“Tây du ký 1986” và những kỷ lục để đời khó có bộ phim nào vượt qua nổi


Thứ 6, 25/09/2020 | 14:00


Cùng sự kiện

Dù đã trải qua hơn 30 năm kể từ thời điểm bắt đầu phát sóng, “Tây du ký” phiên bản 1986 vẫn để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng khán giả màn ảnh nhỏ.

Dù đã trải qua hơn 30 năm kể từ thời điểm bắt đầu phát sóng, “Tây du ký” phiên bản 1986 vẫn để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng khán giả màn ảnh nhỏ.

“Tây du ký” là bô phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Ngô Thừa Ân. Nội dụng phim xoay quanh hành trình tới Tây Trúc thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Ngộ Tĩnh.

Trải qua nhiều sóng gió, đối mặt với không biết bao nhiêu hiểm nguy, thậm chí còn bị yêu quái “li gián” tình thầy trò, Đường Tăng cùng ba đồ đề của mình cuối cùng cũng thông qua 81 kiếp nạn, mang được kinh Phật về.

Mặc dù ra đời trong thời điểm kỹ xảo điện ảnh còn thô sơ, lạc hậu, chi phí sản xuất phim cũng không đủ trang trải cho toàn bộ phim, “Tây du Ký” bản 1986 vẫn tạo nên gây ấn tượng mạnh đối với người xem, tạo nên những kỷ lục mà khó có bộ phim nào có thể lật đổ nổi.

Tái phát sóng 3.000 lần

“Tây du ký” bắt đầu được sản xuất vào năm 1982 nhưng phải đến 6 năm sau, tức năm 1988, bộ phim này mới được hoàn thành. Năm 1986, phim chính thức được công chiếu theo dạng cuốn chiếu trên đài truyền hình Trung Quốc CCTV và lấy năm này là năm sản xuất nên phiên bản đầu tiền này thường được gọi là “Tây du ký 1986”.

Theo khảo sát của CCTV vào năm 1987, phim đạt tỷ suất khán giả 89,4%, trong đó đối tượng có trình độ đại học tỷ lệ xem là 85,2%, đối tượng mù chữ hay chưa biết chữ (không tính trẻ em) tỷ lệ xem là 100%. Trong đó, hơn 50% số khán giả cho biết họ đã xe “Tây du ký” hơn 10 lần.

"Tây du ký 1986" là phiên bản phim để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người xem.

Trang Sina mới đây đã dẫn lại kết quả thống kê những bộ phim dài tập được phát lại nhiều nhất ở Trung Quốc. Theo đó, “Tây du ký 1986” dẫn đầu danh sách đứng đầu danh sách về thành tích chiếu lại trên màn ảnh nhỏ với hơn 3000 lần (chưa kể những lần phát lại ở các nước khác).

So với ba tác phẩm khác nằm trong Tứ đại danh tác được chuyển thể thành phim gồm Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử và Hồng lâu mộng, Tây du ký có sức ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều. Lý do khiến bộ phim được vẫn được khán giả yêu thích dù đã chiếu từ hơn 3 thập kỷ trước là nhờ tinh thần vui vẻ, giải trí phù hợp với mọi đối tượng. Thêm vào đó, thời lượng phim không dài (25 tập), nội dung mỗi tập lại khác nhau giúp khán giả dễ dàng theo dõi hơn.

Tại Việt Nam, bộ phim được chiếu từ đầu những năm 1990, và dã được chiếu lại hàng trăm lần trên các kênh truyền hình khác nhau, trong đó bản năm 1986 vẫn được coi là phiên bản xuất sắc nhất.

Kịch bản được làm lại kỷ lục trên màn ảnh

Sau thành công của “Tây du ký 1986”, cuộc đua chuyển thể tác phẩm “Tây du ký” của tác giả Ngô Thừa Ân chính thức bắt dầu tại Trung Quốc suốt hơn 3 thập kỷ qua. Mỗi năm đều có ít nhất một tác phẩm làm lại từ tiểu thuyết kinh điển của tác giả Ngô Thừa Ân, số lượng lên đến hàng trăm phim.

Tuy nhiên, mỗi bộ phim truyền hình hay điện ảnh được làm ra không còn gói gọn về hành trinh đi thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng, mà tập trung khai thác các lát cắt mới lạ, xoáy sâu vào số phận, câu chuyện cuộc đời hay mối quan hệ riêng rẽ của nhân vật. Dù vậy, Tây du ký “đời sau” vẫn giữ nguyên tư tưởng hướng thiện, kết thúc có hậu theo đúng tiểu thuyết gốc.

Một số bộ phim nổi tiếng có thể kể đến như “Mối tình ngoại truyện” (2014) của Châu Tinh Trì, "Tây du ký: Đại náo thiên cung" (2014) hay “Tây du ký: Nữ Nhi quốc (2018).

Một cảnh trong phim "Tây du ký: Nữ nhi quốc" do Triệu Lệ Dĩnh và Phùng Thiệu Phong đóng chính.

