+Aa-
    Zalo

    "Giáo dục cơ bản từ 9 thành 10 năm, chẳng biết giống ai"

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chia sẻ về đề xuất tăng thời gian học THCS lên 5 năm, giảm THPT xuống còn 2 năm.

    (ĐSPL) - GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chia sẻ về đề xuất tăng thời gian học THCS lên 5 năm, giảm THPT xuống còn 2 năm.

    “Nếu thực hiện 5 năm THCS, Luật Giáo dục cũng phải sửa đổi”

    Nhiều tranh cãi "nảy lửa" xung quanh đề xuất tăng THCS lên 5 năm, giảm THPT xuống còn 2 năm.

    Trong cuộc họp của Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực ngày 20/8, Bộ GD&ĐT trình bày Dự thảo đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, trong đó đề xuất xác định lại số năm học của mỗi cấp. Phương án được quan tâm nhất là tăng THCS lên 5 năm, giảm THPT xuống còn 2 năm.

    Nhiều ý kiến nghiêng về phương án 1 là chương trình giáo dục cơ bản thực hiện trong 10 năm (5 năm tiểu học và 5 năm THCS),  giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 2 năm, nghĩa sẽ tăng THCS lên 5 năm, giảm THPT xuống còn 2 năm.

    Dẫn lời GS.TSKH Nguyễn Minh Đường (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH), báo Tuổi trẻ cho hay ông cũng ủng hộ phương án học sinh THCS sẽ học 5 năm.

    GS Đường nói: "Tôi ủng hộ phương án 1, 10 năm cho GD cơ bản. Vì GD cơ bản là thể hiện trình độ dân trí tối thiểu của một nước, theo đó học sinh cần được GD một cách cơ bản, toàn diện. Sau GD cơ bản, học sinh có một trình độ dân trí tối thiểu để có thể đủ điều kiện tham gia thị trường lao động ngay hoặc học tiếp lên cao hơn."

    Theo GS Đường, nên thiết kế chương trình GD cơ bản 10 năm, vì 9 năm không đủ thời gian để đảm bảo mục tiêu GD cơ bản. Trong khi đó, GD định hướng nghề nghiệp chỉ cần 2 năm là đủ, 3 năm là quá nhiều. Bên cạnh đó, nếu GD cơ bản 10 năm thì học sinh học xong giai đoạn này sẽ 16 tuổi, chín chắn hơn để có thể chỉ học nghề thêm 1-2 năm và tham gia vào thị trường lao động.

    Tuy nhiên, PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho biết trên báo Vnexpress: Nếu Bộ Giáo dục áp dụng phương án 10 năm cho giáo dục cơ bản ở bậc THCS nghĩa là tăng thêm một năm với khoảng 1 triệu học sinh, chưa kể giáo viên. Điều này sẽ kéo theo vấn đề cơ sở vật chất, phải tăng thêm khoảng 30.000 phòng học mới cho học sinh. Trong khi đó, bậc THPT lại “rỗng ruột” khi rút từ 3 triệu xuống còn 2 triệu học sinh.

    Với khối học nghề các em vừa phải học kiến thức THPT, vừa học nghề và sẽ có các chương trình liên thông từ trung học nghề lên CĐ, ĐH nghề. Học sinh có khả năng và định hướng vào đại học nghiên cứu hay ứng dụng thì có thể chỉ cần 2 năm học THPT.

    Bên cạnh đó, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, giáo dục cơ bản 9 hay 10 năm không giải quyết được việc phân luồng, vấn đề quan trọng nhất. Nếu thực hiện 5 năm THCS, Luật Giáo dục cũng phải sửa đổi. Nếu thay đổi là có ích thì theo GS Thuyết "sửa cũng không vấn đề gì, nhưng ý tưởng này chưa phù hợp, không đem lại giá trị cần thiết".

    Chia sẻ trên báo An ninh thủ đô. TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Tôi chưa thể đưa ra ý kiến ngay lúc này nhưng có thể thấy, việc thay đổi theo hướng phân luồng là hướng đi đúng và là quy luật chung của thế giới. Việc chọn đến lớp nào thì dừng chương trình giáo dục cơ bản, cần thời gian bao nhiêu cho giáo dục định hướng nghề nghiệp, trên thế giới có rất nhiều phương án được áp dụng. Điều này đòi hỏi ta phải có thời gian cân nhắc kỹ và phân tích lý luận, thực tiễn từ các nước trước khi triển khai trong nước”.

    "Nhiều nước hiện nay xác định thời gian học tiểu học là 6 năm, chứ không phải 5 năm. Ở Đức thì sau 6 năm tiểu học, người ta phân luồng học sinh vào 3 loại trường trung học khác nhau: Trường 6 năm dành cho học sinh giỏi, học xong là vào đại học. Trường 5 năm dành cho học sinh khá, học xong vào cao đẳng kỹ thuật. Trường 4 năm dành cho những học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ đi học nghề. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình giáo dục các nước để học tập cho phù hợp, chứ chuyển giáo dục cơ bản từ 9 thành 10 năm, chẳng biết giống ai", GS Thuyết góp ý thêm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giao-duc-co-ban-tu-9-thanh-10-nam-chang-biet-giong-ai-a47636.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan