1.800 ngày thực hiện "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng"


Thứ 2, 22/12/2014 | 03:34


(ĐSPL) - Cuối tháng 11, đầu tháng 12/2014, bộ phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" đang "làm mưa làm gió" tại nhiều rạp chiếu phim với thể loại phim tài liệu trực tiếp.

(ĐSPL) - Cuối tháng 11, đầu tháng 12/2014, bộ phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" đang "làm mưa làm gió" tại nhiều rạp chiếu phim với thể loại phim tài liệu trực tiếp. Bộ phim tài liệu nói về cuộc đời của Phụng - một người chuyển giới từ nam sang nữ, mưu sinh bằng cách biểu diễn trong một gánh hát rong nghèo đã lấy nước mắt của không ít người xem.

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1984) đã phải mất 5 năm để có thể hoàn thành được bộ phim. "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" đã được đưa đi tham gia tranh giải tại LHP Cinema du Reel (Pháp), LHP Human Rights (Myanmar), LHP Margaret Mead (Mỹ), LHP Đài Loan... Phim cũng đã giành giải thưởng Special Mention tại LHP Chopshot (Indonesia)...

5 năm hành trình với gánh hát đồng tính

"Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" là một dạng phim tài liệu trực tiếp, được bấm máy vào tháng 8/2009 đến tháng 2/2014 mới hoàn thành. ít ai nghĩ, phát hành một bộ phim tài liệu mà mang đi chiếu bán vé. Nhưng, công ty Blue Productions của diễn viên Hồng Ánh đã mạnh dạn làm điều này. Phim vừa đoạt một số giải thưởng tại các LHP, đã được chiếu ở Thái Lan, Campuchia.

Với nội dung phim nói về đề tài đồng tính, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã xách máy quay theo một đoàn văn nghệ hội chợ, gồm những người đồng tính và chuyển giới đi khắp miền Trung và Tây Nam Bộ trong 13 tháng liền. Xem phim, khán giả như thấu hiểu hơn về cuộc sống của những người đồng tính, chuyển giới với những góc quay chân thật và tự nhiên.

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm.

Theo chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, nhân vật chính trong phim là chị Phụng - một người đồng tính nam ngoài 40 tuổi, dành cả đời để lập đoàn diễn và dốc sức bảo vệ nó đến cùng khi trong mình đang mang trọng bệnh.

35 con người trong một đoàn văn nghệ hội chợ, dưới sự dẫn dắt của chị Phụng, ban ngày thì sống vật vờ tạm bợ trong những túp lều, ban đêm đắp lên người đủ thứ áo xống, kim sa, son phấn rẻ tiền để biểu diễn.

Vài chục năm về trước, những gánh hát kiểu này khá phổ biến ở các đô thị lớn tại miền Nam nhưng hiện nay, ước tính chỉ còn khoảng 100 đoàn và bị đẩy lùi về các vùng xa xôi hẻo lánh vì không cạnh tranh được trước các làn sóng biểu diễn mới, hiện đại ở đô thị. Và, cũng như những người dân lao động khác, họ biểu diễn, mưu sinh và luôn ước mơ về một ngày có sự đủ đầy, ấm áp tình thương gia đình.

Chia sẻ về những ngày tháng nhập cuộc cùng gánh hát rong, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm tâm sự: "Tôi đã gần như hòa nhập với cuộc sống của họ suốt hơn một năm. Cũng có rất nhiều người hỏi, sao lại chọn đề tài về họ, tôi đã trả lời là tôi không chọn họ mà vì họ là cả một cộng đồng, là những người mà sau này tôi quan tâm nên đó là cuộc phiêu lưu với một chút lãng mạn, là niềm hứng thú giúp tôi khởi động, trải nghiệm dự án này".

"Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" là câu chuyện buồn nhưng không sa vào bi lụy hay "thương vay khóc mướn". Nó đầy ắp hơi thở cuộc sống. Thậm chí, lời thoại, hành động của nhân vật đôi lúc còn khiến người xem bật cười vì họ đã sống quá lâu trong đau khổ, tuyệt vọng nên đành xem như một trò đùa số phận.

Một cảnh trong phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng".

Ở đó, những số phận bất hạnh chỉ biết nương tựa vào nhau trước sự tò mò, kỳ thị bủa vây quanh mình. Ngoài nhân vật chị Phụng, người xem còn bị ám ảnh bởi nhiều nhân vật khác trong phim đang "sống mòn" vì sự tàn tạ, xuống cấp về sức khỏe, dung nhan, tài nghệ... Một câu chuyện cảm động khác đằng sau bộ phim này là vài tháng sau khi đóng máy, chị Phụng và một người khác tên Hằng trong gánh hát rong đã qua đời vì AIDS. "Khi tôi đang ở Pháp thực hiện hậu kỳ phim thì nghe tin buồn này. Tôi ngồi dựng phim và quẩn quanh mãi với hình ảnh của họ. Tôi đã bước vào cuộc sống ấy nên tôi quyết tâm phải hoàn thành bộ phim, phải chuyển tải một cách chân thực nhất cuộc sống của họ", nữ đạo diễn ngậm ngùi.

