+Aa-
    Zalo

    Đề xuất dạy học đại trà qua truyền hình trong mùa dịch Covid-19: Lúng túng “nút mở”

    ĐS&PL Trước đề xuất triển khai dạy học đại trà qua truyền hình, bộ GD&ĐT vẫn đang xem xét trong bối cảnh nhiều địa phương đã mạnh dạn tổ chức.

    Học sinh, sinh viên cả nước đã nghỉ học hơn 1 tháng vì dịch covid-19 dù lịch thi cử ngày càng gần. Trước đề xuất triển khai dạy học đại trà qua truyền hình, bộ GD&ĐT vẫn đang xem xét trong bối cảnh nhiều địa phương đã mạnh dạn tổ chức.

    Đề xuất triển khai đại trà việc dạy học qua truyền hình vẫn đang được bộ GD&ĐT nghiên cứu, xem xét.

    Vẫn chưa thống nhất quan điểm

    Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam đã đề xuất triển khai chuyển sang áp dụng đại trà các phương thức dạy học từ xa (mà trước tiên là dạy học qua truyền hình) ở quy mô toàn quốc ngay trong mùa dịch Covid-19.

    Trong xã hội vẫn đang tồn tại song song những quan điểm trái ngược nhau là cần cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học vì tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng, trong khi trường học là nơi tập trung học sinh nên nguy cơ lây lan sẽ rất lớn.

    Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, phải cho học sinh, sinh viên đi học trở lại ngay vì khung thời gian đã kịch trần, kéo dài thời gian nghỉ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn thể hệ thống giáo dục và còn kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực khác.

    Như vậy, bài toán đặt ra đối với giáo dục Việt Nam hiện nay là cần sớm có được một giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến của dịch.

    Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, điều kiện để áp dụng việc học trực tuyến bằng công nghệ cao không dễ, bởi đối tượng người học có hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Không phải học sinh, sinh viên nào cũng có máy tính, điện thoại thông minh, iPad... để học, như thế sẽ rất bất tiện khi áp dụng đại trà.

    này cũng nhấn mạnh, chúng ta đã từng thực hiện dạy học trên truyền hình và bây giờ kênh VTV7 vẫn duy trì tuy rằng thời gian không nhiều. Hiện cả nước có hàng trăm kênh truyền hình hiện đại từ trung ương đến địa phương là lợi thế để triển khai dạy học trên truyền hình. Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo hình thức phi lợi nhuận.

    “Chúng ta chỉ cần có quyết tâm cao nhất. Tôi cho rằng nếu những người đứng đầu ngành và đứng đầu các địa phương ra quyết định thì các đài phát thanh - truyền hình sẽ phối hợp với những cơ sở giáo dục để triển khai và đi vào hoạt động. Đã đến lúc toàn xã hội phải chung sức với ngành giáo dục tìm giải pháp vĩ mô chủ động đối phó với mọi diễn biến xấu có thể của đại dịch covid-19 hơn là chỉ thụ động cho học sinh, sinh viên nghỉ học chờ hết dịch”, ông Khuyến nói.

    Trả lời vấn đề này, một lãnh đạo bộ GD&ĐT cho rằng, việc học trực tuyến không phải hình thức mới đối với các trường đại học. Nhiều trường hiện cũng đã công nhận kết quả học tập này. Tuy nhiên đối với cấp phổ thông, việc giáo dục còn mang tính chất giáo dục con người, do đó cần phải dạy học trực tiếp.

     “Bộ cũng sẽ tiếp thu ý kiến này và sẽ nghiên cứu. Tuy nhiên đây là một vấn đề mang tính khoa học, cho nên có thể sử dụng để bổ trợ chứ không thể thay thế việc dạy tại phổ thông. Dạy chữ phải gắn với dạy người nên rất cần sự giao tiếp trực tiếp, từ đó hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh”, vị này cho hay.

    Mỗi nơi một kiểu

    Thực tế, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số tỉnh thành đang tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp trên truyền hình địa phương. Từ ngày 17/2, sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai là địa phương đầu tiên phối hợp với đài Phát thanh - Truyền hình tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình ôn tập kiến thức cho học sinh trên địa bàn.

