Giai điệu Tự hào 10: Vẽ Hà Nội bằng ký ức âm nhạc


Thứ 3, 28/10/2014 | 00:18


(ĐSPL) - Số phát sóng tháng 10 của Giai điệu Tự hào không khắc họa Hà Nội trong các khúc tráng ca của những ngày tháng ác liệt “trùng trùng quân đi như sóng”.

(ĐSPL) - Chọn cho mình một lối đi riêng, số phát sóng tháng 10 của Giai điệu Tự hào không khắc họa Hà Nội trong các khúc tráng ca của những ngày tháng ác liệt “trùng trùng quân đi như sóng”.

Giai điệu Tự hào lần này mang tới Hà Nội hào hoa, lãng mạn, trữ tình và thường trực trong nỗi nhớ của những người con xa năm cửa ô yêu dấu. Dù trong lửa đạn của những năm chống Pháp 1947 – “Sẽ về Thủ đô” hay ở kháng chiến chống Mỹ - “Người Hà Nội” và thập niên 80 – thời bao cấp khó khăn trong “Nhớ về Hà Nội”…, đất và người nơi đây lúc nào cũng đẹp trong tâm thức những người “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

 - Giai điệu Tự hào 10: Vẽ Hà Nội bằng ký ức âm nhạc

Được sáng tác năm 1947, khi nhạc sĩ Huy Du mới 21 tuổi, ca khúc “Sẽ về Thủ đô” là những hoài niệm tươi rói, niềm nhớ nhung những điều bình dị, thân thuộc của một người dù không phải là người Hà Nội gốc. “Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời – Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó”, chất ballade và marcia qua giọng ca trữ tình hàng đầu của NSƯT Quang Lý đủ sức mạnh mang bất cứ ai nghe ca khúc chìm đắm trong những cảm xúc tưởng cũ mà kỳ thực rất tinh khôi từ 60 năm về trước.

Được lựa chọn là ca khúc mở màn cho số phát sóng tháng 10 với chủ đề “Người Hà Nội”, ca khúc là lời gợi mở nhẹ nhàng đến miền ký ức thiêng liêng của mỗi người. Phần tranh luận của hai hội đồng Khách mời bình luận cũng sẽ giúp công chúng hiểu hơn về “cái buồn tiểu tư sản”, hình ảnh những người tiểu tư sản yêu nước, – dù đầu đội mũ phớt, mặc quần tây, áo sơ mi, tay cầm súng chiến đấu ở chiến khu…

 - Giai điệu Tự hào 10: Vẽ Hà Nội bằng ký ức âm nhạc (Hình 2).

Công chúng vẫn quen nghe “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi qua các giọng đơn hay cùng dàn hợp xướng, và cũng hẳn đã quá quen thuộc với cách dàn dựng hào hùng, dồn dập của những đoàn quân giải phóng. Vậy nhưng ở Giai điệu Tự hào, “Người Hà Nội” lại được thể hiện bằng tứ ca “ngẫu nhiên”: Quang Lý, Thanh Lam, Trần Thu Hà , Tùng Dương. Cách dàn dựng cho ca khúc cũng hoàn toàn lạ lẫm: 4 nghệ sĩ ngồi trong phòng khách sang trọng, có ghế bành, lò sưởi, hát về Hà Nội hào hùng ngoài cửa kính. Có một Hà Nội quật cường qua tiếng hát hào sảng của Tùng Dương, Hà Nội thâm trầm qua bè đệm của Quang Lý và cũng có Hà Nội trong vắt như làn nước Hồ Gươm qua tiếng hát của diva Hà Trần. Ca khúc dù bị chia nhỏ nhưng không hề vụn vặt, tất cả tạo nên một tổng thể khúc tráng ca mới đến ngỡ ngàng. Làm những điều chưa ai làm, sáng tạo những gì chưa ai thấy, tôn chỉ của ekip sản xuất Giai điệu Tự hào thể hiện rất rõ qua tiết mục chủ đạo này.

 - Giai điệu Tự hào 10: Vẽ Hà Nội bằng ký ức âm nhạc (Hình 3).

Là người con của đất Thủ đô, có vẻ như với Thanh Lam, chẳng có gì khó khăn khi thể hiện ca khúc “Hướng về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Dương. Nỗi nhớ Hà Nội buồn đến sang trọng qua tiếng hát của diva Thanh Lam được truyền tải thật tròn trịa. Chị hát về Hà Nội, về quê hương mà như hát cho một người tình. “Hà Nội ơi”, tiếng gọi người thương cứ điệp đi điệp lại đến khắc khoải. Làm nền cho diva, đạo diễn Tấn Lộc kỳ công mang cả Hà Nội thời chống Pháp lên sân khấu, những chiếc xe “người ngựa – ngựa người”, “cột đèn giăng mắc muôn nơi”, “những cô em hàng xén răng đen – cười như mùa thu vàng tỏa nắng”.

 - Giai điệu Tự hào 10: Vẽ Hà Nội bằng ký ức âm nhạc (Hình 4).

Hà Nội mùa đông, cây cũng được mang bàng lá đỏ cũng được mang vào phần trình diễn “Gửi người em gái miền Nam” qua tiếng hát của Tùng Dương. “Dương hát như một gã si tình nhưng lại rất thuyết phục” – “Cái chất liêu trai cũng phần thể hiện thông minh một cách tinh tế” là những lời khen có cánh của hai hội đồng bình luận dành tặng cho “người đàn ông hát” này.

 - Giai điệu Tự hào 10: Vẽ Hà Nội bằng ký ức âm nhạc (Hình 5).


Tham gia ghi hình cho chương trình Giai điệu Tự hào, ca sĩ trẻ Văn Mai Hương không chỉ thể hiện ca khúc nổi tiếng “Nhớ về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp mà cô còn được hóa thân thành thiếu nữ Hà Nội xưa, xếp hàng, mua nước nóng – tái hiện hình ảnh quen thuộc của Thủ đô thời bao cấp.

 - Giai điệu Tự hào 10: Vẽ Hà Nội bằng ký ức âm nhạc (Hình 6).

“Nhận được lời mời của nhạc sĩ Thanh Phương tôi đã đắn đo rất nhiều. Ý nghĩa chương trình thì đã quá thuyết phục, bản thân ca khúc “Nhớ về Hà Nội” cũng chẳng hề xa lạ, thậm chí tôi đã thuộc lòng… Nhưng trước cái bóng quá lớn của diva Hồng Nhung thì việc một ca sĩ trẻ như tôi biểu diễn lại ca khúc này thật sự mạo hiểm”, á quân Việt Nam Idol mùa 2010 chia sẻ.

Sau vài ngày suy nghĩ, Văn Mai Hương đã nhận lời thể hiện ca khúc diễn tả nỗi nhớ, tình yêu đối với những điều bình dị, thân thuộc nhất của Thủ đô. Dù đã chuẩn bị cho mình tâm lý trước sự so sánh của công chúng, nữ ca sĩ tâm sự, cô hát ca khúc này bằng ký ức của ông bà, bố mẹ, bằng hình dung của một người được sinh ra, lớn lên ở thời bình. Dù thích hay không, cô hy vọng khán giả hãy cứ nghĩ mỗi người trẻ hát lên cũng là một cách họ tiếp lửa để các ca khúc kinh điển thế này vẫn sống vững vàng trong đời sống âm nhạc hiện đại.

 - Giai điệu Tự hào 10: Vẽ Hà Nội bằng ký ức âm nhạc (Hình 7).

“Hãy lắng nghe thật kỹ bản hòa âm tinh tế của Thanh Phương trong ca khúc này, mọi người sẽ bắt gặp tiếng leng keng của tàu điện, tiếng chuông nhà thờ và cả tiếng nhạc hiệu báo thức được phát trên đài mỗi sáng - “Sao vàng lấp lánh ánh hồng sáng tươi… Tất cả những gì thân thuộc nhất của Thủ đô đã được người nhạc sĩ phối khi mang vào tác phẩm”, nữ ca sĩ bật mí về tiết mục biểu diễn sẽ được phát vào lúc 20h10 ngày 31/10 trên kênh VTV1 sắp tới.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-dieu-tu-hao-10-ve-ha-noi-bang-ky-uc-am-nhac-a63711.html