Thế nhưng, điều đáng nói là, dù các nhà sản xuất làm theo hướng mới, chọn một tình huống “đắt giá” để phát triển thành bộ phim độc lập, đồng thời sử dụng nhiều kỹ xảo hiện đại nhưng vẫn không thể thay thế được vị trí của “Tây du ký 1986” trong lòng khán giả.

Bản phim thô sơ nhất

“Tây du ký 1986” vào thời điểm khởi quay có vốn đầu tư là 6 triệu NDT. Đây tuy là một số tiền rất lớn lúc đó nhưng không đủ để trang trải cho cả bộ phim. Các diễn viên thậm chí chỉ nhận được một khoản thù lao tượng trưng và ít ỏi.

"Vật chất thiếu thốn nghèo nàn, đến cả cơm cũng ăn không đủ no", đạo diễn Dương Khiết chia sẻ về tình cảnh của đoàn phim những năm 1980.

Theo thông tin đươc biết, để tìm được những bối cảnh phù hợp với yêu cầu của kịch bản, đạo diễn Dương Khiết và đoàn làm phim đã phải đi qua hơn 26 tỉnh thành của Trung Quốc, nhiều lần gặp phải tai nạn nguy hiểm.

Kinh phí quá hạn hẹp khiến cả đoàn phim phải cố gắng tiết kiệm tối đa, để dành tiền cho giai đoạn hậu kỳ, làm kỹ xảo… Mỗi nhân viên, và diễn viên chỉ được phát 5 hào tiền ăn vặt. Người có thù lao cao nhất thời điểm đó là Lục Tiểu Linh Đồng (vai Tôn Ngộ Không) cũng chỉ có 100 NDT (hơn 340.000 đồng) mỗi tập.

Không chỉ thiếu thốn về kinh phí, đoàn làm phim còn thiếu cả nhân lực. Vì thế, các diễn viên đôi lúc sẽ phải phụ khuân vác trong khi nhân viên hậu trường được huy động xuất hiện trước ống kính nếu thiếu diễn viên.

"Khó khăn là thế, nhưng Tây du ký 1986 vẫn thu hút rất nhiều nghệ sĩ, trong đó có cả những tên tuổi lớn của điện ảnh Trung Quốc thời bấy giờ tham gia một cách nhiệt tình, không quản thù lao cao thấp,” Đường Kế Toàn – nhiếp ảnh phim trường kiêm phụ quay cho hay.

Lục Tiểu Linh Đồng – vai diễn Tôn Ngộ Không được coi là hình tượng kinh điển

Hơn 30 năm qua, mỗi lần nhắc tới “Tây du ký”, khán giả lại nghĩ ngay tới Lục Tiểu Linh Đồng. Ông được xem là biểu tượng Tôn Ngộ Không chuẩn mực nhất trong lịch sử.

Diễn xuất của Lục Tiểu Linh Đồng trong vai Tôn Ngộ Không ấn tượng tới nỗi người Trung Quốc có câu: “Nhắc đến Tôn Ngộ Không là nghĩ tới Lục Tiểu Linh Đồng. Nói Lục Tiểu Linh Đồng là nghĩ về Tôn Ngộ Không”.

Khó có diễn viên nào có thể để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả hơn Lục Tiểu Linh Đồng khi vào vai Tôn Ngộ Không.

Nhờ vai diễn này, ông đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim Phi Ưng, "Nam diễn viên xuất sắc" trong liên hoan phim Kim Ưng lần thứ 6, giải nhất "10 ngôi sao điện ảnh, truyền hình Trung Quốc" lần thứ nhất. Không chỉ vậy, năm 2008, ông còn được bình chọn là một trong 10 diễn viên truyền hình có sức ảnh hưởng lớn nhất trong suốt 30 năm phim truyền hình Trung Quốc. Đến năm 2009, ông tiếp tục được bầu chọn là một trong 60 nghệ sĩ nổi bật nhất trong 60 năm lịch sử của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Sau Lục Tiểu Linh Đồng, nhiều diễn viên khác cũng thủ vai Tôn Ngộ Không như Quách Phú Thành trong “Tây du ký 2: Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” hay Bành Vu Yến trong “Ngộ Không truyện”. Tất cả những diễn viên này đều để lại những dấu ấn riêng biệt trong lòng khán giả nhưng dường như chưa có ai có thể soán ngôi “Mỹ Hầu Vương” (Vua khỉ) của Lục Tiểu Linh Đồng.

"Chưa một diễn viên nào thể hiện vai Tôn Ngộ Không tốt và duyên như Lục Tiểu Linh Đồng. Vai diễn Mỹ Hầu Vương do sao nam gạo cội đảm nhận là kinh điển, không ai có thể vượt qua", trang Sina đưa ra nhận định.

Thậm chí, ngay chính bản thân Lục Tiểu Linh Đồng cũng khó thoát khỏi “cái bóng” của mình khi trong suốt sự nghiệp diễn xuất, Tôn Ngộ Không là vai diễn để đời duy nhất và mang lại hào quang cho nam diễn viên, ngoài ra, không thể có vai xuất sắc hơn.

Đinh Kim (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tay-du-ky-1986-va-nhung-ky-luc-de-doi-kho-co-bo-phim-nao-vuot-qua-noi-a340266.html