+Aa-
    Zalo

    Giai điệu tự hào số 3: Văn hóa phản biện nâng tầm

    ĐS&PL (ĐSPL) -Tối qua (30/3), số phát sóng với chủ đề “Rừng cây, đời người” của Chương trình Truyền hình Giai điệu Tự hào đã lên sóng và thu hút sự chú ý của khán giả.

    (ĐSPL) -Tối qua (30/3), số phát sóng với chủ đề “Rừng cây, đời người” của Chương trình Truyền hình Giai điệu Tự hào đã lên sóng và thu hút sự chú ý của khán giả không chỉ bởi những giọng ca khủng như: Cẩm Vân, Thanh Lam, Uyên Linh... mà còn bởi không khí tranh luận sôi nổi của hội đồng khách mời.

    Không còn những thử nghiệm phá cách táo bạo như “Tiến lên chiến sĩ đồng bào” hay “Tàu anh qua núi”, màu sắc âm nhạc trong tập này bớt gai góc hơn. Không khí tranh luận giữa hai hội đồng khách mời cởi mở, thẳng thắn hơn rất nhiều. Sau hai số đầu bỡ ngỡ, công tác sản xuất đã đi dần vào quỹ đạo, công chúng cũng đã hình dung rõ hơn về format chương trình vậy nên dù còn một vài hạt sạn nhưng có thể coi đây là bước tiến nổi bật của ekip thực hiện Chương trình.

    Khi mỹ cảm chạm tâm hồn

    Giai điệu tự hào số 3: Văn hóa phản biện nâng tầm
    Ca sĩ Cẩm Vân.

    Hơn 30 năm đi hát, hàng ngàn lần biểu diễn ca khúc “Bài ca không quên” nhưng đứng trên sân khấu mới toanh Giai điệu Tự hào, dù thể hiện lại tác phẩm cũ của mình, Cẩm Vân vẫn chinh phục hoàn toàn khán giả tại trường quay. Giọng hát của chị cất lên, rất nhiều những người trẻ đã rơi lệ, cộng thêm phần dàn dựng “hoàn hảo” của đạo diễn Việt Tú, cả trường quay đã vỡ òa trong cảm xúc. Hoa hậu Thu Thủy mắt đỏ hoe, lạc cả giọng khi nhắc về người cậu đã mất trong chiến trận. PGS Nguyễn Thị Minh Thái công nhận, 25 năm trong nghề nghiên cứu sân khấu, bà chưa từng được chứng kiến cảnh tượng đẹp cả về nghệ thuật lẫn cảm xúc đến như vậy. 96,32\% số khán giả yêu thích, trong đó 100\% khán giả lão thành ủng hộ ca khúc này là câu trả lời minh bạch nhất cho tác phẩm và nghệ sĩ thể hiện.

     Ca sĩ Tùng Dương.

    Đã rất lâu rồi Tùng Dương mới có dịp phiêu trong tác phẩm của Trần Tiến. Không ma mị như trong dự án world music của mình, Dương hát giản dị nhưng phóng khoáng, những nốt cao dày, chắc chắn như chính ca từ của tác phẩm: “Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời. Bài hát có đồng lúa miên man câu hò… Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn…”. Làm nền cho ca sĩ là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của Họa sĩ Đinh Công Đạt. Những chiếc nạng gỗ, xe lăn và chân giả đi cùng người thương binh, mất một chân, cầm ghita, chống nạng. Những hình ảnh giản dị nhưng mang sức truyền tải thông điệp to lớn. 94,04\% là mức độ yêu thích của khán giả dành cho tác phẩm của nhạc sĩ Trần Tiến.

    Mấy chục năm từ giã ánh đèn sân khấu, sự trở lại của NSƯT Thúy Hà, NSƯT Hương Giang lần này mang về cho các chị cả một vùng kỷ niệm. Lâu lắm rồi công chúng mới được nghe lại giọng hát cao vút của các chị sau “Cô Sao” ngày ấy. Nhìn những nụ cười không tuổi của chị đứng bên cạnh các ca sĩ trẻ: Tôn Thái Sơn, Đinh Mạnh Ninh, Tô Minh Đức… mới thấy âm nhạc luôn là thứ kỳ diệu nhất kết nối mọi tâm hồn. Nghệ thuật dù cho nói về đau thương, mất mát hay vinh danh chiến thắng, nó sẽ sống mãi nếu như chạm vào mỹ cảm của mỗi người.