Lê Vy - một người chuyển giới tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Từ trước đến nay, cuộc sống của cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) được xem là góc tối với nhiều người. Họ không hiểu nên kỳ thị, nhưng bộ phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" đã mở ra một cách nhìn mới về chúng tôi. Cộng đồng LGBT cũng có cuộc sống bình thường với những mưu sinh, trăn trở và cả những tiếng cười trong cuộc sống và chúng tôi mong muốn được xã hội đối xử như những người bình thường...".

Nhân vật chính qua đời khi phim vừa đóng máy

Theo diễn viên Hồng Ánh - Giám đốc công ty Blue Productions cho biết: ""Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" là bộ phim tài liệu làm theo phong cách Varan, máy quay theo sát mọi hoạt động của nhân vật để kể những câu chuyện chân thực nhất. Đạo diễn hầu như không can thiệp vào câu chuyện.

Diễn viên Hồng Ánh - Giám đốc công ty Blue Productions.

Thời gian hoàn thành bộ phim trong vòng 5 năm bao gồm cả thời gian quay phim, dựng phim và bị ngưng do thiếu kinh phí. Bộ phim kể về đoàn hát hội chợ của chị Bích Phụng và các chị em trong cộng đồng LGBT ở Sài Gòn. Bộ phim trình chiếu ở nhiều nước trên thế giới và cũng đạt được những giải thưởng quan trọng.

Tuy nhiên, khi về Việt Nam, bộ phim cũng vấp phải một số khó khăn. Công ty Blue Productions đã nhận về để lên kế hoạch trình chiếu. Các cụm rạp lớn thì không mặn mà lắm với phim tài liệu nên chúng tôi đã lên kế hoạch phát hành độc lập. Chúng tôi thuê những điểm chiếu vừa và nhỏ để bán vé tại chỗ hoặc bán qua mạng. Giá vé là 40.000 đồng với 200 suất chiếu/buổi. Tôi cũng không ngờ là bộ phim lại được khán giả đón nhận nồng nhiệt như vậy. Ngày nào cũng cháy vé xem phim. Đối với tôi, điều quan trọng là bộ phim được đến với công chúng. Bản thân đạo diễn Nguyễn Thị Thắm cũng suy nghĩ như vậy. Có một điều đáng buồn là sau khi phim đóng máy thì chị Phụng và chị Mỹ Hằng đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Họ còn chưa được xem bộ phim này...

Diễn viên phim "Cầu thang tối" tâm sự: "Khi quyết định đưa bộ phim ra phát hành độc lập, tôi đã vô cùng lo lắng. Bởi lẽ, lâu nay, khán giả không có thói quen xem phim tài liệu mà phải trả tiền dù là số tiền rất nhỏ.

Thêm nữa, đây cũng là thời điểm các hãng sản xuất tung ra rất nhiều bộ phim đặc sắc phục vụ Giáng sinh và Tết. Tuy nhiên, sau một vài suất chiếu đầu tiên, thấy dư luận phản hồi khá tốt nên chúng tôi đã mạnh dạn tăng thêm suất chiếu ở khu vực Sài Gòn và dự kiến sẽ đưa bộ phim ra Hà Nội vào cuối tháng 12 này.

Lý do tôi bất chấp mạo hiểm lên kế hoạch phát hành độc lập cho bộ phim là vì với tư cách một người xem phim, tôi thấy đây là bộ phim vô cùng xúc động. Một bộ phim hay như vậy mà không được đến với công chúng, là điều vô cùng đáng tiếc. Thêm nữa, việc công chiếu bộ phim sẽ giúp cho những đạo diễn trẻ như Thắm có thêm niềm tin để đi tiếp với nghề. Bởi làm phim đã khó, huống chi là phim tài liệu và đặc biệt đạo diễn lại là phụ nữ...".

Đây không phải là phim "câu khách"

Trước ý kiến cho rằng, bộ phim lấy chủ đề người đồng tính làm nội dung chính là để "câu khách", khơi gợi trí tò mò, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm cho hay, đây không phải là phim "câu khách", chị coi những nhân vật trong phim như những con người bình thường và quay những thước phim về cuộc sống mưu sinh của họ. Chị không đi sâu nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa người đồng tính với những người khác trong xã hội. Nếu khán giả xem phim và biết được những khó khăn, vất vả mà đoàn phim đã trải qua, sẽ thấy được thông điệp nhân văn mà chúng tôi muốn truyền tải.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/1800-ngay-thuc-hien-chuyen-di-cuoi-cung-cua-chi-phung-a75030.html