Tam Quốc: Triệu Vân phóng hỏa gây hại cho Gia Cát Lượng nhưng lại cứu Thục Quốc khỏi sự diệt vong


Thứ 3, 27/08/2019 | 04:03


Triệu Vân là một mãnh tướng trí dũng song toàn, hành sự cẩn thận, nhưng lại không ít lần tự ý đưa ra những quyết định mạo hiểm, lợi trước mặt nhưng nan giải về sau.

Triệu Vân là một trong nhưng nhân vật được yêu thích nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Ông là một mãnh tướng trí dũng song toàn, hành sự chỉn chu cẩn thận, nhưng lại không ít lần tự ý đưa ra những quyết định mạo hiểm, lợi trước mặt nhưng nan giải về sau.

Triệu Vân là một mãnh tướng trí dũng song toàn

Triệu Vân xưng danh là Thường Sơn Triệu Tử Long, là một chiến tướng can trung nghĩa đảm, dũng mãnh vô địch thời Tam Quốc. Triệu Vân ban đầu phò tá cho Công Tôn Toản và được Lưu Bị mượn dùng. Sau trải qua nhiều biến cố, hai người ngày càng nghĩa nặng tình thâm nên Triệu Vân quyết định đi theo phò tá Lưu Bị phục hưng Hán Thất.

Vì vậy cuối cùng Triệu Vân xin rời khỏi Công Tôn Toản, đến Nghiệp Thành tụ hội với Lưu Bị. Thời điểm đó Lưu Bị vẫn chưa có được một quân đội chính thức nên đã giao cho Triệu Vân nhiệm vụ chiêu mộ binh sĩ tại Nghiệp Thành.

Đây là một nước cờ rất nguy hiểm của Lưu Bị, vì Nghiệp Thành lúc đó vẫn là địa bàn của Viên Thiệu. Trong thời kỳ binh đao loạn lạc, việc chiêu mộ binh sĩ trên địa bàn người khác là một điều rất tối kỵ. Hành động này đương nhiên không thể qua mắt được Viên Thiệu.

Viên Thiệu hỏi Triệu Vân những binh sĩ này đến từ đâu. Triệu Vân khẳng khái trả lời:"Đây đều là những binh sĩ trước kia bị thất tán của Huyền Đức huynh, nay họ đều đến xin được nương nhờ". Cứ như thế, Triệu Vân đã chiêu mộ được hàng trăm binh sĩ giúp Lưu Bị.

Có thể nói Triệu Vân là một trong những người đi theo Lưu Bị từ rất sớm, được Lưu Bị tin tưởng nhất nhưng lại không được trọng dụng nhất. Vì sao?

Triệu Vân đốt con đường nối từ Cơ Cốc đến Thục Quốc để ngăn sự tiến quân của quân Tào

Thực tế Triệu Vân là một mãnh tướng trí dũng song toàn, hành sự chỉn chu cẩn thận, nhưng lại không ít lần tự ý đưa ra những quyết định mạo hiểm, lợi trước mặt nhưng nan giải về sau.

Ví dụ như trong lần đầu tiên Thục Quốc tiến binh Bắc phạt. Triệu Vân dẫn theo một số ít quân lính cùng với Tào Chân giằng co hơn nửa năm tại Cơ Cốc. Cho đến khi Gia Cát Lượng bại trận, thất thủ ở Nhai Đình, Triệu Vân cũng nhận được lệnh rút quân.

Triệu Vân không thể cãi lại quân lệnh, đành dẫn số quân lính ít ỏi rút lui. Tào Chân đương nhiên không thể bỏ qua thời cơ này nên quyết tâm dẫn binh truy kích đội quân đang mất hết khí thế của Thục Quốc.

Để ổn định lòng quân, Triệu Vân ra lệnh cho quân sĩ bình tĩnh xếp hàng lần lượt rút về Thục Quốc, còn ông bọc hậu phía sau. Cuối cùng để có thể ngăn cản Tào Chân tiến quân vào Thục địa, Triệu Vân đã tự ý phóng hỏa phá hủy con hẻm nối giữa Thục địa và Cơ Cốc. Hai năm sau trận chiến này, Triệu Vân bệnh nặng mà qua đời tại nhà riêng.

Triệu Vân phóng hỏa tuy ngăn được địch nhưng lại gây hại về sau cho Gia Cát Lượng

Ngọn lửa của Triệu Vân quả thực đã ngăn được sự tiến công của Tào Chân nhưng cũng đã để lại một khó khăn không thể giải quyết cho Gia Cát Lượng. Bởi vì con hẻm đó bị phá hủy không chỉ khiến quân địch không thể tiến vào Thục địa, mà ngay cả người của Thục Quốc cũng không thể tiện lợi ra vào được nữa.

Cũng chính vì nguyên nhân này mà trong những lần Bắc phạt tiếp theo, Gia Cát Lượng phải dẫn quân đi một đoạn đường dài và khó khăn hơn rất nhiều. Đây có lẽ cũng là một nguyên nhân gián tiếp khiến Gia Cát Lượng không thể phạt Bắc thành công.

Tuy nhiên nếu không có ngọn lửa của Triệu Vân lúc đó thì rất có thể Tào Chân sẽ dẫn quân đánh trực tiếp vào Thục địa. Lúc đó khí thế của quân Thục đang rất yếu vì bại trận, chắc chắn sẽ không cản được quân Tào với nhuệ khí đang tăng cao. Nếu như vậy, Thục Quốc chắc chắn sẽ bị diệt vong vào thời điểm đó.

Vì thế có thể nói ngọn lửa của Triệu Vân tuy hại Gia Cát Lượng nhưng đã cứu Thục Quốc không bị diệt vong.

Hoa Anh Thịnh (Theo Sohu)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tam-quoc-trieu-van-phong-hoa-gay-hai-cho-gia-cat-luong-nhung-lai-cuu-thuc-quoc-khoi-su-diet-vong-a290410.html