương, một diễn viên, đạo diễn gạo cội của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Thước phim sống mãi

Câu nhớ, câu quên khi ông tiếp chuyện chúng tôi, ngay cả đến tên những bộ phim mà ông làm đạo diễn, ông cũng không còn nhớ hết. Thế nhưng kỳ lạ thay, khi chúng tôi bắt đầu gợi chuyện về bộ phim Vợ chồng A Phủ, người nghệ sĩ này đã bật ra ký ức như một bản năng.

“Nhớ lắm! Nhớ nhiều lắm!”, sau câu nói cảm xúc đó, chúng tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi ông bắt đầu nói ra một tràng những câu giao tiếp hàng ngày của người Mèo. Ông nói: “Phim điện ảnh ngày đó hiếm lắm, đây lại là những bộ phim đầu tiên nên đoàn làm phim rất tâm huyết và hào hứng. Tuy ngày đó đóng phim vất vả nhưng vui và nhiều kỷ niệm”. Rồi ông cười thật hiền và nói tiếp: “Nhớ lại ngày đó bác diễn xuất còn ngây ngô lắm,...”.

Đó là điều cũng dễ hiểu bởi NSND Trần Phương là “dân ngoại đạo” khi đến với môn nghệ thuật thứ bảy này. Ông chưa từng học qua bất kỳ trường lớp đào tạo diễn viên hay đạo diễn điện ảnh nào.

Vợ chồng A Phủ được coi là bộ phim thành công nhất của NSND Trần Phương.

Ông đến với điện ảnh là một sự tình cờ, nhưng bằng sự đam mê, tìm tòi, sáng tạo và lao động nghệ thuật nghiêm túc, ông đã tạo dựng nên một sự nghiệp điện ảnh lừng lẫy, đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam những vai diễn cùng những bộ phim vô cùng ấn tượng.

Tiếp tục với những ký ức mà dường như ông chỉ chực có ai hỏi để được nói ra hết kỷ niệm của những ngày đầu tiên đi đóng phim. Đó là vai diễn đầu đời, nhưng cũng đồng thời là vai diễn mang lại cho ông nhiều thành công nhất.

Một trong những thành công mà đến giờ nhắc lại ông vẫn tủm tỉm cười đầy mãn nguyện, đó là làm xong bộ phim cũng là lúc ông được đồng bào vùng Tây Bắc nói chung và đồng bào dân tộc Mèo nói riêng nhận là người của bản.

Ông vẫn còn nhớ như in câu nói: “Nó là người của bản tao đấy” khi ông mang bộ phim Vợ chồng A Phủ đã hoàn thành về chiếu cho đồng bào xem. Thế rồi, ông chỉ cho chúng tôi xem dấu tích của những ngày học cưỡi ngựa để chuẩn bị cho vai A Phủ của hơn 50 năm về trước. Đó là một vết sẹo dài và to trên đầu. Nhìn vào vết sẹo đó, ông đã đưa chúng tôi quay trở lại năm 1959, năm ông và đoàn làm phim “khăn gói” lên Hồng Ngài (thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La ngày nay) để làm bộ phim Vợ chồng A Phủ.

Trong câu chuyện với chúng tôi, NSND Trần Phương chia sẻ những vất vả, khó khăn, thiếu thốn đủ bề để hoàn thành vai diễn A Phủ. Ông kể: Ngoài việc phải vất vả thích nghi để cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ với đồng bào, thì kỷ niệm ông nhớ nhất đó là việc học cưỡi ngựa. Để vào vai chàng A Phủ, một thanh niên dân tộc Mèo khỏe mạnh phăng phăng cưỡi ngựa vượt núi, băng rừng, ông đã phải học cưỡi ngựa hàng tháng trời.

Ngày đó, đoàn làm phim mua cho ông một con ngựa để tập cưỡi. Nhưng thật không may, con ngựa này vô cùng dữ tợn, nên ông cứ trèo lên là lại bị nó quật ngã lên ngã xuống, nặng nhất là lần nó hất ông ngã gần chết và vết sẹo ngày đó còn đến tận bây giờ.

Do ngựa của người Mèo không có yên, cũng không có dây cương, nên việc ngồi lên nó trèo đèo lội suối là vô cùng khó khăn. Ông đã phải nghĩ ra cách buộc một sợi dây thừng vào mõm nó thì mới có thể ngồi lên để đi được. Cứ thế ông chật vật hàng tháng trời mới có thể thuần phục và cưỡi được ngựa.

Nhìn chàng thanh niên A Phủ trong phim tự tin cưỡi ngựa không khác gì những thanh niên trai bản, thậm chí khí phách còn có phần dũng mãnh hơn, ít ai biết được ông đã phải kiên trì và mất nhiều công sức thế nào. Sự kiên trì này của ông đã không bị phụ công khi những hình ảnh chàng A Phủ mạnh mẽ cưỡi ngựa vượt núi được ông khắc họa trong phim đã góp phần tạo nên thành công cho vai diễn, cũng như bộ phim.