     Ca sĩ Uyên Linh.

    Tuy sở hữu lượng fan đông đảo, là một trong những ca sĩ hot nhất chương trình nhưng Uyên Linh và “Hoàng hôn màu lá” chưa thuyết phục được khán giả tại trường quay. Chỉ 46,75\% khán giả yêu thích ca khúc do cô trình bày. Nhưng đây chưa phải là kết quả cuối cùng vì còn phụ thuộc vào số lượng tin nhắn qua tổng đài bình chọn.

    Văn hóa phản biện nâng tầm

    Không còn sự dè dặt ở hai số phát sóng đầu tiên, các khách mời trong số phát sóng thứ 3 này tỏ ra khá hào hứng, cởi mở nhiều khi gay gắt để bảo vệ quan điểm cá nhân. Tái hiện cả bức tranh về tuổi trẻ những năm 80, hai hội đồng khách mời bình luận đã có màn tranh luận trái chiều về rất nhiều vấn đề: “còn hay không lý tưởng sống của giới trẻ”, “có nên nghĩ quá nhiều tới chiến tranh, quá khứ”

    Nếu như Nhà báo Quỳnh Hương ngao ngán về việc tuổi trẻ ngày nay không có niềm tin, lý tưởng để cống hiến, giới trẻ sống hời hợt thì ý kiến này thì nhạc sĩ Trần Tiến lại cho rằng, quá khứ là những điều đã qua, đừng nên nghĩ nhiều về quá khứ! Quá khứ không nuôi sống chúng ta, các bạn trẻ hãy tự mình quyết định niềm tin ước mơ và cách để xây dựng đất nước, nước mắt chỉ chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược! Tràng pháo tay cho vị nhạc sĩ chưa kết thúc, PGS Nguyễn Thị Minh Thái đã phản bác tức thì, bà quan điểm: “Không thể quên được, chỉ nên khép lại quá khứ. Một đất nước có quá khứ bi thương thì giới trẻ cần phải được tự hào. Một đất nước chỉ có thể phát triển trên vai của những người khổng lồ…”.

    Nghe ca khúc “Một đời người, một rừng cây”, Họa sĩ Đinh Công Đạt chia sẻ rất thẳng thắn: “Nếu như tách phần lời triết lý của ca khúc ra thì xét về phần nhạc, đây là một bản nhạc rất tệ”. Ý kiến của anh không được nhiều khán giả tại trường quay đồng tình.

    Nguyên Phó Bí thư thứ nhất TW Đoàn TNCS HCM – Vũ Mão khi nghe liên khúc Tạm biệt chim én – vết chân tròn trên cát cũng đã nhắc lại cả thời kỳ “Đối thoại 87” của Nhạc sĩ Trần Tiến. Thời kỳ ấy, nghe ca khúc Vết chân tròn trên cát, nhiều ý kiến cho rằng, hình tròn cây nạng in hằn trên cát giống như con số không tròn trĩnh, vô nghĩa rồi quy chụp cho ca khúc nhiều điều lệch lạc. Ông Vũ Mão nhấn mạnh một lần nữa, đừng nên đặt quá nhiều gánh nặng lên vai nghệ thuật.

    Thượng đế sinh ra con người, cái mặt để nhìn ra đằng trước chứ không phải nhìn về phía sau. Nếu con người có đầu quay ngược lại phía sau thì con người sẽ chết vì vậy chúng ta đừng nghĩ nhiều tới quá khứ. Nghe Giai điệu tự hào, lâu lâu thấy có nhắc tới ông Trần Tiến, ông Tôn Thất Lập, nghĩ ờ, ông đó cũng được đấy nhỉ. Nhưng các ông ấy không nuôi sống các bạn, chỉ có các bạn mới là người nuôi ước mơ, niềm tin cho các bạn chứ không phải cuộc chiến tranh vừa rồi. Hãy quên hết đi! Hãy nhìn về phía trước! Các bạn trẻ hãy tự mình hành xử, tự mình hành động để lo cho đất nước này. Hãy nhớ rằng: nước mắt chỉ chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược. Thế hệ đi trước cống hiến mà không bao giờ cần những người trẻ phải hàm ơn”, đó là những chia sẻ rất hay của Nhạc sĩ Trần Tiến trong số phát sóng thứ 3 của Giai điệu Tự hào.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-dieu-tu-hao-so-3-van-hoa-phan-bien-nang-tam-a27588.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan