Những ngày Tết “lưu động” của NSND cải lương đầu tiên nơi “đất mỏ”


Chủ nhật, 26/01/2020 | 13:05


Xuân Canh Tý nghe tâm sự người nghệ sĩ Canh Tý! Đó là một NSND cải lương đã “thắp lửa nghề” suốt gần 40 năm và gieo trong lòng khán giả không ít niềm thương yêu, mến mộ.

Xuân Canh Tý nghe tâm sự người nghệ sĩ Canh Tý! Đó là một NSND cải lương đã “thắp lửa nghề” suốt gần 40 năm và gieo trong lòng khán giả không ít niềm thương yêu, mến mộ. Mặc dù đã về hưu, những ký ức một thời đi diễn hăng say trên khắp mọi nẻo đường vẫn luôn sôi nổi trong ông, ở đó, có cả những ngày Tết “lưu động”.

NSND Tiến Mác và nghệ sĩ Hương Sen trong vở cải lương “Người đàn bà 13 bến nước”.

Người Bắc hát cải lương “mùi” như Nam gốc

Đó có lẽ là lời khen ngợi, đánh giá của nhiều đồng nghiệp cũng như khán giả dành cho NSND cải lương Vũ Tiến Mác (SN 1960). Sinh ra và lớn lên tại vùng quê lúa huyện Vũ Thư, Thái Bình, trong một gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật, nhưng tình yêu với cải lương đã hình thành trong ông không biết tự khi nào, khiến ông “đắm đuối” với cải lương, vốn không phải là loại hình sân khấu có thế mạnh ở quê hương.

Ông bắt đầu bén duyên với cải lương từ những ngày trạc 15-16 tuổi, khi một nữ Bí thư Đoàn “gợi ý”, ông đã nhanh chóng “bắt nhịp” và tự rèn luyện thông qua những điệu cải lương trên đài... Năm 17 tuổi, ông chính thức theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp, nhập học tại trường nghệ thuật sân khấu Việt Nam, nay là trường đại học Sân khấu điện ảnh.

Năm 1980, ông ra trường và công tác tại đoàn Nghệ thuật cải lương Thái Bình, đến 16 năm sau, ông chuyển công tác về đoàn Nghệ thuật cải lương Quảng Ninh và gắn bó với đoàn từ đó cho đến tuổi nghỉ hưu.

Nhắc đến nghệ sĩ cải lương ở khu vực miền Bắc, người ta nhớ ngay đến NSND Vũ Tiến Mác, bởi ông là một trong số rất ít người Bắc hát cải lương ngọt và “mùi” như người gốc Nam. Thật kỳ lạ, khi mảnh đất công nghiệp, dịch vụ du lịch sôi động như Quảng Ninh lại giúp cho chất giọng của người nghệ sĩ ấy ngày càng mượt mà, uyển chuyển, nhưng vẫn mang những màu sắc riêng độc đáo khiến khán giả say lòng.

Người ta vẫn thường hay bảo, đất Bắc vốn không phải là “cái nôi” của cải lương, nhưng cải lương đất Bắc lại mang những màu sắc riêng, có sự đan xen với tính kịch và khiến người xem dễ dàng chấp nhận hơn.

Người nghệ sĩ bước sang tuổi 60 ấy vẫn còn nhớ như in, niềm hạnh phúc khi được khán giả miền Nam yêu mến. Ông kể, có lần, ông hát giọng cải lương Quảng Ninh mà khiến nhiều khán giả miền Nam say sưa chăm chú lắng nghe, thậm chí, có người còn xúc động rơm rớm nước mắt.

“Những lúc ấy, bản thân người nghệ sĩ đứng trên sân khấu cũng thấy thật tự hào, lại càng hăng say biểu diễn hơn”, nhấp một ngụm trà nóng, ông nhớ lại.

Ông vẫn luôn sống trọn với từng vai diễn trên sân khấu.


Những
ngày Tết dọc đường biểu diễn

“Làm cái nghề này, khi người ta nghỉ ngơi thì có khi mình vẫn phải biểu diễn”, NSND Vũ Tiến Mác tiếp tục câu chuyện. “Có những lần, đoàn chúng tôi biểu diễn giữa trời đêm giá lạnh, nhiệt độ chỉ khoảng 6 độ, khán giả ai nấy đều trang bị mũ áo kỹ càng, còn nghệ sĩ chúng tôi biểu diễn trên sân khấu, vẫn phải mặc những bộ trang phục biểu diễn như thường ngày. Rét lắm!

Có lần, địa phương thấy thương, đặt giúp chúng tôi hai chảo than lớn ở hai bên cánh gà sân khấu, diễn viên nào diễn xong là chạy ngay xuống hơ tay, hơ chân cho ấm người...”, ông bỗng bật cười giòn giã khi nhớ đến cảnh những người đồng nghiệp co ro bên chảo than hồng để phục vụ khán giả.

Tình yêu với nghệ thuật cải lương trong ông quá lớn lao, ông nên duyên với nghệ sĩ Bích Liên, vốn cũng là diễn viễn của đoàn Nghệ thuật cải lương Quảng Ninh. Suốt những năm tháng sôi nổi của thanh xuân, hai vợ chồng ông rong ruổi theo đoàn đi biểu diễn trên khắp mọi miền. Chỉ khi nghệ sĩ Bích Liên mang thai, sinh con hoặc gia đình có việc thì NSND Tiến Mác mới đi diễn xa một mình, còn lại, dường như ông đi đâu cũng có dáng dấp giai nhân của mình theo đến đó.

NSND Tiến Mác cùng vợ là nghệ sĩ Bích Liên đều hoạt động tại đoàn Nghệ thuật cải lương Quảng Ninh suốt nhiều năm qua.

Từ hồi cô con gái đầu lòng mới được 6 tháng tuổi, NSND Tiến Mác và nghệ sĩ Bích Liên đã bồng bế con đi theo chuyến biểu diễn trên khắp các tỉnh: “Có những chuyến, tôi phải nhờ bà ngoại cháu đi cùng để bế bồng hỗ trợ những lúc hai vợ chồng tôi lên sân khấu”.

Những chuyến đi của “cô công chúa nhỏ” cùng bố mẹ chỉ dừng lại khi cô đến tuổi đi học, cô được gửi về ông bà ngoại chăm sóc, độ vài tháng mới được gặp bố mẹ một lần...

Trong ký ức của NSND Vũ Tiến Mác, có lẽ, ấn tượng nhất đối với ông là những đêm Giao thừa mà cả đoàn phải đón năm mới ở một nơi xa, không có mặt ở nhà. Đó là bữa cơm tất niên cùng đồng nghiệp, là đón Giao thừa tại Móng Cái.

Hay đó là khi cùng hồi hộp “đếm ngược” cùng đồng nghiệp, đón khoảnh khắc Giao thời ngay bên đường biểu diễn về. Ông nhớ lại: “Năm đó thật đặc biệt, sau khi kết thúc buổi biểu diễn, chúng tôi dọn dẹp, tẩy trang và lên xe trở về nhà. Khi xe đến địa phận xã Tiên Yên, biết không kịp về nhà trước thềm năm mới, chúng tôi xuống xe và cùng nhau chia sẻ những câu chuyện hân hoan”.

“Trên xe sẵn còn chút bánh kẹo, chúng tôi cũng bật vài lon bia và mở bánh kẹo cùng mời nhau thưởng thức, trao cho nhau những lời chúc may mắn. Mấy người đồng nghiệp còn bỏ trống biểu diễn ra đánh cho có không khí sôi nổi của ngày Tết. Những người dân quanh đó còn tò mò, thắc mắc không biết tại sao lại rộn rã một vệt đường như vậy giữa đêm Giao thừa...”, nụ cười sảng khoái che đi những vất vả trên gương mặt người nghệ sĩ ấy.

“Vất vả là vậy, nhưng cũng không thiếu những niềm vui. Và chúng tôi cũng nguyện mang hết sức mình, cống hiến cho khán giả những tiết mục ngày càng hay hơn, đặc sắc hơn. Chỉ cần khán giả yêu, chúng tôi không ngại điều gì!”, ông chầm chậm nhấp thêm một ngụm trà.

Các con của NSND Tiến Mác cũng thừa hưởng tình yêu nghệ thuật truyền thống từ bố mẹ.

Cải lương như “máu thịt” của mình

Suốt 40 năm kể từ ngày bén duyên với nghệ thuật cải lương, người nghệ sĩ ấy vẫn không ngừng học hỏi, trau dồi và rèn luyện giọng hát của mình, có lẽ do ngoại hình và khuôn mặt chi phối, nên những vai diễn của ông hầu hết là những vai chính diện. Ông luôn nhập vai và diễn tả rất thành công trong từng vai diễn, dù đó có là một vai diễn khó thế nào.

Luôn luôn tâm niệm: “Sống với nghề, chết cũng với nghề. Cải lương như máu thịt của mình...”, ông yêu nghề cải lương đến nỗi, khi gắn bó với đoàn Nghệ thuật cải lương Quảng Ninh, bất kể nắng mưa, gió bão, dù có ốm đau thế nào, chỉ cần gọi là sẵn sàng đi ngay.

Là người có thâm niên diễn xuất, NSND Tiến Mác luôn đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng vở diễn, kèm cặp, hướng dẫn chỉ bảo các diễn viên trẻ mới vào nghề. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn duy trì thói quen “ăn ngủ với cải lương”. Cứ sáng ra mở mắt là ông mở đài để nghe cải lương, chưa ăn sáng, chưa lấy giọng, ông đã hát. Đêm đến lại mở cải lương nghe cả khi đi ngủ.

NSND Tiến Mác và nghệ sĩ Bích Liên luôn luôn kề vai nhau, kể cả trong những chuyến biểu diễn xa nhà.

“Cứ nói đến cải lương là tôi mê lắm, mê suốt cả ngày, có lẽ, chỉ có lúc đi vào giấc ngủ rồi là không nghĩ đến”, ông gật gù.

Say nghề là vậy nhưng làm một nghệ sĩ sân khấu, nhất là nghệ sĩ cải lương ở phía Bắc, trong bối cảnh sân khấu thoái trào, NSND Tiến Mác phải đối diện với bao khó khăn vất vả.

Ông tâm sự, trong suốt những năm tháng thắp “lửa nghề”, cũng có không ít cơ hội để phát triển hơn, nhưng ông không thể ra đi vì còn cả một “con thuyền” là vợ và các cần ông chèo lái. “Nhưng trên hết, tôi yêu và muốn gắn bó với mảnh đất này...”, ông khẳng định.

Trong sự nghiệp gắn bó với nghệ thuật cải lương của mình, ông đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ năm 2001; đến năm 2007, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Đầu năm 2016, ông là một trong 2 diễn viên sân khấu đầu tiên của Quảng Ninh được phong tặng danh hiệu NSND.

Những sáng tạo, cống hiến của những người nghệ sĩ cải lương như NSND Tiến Mác chắc chắn sẽ khiến khán giả có cái nhìn khác về vẻ đẹp của cải lương trong đời sống đương đại, để từ đó tìm về và thêm yêu sân khấu truyền thống của dân tộc, để những giá trị truyền thống có thêm sức sống.

Cẩm Mịch

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-ngay-tet-luu-dong-cua-nsnd-cai-luong-dau-tien-noi-dat-mo-a309482.html