Duyên nợ với nghề

Sau một hồi trầm ngâm, ông tiếp tục câu chuyện: “Bộ phim thành công là thành quả của cả đoàn làm phim. Nhưng với riêng tôi, thành công lớn nhất mà tôi thu được sau khi làm xong bộ phim này chính là tình cảm của đồng bào nơi đây dành cho mình. Họ coi mình là người của bản, rồi họ cứ giữ không cho mình về xuôi nữa”.

NSND Trần Phương nhớ lại: “Ngày đó, ai cũng nói tôi giống người Mèo hơn cả người Kinh rồi. Mà cũng lạ thay, tôi học nói tiếng Mèo rất nhanh và rất có năng khiếu”. Nói xong, ông lại minh họa cho chúng tôi bằng một loạt câu nói giao tiếp của người Mèo.

Nghe những kỷ niệm ông kể, từng chi tiết, từng câu nói, chúng tôi cảm giác ông không quên bất cứ điều gì trong câu chuyện liên quan đến bộ phim Vợ chồng A Phủ ngày đó.

Sau thành công của vai diễn đầu đời này, ông tiếp nối sự nghiệp điện ảnh với nhiều vai diễn thành công khác như: Khoa – chồng chị Tư Hậu trong phim Chị Tư Hậu (1962), Việt trong phim Trên vĩ tuyến 17 (1965),... Không dừng lại ở vai trò diễn viên, ông còn là đạo diễn một số bộ phim gây được tiếng vang lớn và giành nhiều giải thưởng lớn trong các kỳ liên hoan phim.

Đang miên man với dòng hoài niệm cũ, ông chợt thở dài trải lòng: “Bạn bè giờ đây chỉ còn lại ít rất người, những người trạc tuổi mình đã đi gần hết rồi. Tự tay tôi đi chôn cất nhiều người, đến lượt mình thì chắc chỉ có họ đón ở dưới chứ không còn ai đưa tiễn".

NSND Trần Phương, người đã có nhiều đóng góp cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Người bạn diễn cùng thời hiếm hoi còn liên lạc với NSND Trần Phương là NSND Trà Giang. "Ngày xưa cô ấy với tôi cũng thân lắm, hồi làm diễn viên chúng tôi hay đóng cặp, khi làm đạo diễn tôi cũng hay mời cô ấy đóng. Cách đây không lâu cô ấy lặn lội ra tận đây nói chuyện với tôi. Tôi bảo, cô tưởng tôi chết nên ra đây viếng à. Tôi cứ đùa thế. Cô ấy bảo không, em nhớ anh nên đến thăm anh. Cô ấy lại bảo anh em mình gặp nhau lần này chắc là lần cuối. Tôi mới nói, năm ngoái, năm kia cô cũng đến và bảo như thế", NSND Trần Phương cho biết.

Bạn của NSND Trần Phương giờ là những người ông quen trong các buổi chiều ra Hồ Tây tập thể dục, hóng gió. Với ông, đó là những người bạn quê mùa nhưng sống tốt, sống khỏe và yêu đời hơn ông, nhất là không phải lo về sống - chết.

"Có khi mình nói chuyện ông ấy không hiểu, ngược lại ông ấy kể những câu chuyện mình cũng không biết hết, nhưng thế cũng vui. Thi thoảng, họ cho mình cái bánh bảo ăn cái này hay lắm. Cuộc sống bây giờ nó thế, mỗi người đều phải tự thu xếp bản thân cho ổn thỏa", NSND Trần Phương tâm sự.

Ở tuổi 85, nghệ sĩ sống một mình trong ngôi nhà cũ, đồ đạc đơn giản vì vợ ông mất đã gần 10 năm, con cái đều có gia đình riêng. Con gái Trần Phương Thủy- giảng viên đại học Sân khấu Điện ảnh - cùng cháu ngoại dọn về sống trên tầng ba cùng khu nhà với nghệ sĩ nhiều năm nay.

NSND Trần Phương kể: "Nó bận nên đi cả ngày, tôi bảo làm cầu thang riêng mà đi về tự do. Cơm nước buổi trưa, buổi tối thì tôi tự lo, nhưng thi thoảng con gái mang đồ ăn xuống cho. Tôi sống độc lập từ thời trẻ, đi bộ đội, đi học rồi diễn đều một mình tự chăm lo cuộc sống. Vậy nên, bây giờ tôi thấy rất bình thường, không muốn làm khổ con cháu, vì chúng nó cũng bận nhiều việc. Thế hệ của tôi sống đơn giản lắm".

Vi Hậu

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/a-phu-tran-phuong-dong-day-mot-mien-ky-uc-a189223.html