    Hai đơn vị đã tổ chức ghi hình, phát sóng chương trình ôn tập kiến thức học kỳ 1 (năm học 2019-2020) dành cho học sinh khối 9 và khối 12. Trong đó, khối 9 được ôn tập 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và tiếng Anh; còn khối 12 được ôn tập 9 môn gồm: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân trên trên kênh Đồng Nai 1 và chiếu lại trên kênh Đồng Nai 2 vào hôm sau. Ngoài ra, các chương trình này cũng được đăng tải trên website của sở GD&ĐT và đài Phát thanh - truyền hình tỉnh.

    “Đây chỉ là phương án tạm thời giúp các em ôn tập kiến thức đã học chứ không phải chương trình bắt buộc. Để đảm bảo chất lượng chương trình, chúng tôi đã tuyển chọn những giáo viên giỏi, có chuyên môn để thảo luận và truyền tải kiến thức tốt nhất đến các em học sinh. Mặt khác, một số trường trên địa bàn đang áp dụng dạy học trực tuyến, dạy học theo nhóm... để ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh tốt hơn”, ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết.

    Đến cuối tháng Hai, hình thức này tiếp tục được nhân rộng tại các tỉnh, thành phía Nam khác như TP.HCM, Vĩnh Long, An Giang,... Đến đầu tháng Ba, Nam Định, TP.Hà Nội,... cũng đã bắt đầu triển khai dạy qua truyền hình nhưng phương án này vẫn chưa đồng bộ giữa địa phương. Còn đại diện sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cũng nhận xét, với những địa phương có nhiều huyện miền núi, còn khó khăn về kinh tế thì việc tiếp cận công nghệ thông tin, máy tính rất khó khăn. Do đó, phương pháp dạy học qua truyền hình là một kênh cung cấp kiến thức cho học sinh rất tốt bởi mỗi nhà hầu như cũng đều có tivi.

    Chia sẻ về phương pháp học tập này, ông Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh (TP.Đà Nẵng) đánh giá, hiện nay có nhiều kênh để giảng dạy, ôn tập khi học sinh phải nghỉ ở nhà vì dịch bệnh. Và mỗi phương án lại có một ưu điểm riêng, tùy vào từng trường, từng địa phương để áp dụng sao cho có hiệu quả tốt nhất.

    “Nếu như giảng dạy qua truyền hình thì Sở hoặc bộ GD&ĐT nên soạn sẵn một chương trình riêng cho mỗi khối lớp, mỗi hạng trường để cho học sinh có những định hướng trong tiếp cận. Và dù sử dụng kênh nào thì cũng cần sự hỗ trợ của các giáo viên để định hướng giúp các em chọn được những kênh nào, chương trình nào phù hợp với năng lực. Ví dụ thi trung học phổ thông quốc gia thì mỗi trường lại có một cách ôn tập riêng. Ngoài ra, các học sinh sẽ tương tác được với nhiều giáo viên ở các trường khác nhau hoặc thậm chí là ở các địa phương khác nhau nên có nguồn tư liệu, học liệu nhiều hơn, phong phú hơn", ông Hưng cho hay.

    Cô Nguyễn Thị Thu Hà (giáo viên môn Ngữ văn, TP.Đà Nẵng) nhìn nhận, việc dạy học trên đài truyền hình cũng là một phương án tốt trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, cách làm này còn mang tính chất đại trà và chỉ có lợi nhiều cho học sinh ở các vùng khó khăn. Còn ở những thành phố lớn, khi số lượng học sinh sở hữu máy tính, iPad, điện thoại thông minh... ngày càng nhiều thì các kênh học trực tuyến vẫn hiệu quả hơn. Bởi mức độ tương tác trên các thiết bị này vẫn cao hơn, nhiều tiện ích hơn. Ngoài ra, những kiến thức trên truyền hình vẫn nặng tính đại trà, học sinh muốn nâng cao phải tìm kiếm kênh kiến thức khác.

    Hà Nhân

    Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 11

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-day-hoc-dai-tra-qua-truyen-hinh-trong-mua-dich-covid-19-lung-tung-nut-mo-a316225.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan